menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Duyên

ADB: ASEAN sẽ tăng trưởng ở mức 5% trong 2 năm tới

Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á ngân hàng ADB dự báo tăng trưởng ASEAN năm 2023 giảm nhẹ so với mức 5,3% trong nửa đầu 2022 tình hình châu Âu vẫn diễn biến phức tạp.

“Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối diện với nhiều thách thức, ASEAN đang phục hồi khá lạc quan” Tổng Vụ trưởng Vụ Đông Nam Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Ramesh Suamaniam nhận định tại một buổi hội thảo trực tuyến diễn ra sáng 26/10 tại Philippines.

Buổi hội thảo với chủ đề “Triển vọng kinh tế ASEAN: Xây dựng chiến lược phục hồi bền vững và thích ứng” do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) và Hội đồng Kinh tế và Xã hội Châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) tổ chức.

Phát biểu tại sự kiện, ông Suamaniam lý giải sự phục hồi mạnh mẽ của ASEAN là kết quả của sự nỗ lực của chính phủ các nước trong khu vực trước và sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, ví dụ như phổ cập vắc-xin, nới lỏng hạn chế di chuyển và mở cửa đón tiếp khách du lịch trở lại.

“Trong nửa đầu năm 2022, khu vực ASEAN tăng trưởng ở mức 5,3% và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 5% trong 2 năm tới”, ông Suamaniam chia sẻ.

Theo ông Suamaniam, dự báo tăng trưởng cho năm 2023 giảm nhẹ do tình hình căng thẳng ở châu Âu, nhưng kết quả vẫn khả quan ở mức ít nhất 5%.

Bất chấp triển vọng lạc quan này, “nền kinh tế khu vực này vẫn phải đối mặt với tình trạng không chắc chắn cũng như nhiều thách thức”, ông Suamaniam cho biết.

Vị Tổng Vụ trưởng nêu ra một số thách thức mà khu vực ASEAN phải đối mặt trong thời gian qua. Đầu tiên là sự tăng trưởng không đồng đều giữa các nước trong khu vực. Các nền kinh tế lớn có nhiều tài nguyên vẫn có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn các nền kinh tế nhỏ phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu.

Thứ hai, cuộc xung đột Nga – Ukraine cũng như tình hình lạm phát kéo dài ở nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ khiến giá năng lượng và hàng hóa leo thang, gây ra áp lực nặng nề khiến các nước phải thắt chặt thị trường tiền tệ.

Ông Suamaniam nhận định rằng những yếu tố này sẽ có ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô của khu vực, trong ngắn hạn. Tuy nhiên ADB vẫn khá lạc quan với sự tăng trưởng của khu vực này, vì các nước ASEAN đã có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á cũng như trên thế giới, và cả đại dịch Covid-19 vừa qua.

Một thách thức nữa mà ông Suamaniam đề cập đến đó là thảm họa thiên nhiên, nhưng ông cũng cho biết các nước như Indonesia, Philippines, Việt Nam, Campuchia, Lào đã rất kiên cường trong công cuộc ứng phó với các thảm họa này.

Về thách thức đối với phát triển, vị đại diện của ADB cho biết các khoản nợ đang tăng lên, khiến các chính phủ gặp nhiều khó khăn trong việc ứng phó với những thách thức trong trung và dài hạn.

Ông Suamaniam cho biết, ASEAN đã làm tốt công tác giảm nghèo. Một số quốc gia ASEAN thậm chí đã thành công giảm tỉ lệ nghèo đói về mức 1 con số. Tuy nhiên, tình hình trở nên khó khăn hơn khi tỉ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng, đặc biệt ở giới trẻ.

Quy mô và tác động chưa từng có của đại dịch Covid-19 cũng khiến những thành tựu khó giành được có nguy cơ bị đe dọa.

Số người nghèo cùng cực ở Đông Nam Á đã tăng trung bình hơn 5 triệu người vào năm 2020 và 2021, so với kịch bản khi không có Covid.

Một thách thức nữa là việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) trở nên khó khăn hơn trong không gian tài chính hạn chế và dư nợ ngày càng tăng.

Trước khi đại dịch bùng phát, UNESCAP đã tiến hành một số biện pháp tiên phong nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước, nhưng thậm chí khoảng cách này ngày càng xa và tình hình càng trở nên khó khăn hơn sau đại dịch.

Thách thức cuối cùng đòi hỏi rất nhiều nguồn lực từ các nước, đó là giảm phát thải ròng về 0.

Ông Suamaniam đề cập đến việc cần thiết phải duy trì tăng trưởng kinh tế vĩ mô vì điều này sẽ quyết định khả năng phục hồi của một quốc gia khi đối mặt với những thách thức.

Ông cũng cho rằng ASEAN không nên bỏ qua bất cứ cơ hội cải cách cơ cấu nào. ADB hiện đang kết hợp chặt chẽ với các nền kinh tế lớn nhỏ để thực hiện cải cách nhằm tăng cơ hội việc làm và hỗ trợ những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid. Theo ông Suamaniam, đây là những biện pháp cực kỳ quan trọng để giải quyết bất bình đẳng về kinh tế - xã hội và tăng cường khả năng phục hồi.

Liên quan đến vấn đề môi trường, ADB đang thử nghiệm một chương trình chuyển đổi năng lượng ở Indonesia, và đang xem xét triển khai ở Philippines và Việt Nam. Ngoài ra, ADB cũng đang tiến hành một số dự án khác liên quan đến lĩnh vực này, ông Suamaniam chia sẻ.

Cũng tại sự kiện này, ông Aladdin D. Rello, cố vấn kinh tế cấp cao của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Nam Á (ERIA) cho rằng trước những thách thức phát triển mà cả khu vực và toàn thế giới đang đối mặt, ASEAN chắc chắn không thể tránh khỏi những cơn gió ngược.

ADB: ASEAN sẽ tăng trưởng ở mức 5% trong 2 năm tới

Ông Aladdin D. Rello, cố vấn kinh tế cấp cao của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Nam Á. Ảnh: The Edge Markets

Đánh giá về tình hình chính trị - xã hội của khu vực ASEAN, ông Rello cho rằng căng thẳng địa chính trị và phân mảnh kinh tế sẽ tác động đến chính sách của ASEAN trong tương lai, vì điều này có thể gây ra căng thẳng thương mại toàn cầu, kéo theo đó là các động thái thắt chặt thị trường thương mại.

Những yếu tố này có thể gây ra thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến các nước ASEAN trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ông Rello nhận định.

Theo ông Rello, trong bối cảnh hiện nay, ASEAN cần phải giải quyết các tác động của sự phân mảnh này, kể cả từ góc độ kinh tế hay chính trị. Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác đa phương của ASEAN, vì ASEAN đang được hưởng lợi rất nhiều từ hợp tác đa phương, đặc biệt là từ các hiệp định hợp tác đa phương như RCEP.

“Hợp tác đa phương sẽ giúp ích cho ASEAN trong việc giải quyết một số thách thức hiện tại, trong đó có việc số hóa, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu”, ông Rello kết luận.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại