Agriseco Research: 8 mã cổ phiếu cơ bản tốt có thể mua vào trong tháng 5
CTCK Chứng khoán Agribank (Agriseco) đã đưa ra danh mục khuyến nghị tháng 5/2022 - Lựa chọn trong mùa “Sell in May".
Cho năm 2022, Agriseco đánh giá hiện tượng “Sell in May, go away” nếu diễn ra sẽ mở ra nhiều cơ hội tích lũy cổ phiếu trong dài hạn bởi:
(1) Thị trường vừa trải qua một nhịp điều chỉnh mạnh khi Vn-Index sụt giảm 8,4% trong tháng 4 khiến mặt bằng giá của các cổ phiếu đã về mức hấp dẫn với P/E của VNIndex hiện khoảng 14,9 lần, thấp hơn các nước trong khu vực như Thái Lan (18,1 lần), Malaysia (15,9 lần), và so với trung bình P/E các năm gần đây (16,2 lần)
(2) Sau giai đoạn giảm mạnh với sự lao dốc của nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu đầu cơ, VN-Index đang có dấu hiệu tạo đáy với các phiên tăng, giảm xen kẽ với thanh khoản thấp
(3) Kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá rất sáng nhờ quá trình mở cửa trở lại nền kinh tế, tăng trưởng từ xuất khẩu cũng như các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, đầu tư công của Chính phủ
(4) Mặt bằng lãi suất và lạm phát vẫn đang ở mức thấp và dự báo duy trì ổn định trong cả năm 2022, tạo môi trường thuận lợi cho thị trường chứng khoán tăng điểm.
Trong bối cảnh đó, Agriseco Research đã lựa chọn ra 8 mã cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và câu chuyện tăng trưởng, phù hợp để tích lũy trong các nhịp giảm điểm của thị trường.
BID - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam
BID đặt kế hoạch LNTT năm 2022 tăng trưởng ấn tượng, dự kiến đạt 20.600 tỷ đồng (+52% yoy) với động lực tăng trưởng chủ yếu tới từ chi phí trích lập dự phòng được giảm thiểu mạnh. Chi phí dự phòng của BID dự kiến sẽ giảm từ 29 nghìn tỷ đồng trong năm 2021 xuống 23 nghìn tỷ đồng năm 2022. Trong Q1/2022, ngân hàng đã thực hiện được 22% kế hoạch cả năm với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 4,7%.
Chất lượng tài sản vững chắc với tỷ lệ nợ xấu NPL Q1/2022 đạt 0,8% trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu duy trì mức cao trên 277% sẽ tạo bộ đệm vững chắc về tài sản.
Kế hoạch tăng vốn: BID dự kiến chào bán thêm cổ phần (bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ) 455,27 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 9%. Thời gian thực hiện dự kiến trong 2 năm 2022-2023 sẽ giúp ngân hàng bổ sung nguồn lực về vốn và cải thiện hệ số an toàn vốn CAR, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
GMD - CTCP Gemadept
Tăng trưởng Sản lượng Container cập cảng: Sản lượng container 2T/2022 tại Gemalink gấp đôi so với cùng kỳ. Tiếp tục kỳ vọng đón dòng chảy hàng hóa đổ về cảng nước sâu theo như xu hướng hiện tại.
Tăng công suất: Cảng nước sâu Gemalink có lãi và vận hành full công suất trong năm nay. Động lực mới từ Nam Đình Vũ giai đoạn 2 khởi công tháng 12/2021, đến nay đã hoàn thành 25%. Gemalink 2 sẽ sớm được khởi công xây dựng trong 2022. Trong đó: - Nam Hải Đình Vũ giai đoạn 2: Tăng thêm 500.000 TEUs (gấp đôi công suất cảng này). Khai thác từ 2023. - Gemalink giai đoạn 2: Tăng thêm 900.000 TEUs (+60% công suất hiện tại) . Khai thác từ cuối 2023.
Kế hoạch thoái vốn mảng cao su: Năm nay là thời điểm thuận lợi để thoái vốn (cây cao su phát triển hết, hạ tầng hoàn thiện, giá cao su phục hồi)
FPT - CTCP FPT
FPT là cổ phiếu đầu ngành công nghệ với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. Kế hoạch FPT đặt ra trong năm 2022 với doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng trên 20%, Agriseco Research đánh giá khả quan nhờ vào hệ sinh thái từ giáo dục - viễn thông - công nghệ đang dần hoàn chỉnh sẽ giúp FPT có thể cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Bên cạnh đó, FPT cũng được hưởng lợi nhờ giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
KQKD Q1/2022 tăng trưởng mạnh với doanh thu và LNTT lần lượt đạt 9.730 tỷ đồng (+ 28% yoy) và 1.539 tỷ đồng (+34% yoy). Agriseco Research dự báo kết quả kinh doanh năm 2022 của FPT sẽ tăng trưởng ở mức 30% lợi nhuận nhờ các mảng kinh doanh chính sau:
Mảng Công nghệ: Kế hoạch đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ AI, Blockchain, Metaverse và các sản phẩm Made by FPT và tiếp tục M&A các công ty tư vấn chuyển đổi số ở các thị trường trong và ngoài nước. Trong ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào đầu tháng 4, việc thay đổi ban lãnh đạo trong hội đồng quản trị với các thành viên có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số sẽ giúp FPT ký kết được nhiều hợp đồng chuyển đổi số đóng góp vào tăng doanh thu và lợi nhuận trên 20% trong năm 2022.
Mảng Viễn Thông: Dự báo doanh thu tăng khoảng 15% nhờ vào việc tăng thuê bao đăng ký băng thông rộng và mảng PayTV tăng trưởng trở lại.
Mảng Giáo dục và Đầu tư: Mảng giáo dục và đầu tư kỳ vọng tăng trưởng trên 30% khi FPT mở rộng hệ thống trường học các cấp trên cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng số học sinh đạt mức 40% CAGR trong vòng 5 năm trở lại đây nhờ nhu cầu học công nghệ.
MSN - CTCP Tập đoàn Masan
Một chuỗi giá trị mới của ngành tiêu dùng – bán lẻ đang dần hình thành và tái định vị lối sống của người dân Việt Nam trong tương lai: MSN sẽ tích hợp công nghệ để hoàn thiện hệ sinh thái tiêu dùng – bán lẻ, nhằm đáp ứng được nhu cầu của 80% người dân Việt Nam vào năm 2025. Mới đây, MSN đã ký kết hợp tác chiến lược với Trusting Social – doanh nghiệp Fintech sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), hợp tác với các ngân hàng và thương hiệu hàng đầu để cung cấp các sản phẩm tài chính tới người dân – bằng việc đầu tư 65 triệu USD đổi lấy 25% cổ phần. Việc hợp tác này bên cạnh việc phổ cập tài chính tới người dân, cũng hỗ trợ MSN trong việc đánh giá khả năng vận hành của các cửa hàng WinMart/WinMart+, cũng như cá nhân hoá các trải nghiệm của người tiêu dùng trong tương lai dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (ML).
Tầm nhìn 2025 khả quan với việc lan toả mô hình cửa hàng Mini Mall – “Point of Life” trên toàn quốc. Các cửa hàng Mini Mall cũng ghi nhận lượt khách và doanh thu/cửa hàng tăng 30% so với các cửa hàng cũ; đồng thời điểm hoà vốn cũng giảm từ 25 triệu đồng/cửa hàng/tháng xuống 14 triệu đồng/cửa hàng/tháng, do đó việc mở rộng có thể đem lại những hiệu quả tích cực cho MSN trong tương lai về cả doanh thu và lợi nhuận – mục tiêu tới năm 2025 mở 30.000 cửa hàng trên toàn quốc (gấp 10 lần so với năm 2021).
KQKD Q1 tiếp tục khả quan, theo đó doanh thu tăng 11,9% yoy và lợi nhuận sau thuế tăng 753,5% yoy (sau khi loại trừ các khoản thu nhập 1 lần), đạt lần lượt 18.189 và 1.596 tỷ đồng. Lợi nhuận tăng mạnh do Biên EBITDA của hầu hết các lĩnh vực kinh doanh (Masan Consumer, WinCommerce, Phúc Long hay Masan High-Tech Materials) đều tăng tốt so với cùng kỳ. Về mặt doanh thu, các ngành hàng tiếp tục ghi nhận sự cải thiện ngoại trừ Masan MEATLife, sau khi bán mảng TACN cho đối tác De Haus vào cuối năm 2021
MWG - CTCP Thế giới Di động
TGDĐ/ĐMX tiếp tục là trụ cột dòng tiền, duy trì đà phát triển nhờ (1) Khai thác sản phẩm, dịch vụ mới (AVAJi, AVACycle) nhằm tăng doanh số trên cửa hàng hiện hữu; (2) Tăng thị phần bằng việc mở “Trung tâm điện máy” – diện tích 2.000m2-3.000m2 vào cuối năm nay, mở mới 200 cửa hàng ĐMX Supermini và mở rộng mô hình cộng tác viên nhằm tăng thị phần.
BHX sẽ tập trung (1) Hoàn thiện hệ thống vận hành (thay đổi layout cửa hàng, phát triển chương trình chăm sóc khách hàng và xây dựng nền tảng back-end); (2) Xây dựng đội ngũ BLĐ kế nhiệm; (3) Đẩy mạnh doanh thu thị phần BHX online nhằm (i) Thoái vốn tối đa 20% cổ phần tại BHX vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, mở rộng toàn quốc từ 2023, (ii) Nâng cao chất lượng phục vụ, giảm tải áp lực công việc cho nhân viên siêu thị, nhân viên kho hàng, (iii) Tiến tới IPO BHX sau khi BHX có lãi sau thuế. Các cửa hàng đầu tiên vận hành theo mô hình mới ghi nhận kết quả doanh thu/cửa hàng +15- 30% sv trước thay đổi – là một tín hiệu khá tích cực để có thể giúp BHX sớm có lãi sau thuế vào nửa cuối năm nay.
Chuỗi nhà thuốc An Khang và chuỗi TopZone đang ghi nhận những kết quả khá khả quan về doanh số, kỳ vọng tiếp tục quá trình mở rộng chuỗi trong năm 2022. An Khang ghi nhận doanh thu tháng 3 là 650 triệu đồng/cửa hàng, cao gần gấp đôi so với cuối năm 2021 (350 triệu đồng/cửa hàng). TopZone ghi nhận doanh thu bình quân từ 8-10 tỷ đồng/cửa hàng/tháng. Ban lãnh đạo đang thực hiện thay đổi layout các nhà thuốc, dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2022, đồng thời mở mới tổng cộng 400 nhà thuốc An Khang và 50 cửa hàng TopZone vào Q2/2022 để đánh giá thêm về hiệu quả hoạt động.
SAB - Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn
KQKD Q1/22 hồi phục tốt nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng và tiết giảm chi phí hiệu quả: Doanh thu và Lợi nhuận của SAB Q1/22 tăng lần lượt 24,7% yoy và 27,1% yoy, lên mức 7.306/1.171 tỷ đồng. Điều này có được nhờ một số yếu tố: (1) Nhu cầu tiêu thụ bia dần được khôi phục sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội và Việt Nam đi theo chính sách “Sống chung với Covid”, (2) Tung sản phẩm mới Bia Saigon Chill cùng các chương trình quảng cáo, marketing vào đúng dịp Q4/21 – Q1/22 – trùng với thời điểm lễ, Tết nên nhu cầu tiêu thụ đồ uống có cồn tăng cao, (3) Chi phí quản lý được kiểm soát tốt nhờ áp dụng SABECO 4.0 với tỷ lệ (Chi phí bán hàng + Quản lý doanh nghiệp)/Doanh thu thuần giảm về mức 14,3% (so với mức 17,3% của Q1/21).
Dự báo nhu cầu tiêu thụ tiếp tục ở mức cao và thị phần có thể tăng trưởng trong các quý kế tiếp nhờ (1) Tái tung sản phẩm Bia Saigon Special với thiết kế hiện đại và phù hợp giới trẻ hơn vào cuối tháng 3/2022, (2) Sự kiện thể thao (Sea Games 31) và hoạt động du lịch tiếp tục khôi phục – đặc biệt là du lịch trong nước diễn ra vào dịp nghỉ lễ lớn (30/4 – 1/5) và dịp hè (tháng 6) và xa hơn là sự kiện World Cup (diễn ra vào Q4), (3) Người dân tiếp tục quay trở lại nhịp sống như trước dịch.
Chi phí vẫn sẽ tiếp tục được kiểm soát tốt trong năm nay, nhờ (1) Hoàn tất việc đặt mua trước các nguyên liệu đầu vào trong năm nay nên sẽ không chịu tác động lớn khi giá thành có xu hướng tăng, (2) Áp dụng công nghệ chuyển đổi số nhằm tối ưu hoá chi phí vận hành và chi phí quản lý.
SCS - CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn
KQKD Q1/2022 khả quan với doanh thu tăng 25,4% yoy và LNST tăng 36,6% yoy. Công ty cũng nắm giữ lượng tiền mặt lớn (gần 900 tỷ đồng, chiếm gần 60% tổng tài sản), chủ yếu để chuẩn bị cho việc tham gia dự án sân bay Long Thành trong tương lai.
Việc mở rộng nhà ga hàng hoá sẽ thực hiện trong năm nay, khi nhà ga hiện tại của SCS đã hoạt động vượt công suất nhiều năm qua. Khi mở rộng, SCS sẽ hoạt động với công suất 350.000 tấn/năm (+75% hiện tại).
Ban lãnh đjao khá tự tin về kế hoạch được khai thác nhà ga tại Sân bay Long Thành, vốn đầu tư ban đầu khoảng 2.000 tỷ với tổng công suất 550.000 tấn/năm (gấp gần 3 lần công suất hiện tại là 200.000 tấn/năm). Khả năng cạnh tranh của SCS tại dự án này khá lớn khi ACV là chủ đầu tư Sân bay Long Thành, đồng thời cũng là cổ đông sáng lập của SCS với tỷ lệ sở hữu 14,94%.
TNG - CTCP Đầu tư và Thương mại TNG
Cập nhật KQKD Q1/2022: Doanh thu đạt 1.260 tỷ đồng (+38% yoy), LNST đạt 38 tỷ đồng (+74% yoy). Việc đưa vào vận hành các nhà máy nửa cuối năm 2021 như nhà máy Võ Nhai 2, Phú Bình, Sông Công đã đóng góp tích cực vào KQKD của TNG.
Các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ hay EU được dự báo tăng trưởng tốt trong năm nay khi dịch bệnh được kiểm soát. Các khách hàng lớn như Decathlon, The Children Palace hay Nike đều kỳ vọng có giá trị đơn hàng tăng mạnh. Theo ban lãnh đạo, hiện nay các đơn hàng đã được ký đến hết T10/2022. Trong đó, đối tác lớn nhất là Decathlon (chiếm 30% tỷ trọng xuất khẩu) kỳ vọng đạt 81,82 triệu USD giá trị đơn hàng trong năm nay (+22% yoy).
Dự án cụm Công Nghiệp Sơn Cẩm với diện tích 70 ha và tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng bắt đầu cho thuê trong năm nay. Dự án nằm ở vị trí có hạ tầng giao thông thuận lợi, nằm gần cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, sân bay Nội Bài và nhiều khu công nghiệp khác.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận