AEON niêm yết ở Việt Nam; Vietnam Airlines thử sức với thương mại điện tử; Vietcombank đấu giá quyền tài sản
Tuần cuối của tháng 11/2021 ghi nhận nhiều kế hoạch dài hạn của các doanh nghiệp.
Tập đoàn AEON muốn mở rộng và niêm yết ở Việt Nam
Thông tin được đích thân Chủ tịch Tập đoàn Motoya Okada thông tin trong buổi gặp mặt Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng tại Nhật Bản.
Ông Motoya Okada cho biết doanh nghiệp dự kiến niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam như thủy sản, hàng may mặc… sang Nhật Bản. Tập đoàn cũng quan tâm tới các hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam.
Vị này cũng đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam là rất tiềm năng, AEON có thể mở rộng hệ thống kinh doanh đồng thời với việc thu mua các loại hàng hóa tại nhiều địa phương khắp Bắc, Trung, Nam như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long.
Vietcombank bán đấu giá quyền tài sản tại Tòa nhà Dragon Tower
Đây là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng Tòa nhà Dragon Tower của liên danh PV Gas, Tổng công ty PVC và Địa ốc Phú Long. Giá khởi điểm của tài sản này được ngân hàng đưa ra là 419 tỷ đồng.
Theo PV Gas, dự án đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng Dragon Tower có tổng mức đầu tư 827 tỷ đồng. Đây là dự án được xây dựng trên khu đất rộng hơn 7.400 m2 tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Thiết kế dự án này là khu cao ốc văn phòng, kết hợp thương mại, dịch vụ với quy mô 15 tầng. Trong đó, diện tích sàn thương mại dịch vụ là 8.680 m2 và diện tích sàn văn phòng cho thuê là 22.600 m2.
Cảng nước sâu chuyên dùng do Hòa Phát đầu tư tại Dung Quất
Thép Hòa Phát Dung Quất lên kế hoạch đầu tư lớn tại KKT Dung Quất
Kế hoạch đầu tư lớn tại KKT Dung Quất (Quảng Ngãi) với loạt nhà máy sau thép đã được Hòa Phát Dung Quất trình lên tỉnh Quảng Ngãi. Đi theo kế hoạch này là các khu vực có diện tích lớn.
Như khoảng 300 ha ở phía nam Khu liên hợp 1 và 2 qua đường Trì Bình - Dung Quất, thuộc xã Bình Đông để đầu tư dự án Nhà máy sản xuất hợp kim sắt.
Bổ sung diện tích khoảng 79 ha để mở rộng dự án Nhà máy Hòa Phát Dung Quất 2. Bổ sung quy hoạch 796 ha thuộc địa phận xã Bình Thuận để đầu tư dự án Hòa Phát Dung Quất 3. Bổ sung 361 ha về phía tây của khu công nghiệp để mở rộng quy hoạch Khu công nghiệp Hòa Phát.
Ngoài ra, Hòa Phát Dung Quất cũng đề nghị bổ sung 128 ha tại xã Bình Dương để đầu tư Khu dân cư đô thị hỗn hợp phục vụ tái định cư cho các dự án.
Điều này, cũng đồng nghĩa với việc Quảng Ngãi nếu muốn nhận được các Dự án này, phải chuyển đổi hàng ngàn ha đất theo mục đích đề xuất đầu tư của nhà đầu tư.
Vietnam Airlines đưa Vnamall chen chân vào sân thương mại điện tử
Vnamall là sàn thương mại điện tử của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, nên sẽ mang đến những sản phẩm đậm dấu ấn hàng không, cũng như tận dụng được khả năng kết nối của gần 100 đường bay trong và ngoài nước của hãng.
Hiện tại, sàn thương mại điện tử này có hơn 300 sản phẩm từ thực phẩm, nông sản, đồ uống đến quà tặng, vật phẩm đồng thương hiệu Vietnam Airlines... Khách hàng có thể đặt mua và trải nghiệm "ẩm thực trên mây" như rượu vang hạng thương gia hay món tráng miệng, món ăn nhẹ của hàng không....
Nova Consumer muốn chinh phục thị trường hàng tiêu dùng
Nova Consumer, thành viên của Nova Group sẽ phát triển 250.000 điểm bán hàng, kỳ vọng doanh thu 2 tỷ USD mỗi năm.
Đó là một trong những mục tiêu mà Nova Consumer đặt ra để chinh phục thị trường hàng tiêu dùng (FMCG) Việt Nam với giá trị thị trường ước đạt 40 tỷ USD vào năm 2026.
Thông tin được ông Nguyễn Thế An, Giám đốc quan hệ định chế tài chính NovaGroup đưa ra trong buổi họp mặt đối tác để trình bày chiến lược phát triển của NovaGroup nói chung và Nova Consumer (Tổng công ty thuộc NovaGroup) nói riêng.
Để đạt được những mục tiêu trên, Nova Consumer sẽ phát triển 150 đại lý phân phối sản phẩm tiêu dùng, 250.000 điểm bán hàng, 1.200 đại lý phân phối sản phẩm nông nghiệp. Song song với các mô hình bán hàng truyền thống, doanh nghiệp còn phân phối qua kênh thương mại điện tử và phấn đấu xuất khẩu đến 26 thị trường trên thế giới.
VIMC mở tuyến vận tải container trực tiếp Việt Nam - Malaysia - Ấn Độ
Từ ngày 25/11, tuyến dịch vụ hàng hải mới này của VIMC sẽ kết nối trực tiếp hai cảng biển lớn nhất Việt Nam là cảng TP. HCM và cảng Hải Phòng tới các cửa ngõ lớn nhất của Ấn Độ.
Với hải trình Hải Phòng - Port Klang - Calcutta - Port Klang - Cảng Container Quốc Tế SP-ITC (TP HCM) - Hải Phòng, trong đó tiếp nhận hàng trung chuyển từ Nhava Sheva tại Port Klang, tuyến vận tải container mới của VIMC sẽ kết nối trực tiếp hai cảng biển lớn nhất Việt Nam là cảng TP.HCM và cảng Hải Phòng tới các cửa ngõ lớn nhất của Ấn Độ.
Tuyến vận tải container trực tiếp này có thời gian vận chuyển cạnh tranh do rút ngắn thời gian vận chuyển so với tuyến trung chuyển qua cảng Port Kelang được hơn 10 ngày so với trước đây.
Bamboo Airways dự kiến lên sàn Upcom đầu năm 2022
Thông tin phát đi cho thấy, Bamboo Airways sẽ niêm yết cổ phiếu BAV trên sàn Upcom từ quý I/2022. “Thời gian giao dịch dự kiến từ quý I/2022, giá giao dịch dự kiến không thấp hơn 60.000 VNĐ/cổ phiếu”, ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết.
Cũng theo ông Hải, Hãng cũng đang gấp rút chuẩn bị và hoàn thiện song song hồ sơ chào bán cổ phiếu BAV tại thị trường chứng khoán Mỹ (New York) ngay trong năm 2022.
Trước đó, Bamboo Airways đặt mục tiêu huy động 200 triệu USD thông qua phát hành 5-7% cổ phần, dự kiến trên sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE), qua đó có thể nâng vốn hoá của hãng lên 4 tỷ USD.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận