24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Dũng Bùi
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

AAFA kêu gọi ưu tiên phân phối vắc xin cho ngành may mặc Việt Nam

Chủ tịch Hiệp hội May mặc & Giày dép Hoa Kỳ (AAFA), ông Steve Lamar vừa có thư gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với mong muốn được ưu tiên phân phối vắc xin cho ngành may mặc, giày dép và hàng hóa du lịch của Việt Nam.

Đồng thời, phối hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO) nhanh chóng xây dựng và triển khai những biện pháp linh hoạt và hiệu quả nhằm hỗ trợ các ngành này sản xuất và vận chuyển hàng hóa một cách an toàn.

Theo ông Steve Lamar, thời gian qua, AAFA đã vận động Chính phủ Hoa Kỳ tăng cường phân phối lượng vắc xin, dụng cụ xét nghiệm Covid và các thiết bị bảo hộ y tế cho Việt Nam. Hoa Kỳ đã trao 5 triệu liều vắc xin cho Việt Nam nhưng AAFA vẫn đang tiếp tục vận động Chính phủ Hoa Kỳ cung cấp nhiều hơn trong bối cảnh khẩn cấp. Chủ tịch AAFA hy vọng, Chính phủ Việt Nam ưu tiên các nguồn được trao tặng cho những ngành công nghiệp then chốt, và khu vực phía Nam, vốn đang là điểm nóng với nhiều ca nhiễm Covid mới, cũng là nơi tập trung các hoạt động kinh tế giữ vai trò quan trọng đối với sức khỏe của nền kinh tế. Cùng đó, tập trung vào giải pháp “hai tại chỗ” nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động và cơ chế cho phép vận chuyển hàng hóa và vật liệu thiết yếu…

Dù trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng may mặc của Việt Nam sang Hoa Kỳ tương đối khả quan. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, cả hai miền Nam, Bắc - nơi tập trung đông doanh nghiệp dệt may - đang đặt trong tình trạng báo động đỏ. Các địa phương thực hiện không thống nhất các quy định phòng chống dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.Đại diện AAFA cũng nhấn mạnh, ngành may mặc, giày dép và hàng hóa du lịch lần lượt là ngành xuất khẩu lớn thứ 2, thứ 3 và thứ 4 đối với nền kinh tế Việt Nam, tạo việc làm cho hơn 4 triệu lao động và tạo ra kim ngạch xuất khẩu trị giá thường niên lên tới 40 tỷ USD. Đồng thời, Việt Nam là đối tác quan trọng khi cung cấp hàng may mặc, giày dép và hàng du lịch lớn thứ hai cho thị trường Hoa Kỳ, chiếm 20% tổng hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ. Do đó, sự thành công của ngành may mặc, giày dép và hàng du lịch Hoa Kỳ phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe của các ngành công nghiệp này tại Việt Nam.

Cụ thể, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, việc áp dụng “3 tại chỗ” đang bộc lộ nhiều vấn đề, khó nhất là không biết chính xác thời gian áp dụng “3 tại chỗ” nên không có kế hoạch cụ thể cho việc lưu giữ lao động cũng như lên kế hoạch sản xuất để bù đắp thời gian đã mất, cũng không thể xác nhận được thời điểm xuất hàng. Bản thân các nhà máy đang tiến hành “3 tại chỗ” cũng rất căng thẳng vì nguy cơ người lao động nhiễm bệnh lúc nào cũng có thể xảy ra. Hơn nữa, tỷ lệ công nhân tham gia “3 tại chỗ” cũng chỉ đạt 10-30%, lác đác có doanh nghiệp đạt 40%, hiệu quả sản xuất rất thấp.

Đặc biệt, tình trạng ách tắc trong lưu thông hàng hoá do các địa phương triển khai không thống nhất các quy định phòng chống dịch đã chất thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Theo phản ánh của lãnh đạo Công ty CP TCT May Bắc Giang BGG, hàng hoá xuất, nhập của doanh nghiệp bị ùn và tốn thêm nhiều chi phí do phải chia sẻ phí xét nghiệm hàng ngày cho lái xe của đơn vị vận chuyển.

Từ tâm dịch TP. Hồ Chí Minh, ông Dương Khuê - Tổng giám đốc Tổng công ty CP Phong Phú - cho hay: Nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu có tăng nhưng chưa mạnh, trong khi chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là chi phí phát sinh, như: Chi phí chuẩn bị lưu trú, phí xét nghiệm và chi phí hỗ trợ cho công nhân làm việc tại nhà máy, chưa kể phí lưu kho, lưu bãi do hàng hoá bị ách tắc. Doanh nghiệp khó cân bằng thu chi, tháng 7 và 8 nhiều khả năng không đạt doanh thu theo kế hoạch.

Trong văn bản khẩn VITAS mới gửi lên Chính phủ và các Bộ, ngành phản ánh về các khó khăn của doanh nghiệp cũng nêu: Việc phân “luồng xanh” là giải pháp thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng do mạng bị nghẽn, hacker tấn công nên gây ách tắc. Các địa phương không thống nhất sử dụng loại giấy xét nghiệm cho lái xe và thời gian có giá trị cũng làm doanh nghiệp gặp khó khăn. Quy định về hàng hoá thiết yếu được mỗi nơi hiểu một kiểu đã tạo ra ách tắc. Cùng đó, về vấn đề lao động, doanh nghiệp bố trí sản xuất “3 tại chỗ” nhưng 60-70% người lao động không đồng ý làm việc do sợ lây lan bệnh. Số lao động không đi làm có được hưởng lương ngừng việc không hay doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho người lao động là vấn đề gây lúng túng.

Trước những khó khăn trên, VITAS cũng đề một số giải pháp tháo gỡ. Đầu tiên, Nhà nước ưu tiên cho người lao động tại các doanh nghiệp lớn sớm được tiêm vắc xin (có thể cân nhắc trên cơ sở doanh nghiệp tự chịu chi phí) nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và doanh nghiệp sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ưu tiên đặc biệt tiêm vắc xin cho đội ngũ lái xe để đảm bảo lưu thông hàng hoá phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Chính phủ chỉ đạo các địa phương sớm triển khai các gói hỗ trợ để người lao động và doanh nghiệp đỡ khó khăn.

VITAS cũng đề nghị Nhà nước cho phép doanh nghiệp, sau thời gian phong toả được bố trí thời gian làm thêm quá quy định (40 giờ/tuần) để giải quyết các đơn hàng tồn đọng. Doanh nghiệp sẽ bù trừ các tháng để đảm bảo không quá 300giờ/tháng theo quy định hiện hành. Bộ Y tế quy định thống nhất từng loại giấy xét nghiệm và thời gian hiệu lực của mỗi loại, khi lái xe lưu thông qua các tỉnh thì dùng loại nào để các địa phương thực hiện…

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Mã chứng khoán liên quan bài viết
16.80 -0.30 (-1.75%)
prev
next

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả