ACV về tay Nhà nước?
Bộ Giao thông Vận tải vừa có đề nghị “cởi trói” cho ACV trong bảo trì, nâng cấp, đầu tư mới hạ tầng khu bay, đồng thời đề xuất Nhà nước mua lại cổ phần đã bán, đưa ACV trở lại là DNNN.
Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) không phải trường hợp đầu tiên, và có lẽ cũng chưa phải trường hợp cuối cùng muốn tái nhập loại hình doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong bối cảnh cổ phần hóa DNNN đang ráo riết diễn ra.
Tiền lệ từ Bộ Giao thông Vận tải
Việc đầu tiên phải nói ngay Bộ Giao thông Vận tải chính là Bộ đi đầu mở màn cho việc đưa doanh nghiệp đã cổ phần hóa trở lại mô hình DNNN đối với trường hợp của Cảng Quy Nhơn.
Động thái nói trên của Bộ Giao thông Vận tải được đưa ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó, tựu trung 3 nguyên do chính: Quy trình cổ phần hóa, bán vốn Nhà nước có những sai phạm, cụ thể Vinalines chuyển nhượng 75,01% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn cho Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Hợp Thành, theo phương thức thoả thuận trực tiếp khi không báo cáo, chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép, là trái thẩm quyền, vi phạm quy định pháp luật.
Các lĩnh vực như Dầu khí, Năng lượng, Ngân hàng, và Cảng Hàng không liên quan không chỉ kinh tế- xã hội mà còn an ninh quốc phòng. Nhà nước nắm quyền quản lý các lĩnh vực này là vô cùng cần thiết.
Thanh tra Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Vinalines thu hồi lại 75,01% cổ phần này, đồng thời huỷ bỏ 2 văn bản hành chính bán vốn sai phạm. Sở dĩ như vậy do vị trí của Cảng Quy Nhơn chưa được đánh giá đầy đủ trong “bản đồ” kinh tế xã hội vùng và quốc gia để đưa ra quyết định cổ phần hóa phù hợp hay không; Phía Công ty Hợp Thành có nhiều hạng mục đầu tư sau cổ phần hóa không “đến đầu đến đũa”. Do đó, quyết định này đối với giới quan sát, nhà đầu tư quốc tế lẫn trong nước là phù hợp.
Tuy nhiên, với trường hợp ACV, không liên quan đến các sai phạm hay kết luận thanh tra như trường hợp của Cảng Quy Nhơn.
Tại sao ACV?
Trao đổi với DĐDN, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn IPP, là nhà đầu tư lớn về cảng hàng không nêu quan điểm gây bất ngờ không kém đề xuất gây sốc của Bộ Giao thông Vận tải.
“Việt Nam đang định hướng và nỗ lực thực hiện kinh tế thị trường, cổ phần hóa và đổi mới DNNN nằm trong định hướng đó. Tuy nhiên, ở những lĩnh vực trọng yếu, vẫn cần tập trung nguồn lực về tay Nhà nước. Do đó, Nhà nước nắm quyền quản lý ACV là cần thiết”, ông Hạnh nói.
Ngoài ra, ông Hạnh cũng khẳng định: “Việc Nhà nước cho phép tư nhân tham gia đầu tư cảng vẫn hợp lý, với những trường hợp như Cảng Đà Nẵng, Cảng Cam Ranh (do yêu cầu của APEC), và mặt khác vẫn nằm trong quyền kiểm soát của Nhà nước. Tuy nhiên với ACV thì khác, doanh nghiệp này đang quản lý 21 cảng hàng không chưa bao gồm Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Do đó, ACV về tay Nhà nước một mặt vẫn tiếp tục nuôi được các cảng hàng không đang thua lỗ (5/16 cảng có lãi-NV) vì các yêu cầu địa phương, theo nhiệm vụ quốc gia- dân sinh, chứ không thuần túy bài toán kinh tế; mặt khác vẫn có thể quản lý và thu hút vốn đầu tư tư nhân vào 1 số cảng nhỏ, ở các vị trí không nhất thiết trọng yếu”.
Ở một số quan điểm khác, có chuyên gia cho rằng đưa ACV trở lại DNNN sẽ khiến Nhà nước mất cơ hội có thêm nguồn thu ngân sách lớn từ bán vốn ACV, tạo thêm độc quyền cảng hàng không và khiến nhà đầu tư lo ngại về quá trình cổ phần hóa không nhất quán theo lộ trình Nhà nước đưa ra.
Tuy nhiên, việc đề xuất có tiền lệ và vẫn là đề xuất riêng từ các trường hợp tại Bộ Giao thông Vận tải quản lý cho thấy, một lần nữa, rà soát lại các trường hợp cổ phần hóa DNNN là vô cùng cần thiết, tránh các trường hợp đảo ngược cổ phần hóa khi đã quá muộn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận