99% giao dịch ảo, Công an cảnh báo nguy cơ "sập bẫy” lan tiền tỷ
Thời gian gần đây, thị trường mua bán, trao đổi hoa lan đột biến gen ngày càng nóng lên, trong đó có nhiều cuộc giao dịch với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Theo Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Tuyên Quang, thời gian gần đây các giao dịch chuyển nhượng lan đột biến gen diễn ra công khai, phô trương và được quảng bá, livestream rộng rãi trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok… với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.
Hình ảnh các "tấm gương" đổi đời, làm giàu nhanh chóng từ hoa lan, dễ dàng kiếm tiền tỷ trong thời gian ngắn đã đánh vào tâm lý hám lợi của một số bộ phận người dân, thúc đẩy họ tham gia đầu tư vào hoa lan đột biến.
Từ một thú chơi lúc trà dư tửu hậu, việc kinh doanh hoa lan đột biến gen đang trở thành trào lưu với sự tham gia của nhiều tầng lớp, thành phần xã hội. Hầu hết người chơi hoa lan đều mong kiếm lời dễ dàng, đổi đời trong chớp mắt; không ít người trong số đó bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí huy động cả nguồn "tín dụng đen" để đầu tư. Đây là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ vỡ nợ dây chuyền, phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", "đòi nợ thuê", tội phạm trộm cắp, cướp giật tài sản...
"Không hiếm trường hợp người chơi lan bỏ ra cả tỷ đồng để mua giống lan quý, sau hàng năm trời chăm sóc kỳ công, cây lan lại trổ ra mặt hoa phổ biến, giá trị thấp, dẫn đến tranh cãi, xô xát với người bán, nhận ra mình bị lừa thì đã quá muộn", Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết.
Công an tỉnh Tuyên Quang khuyến cáo người dân cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, mặt hàng trước âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động mua bán hoa lan đột biến gen nhằm mục đích trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cũng liên quan câu chuyện “lan tiền tỷ”, trước đó Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh Hà Nam khẳng định 99% vụ chuyển nhượng lan Bảo Duy 5 cánh có giá gần 19 tỷ đồng là giả.
Theo ông Nguyễn Văn Dương, Phó Cục trưởng, Cục Thuế tỉnh Hà Nam, qua xác minh ban đầu, cơ quan thuế xác định 99% các đối tượng buôn bán hoa lan trên là giả.
"Chúng tôi đã phối hợp với các phường, xã địa phương vào cuộc xác minh. Kết luận ban đầu 99% thương vụ trên là giả, các đối tượng nhờ các kênh khác nhau để đưa thông tin, gây sốt dư luận nhằm phục vụ các mục đích khác nhau. Hiện Cục Thuế Hà Nam đang chỉ đạo Chi Cục Thuế địa phương rà soát, làm rõ", ông Dương nói.
Còn theo đại diện Tổng cục Thuế, các thương vụ bán hoa lan đột biến lên đến vài tỷ hoặc vài chục tỷ gây rúng động dư luận ở Phú Thọ, Hòa Bình trong năm 2020 đều không xác định được giao dịch, hợp đồng nên không thể thu được thuế.
"Các giao dịch đều ở dạng ảo hoặc hội nhóm, không hóa đơn, chứng từ và không chứng thực được sản phẩm đó có giá trị thực tế đúng với số tiền vài chục tỷ hay không. Gần như mọi đối tượng tham gia vào phiên giao dịch đều từ chối các thông tin chuyển nhượng do họ cùng hội, nhóm chơi nên đều bán sang tay", vị đại diện này nói.
Theo một số nhân vật trong các hội, nhóm chơi lan đột biến, thực tế các loại lan đột biến có giá cao bởi vì sự hiếm có và được nâng giá quá đà. Điều này khiến giá lan đột biến ở trạng thái ảo, khiến nhiều người đổ xô đặt hàng các loại lan giống với giá vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/cây giống về nuôi, nhưng sau đó vỡ mộng.
Trong năm 2020, lực lượng chức năng đã triệt phá, bắt nhiều vụ giả bán lan đột biến để chiếm đoạt tiền của nhiều người, trong đó các đối tượng bị lừa chủ yếu là người chơi lan hoặc người mới đầu tư lan hòng mộng tưởng làm giàu từ loại cây này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận