24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Giang Nguyễn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

9 thói quen xấu về tiền bạc khiến tài khoản của bạn luôn 'rỗng tuếch'

Bước đầu tiên để phát triển các thói quen tài chính hiệu quả là loại bỏ những thói quen xấu. Dưới đây là 9 thói quen xấu về tiền bạc phổ biến nhất khiến tài khoản của bạn luôn 'rỗng tuếch' và cách loại bỏ chúng.

1. Không có mục tiêu tiết kiệm cụ thể

Thiết lập các mục tiêu tiết kiệm cụ thể không chỉ quan trọng để biết bạn cần tiết kiệm bao nhiêu mà còn để bạn có một lý do chính đáng để tiết kiệm.

Nếu không có mục tiêu tiết kiệm cụ thể, bạn có thể không suy nghĩ kỹ về việc mình nên tiết kiệm bao nhiêu và những chiến lược nào để thực hiện để đạt được những mục tiêu đó.

Loại bỏ thói quen này sẽ giúp thiết lập nền tảng cho mọi thói quen tiết kiệm khác - và đó là một điểm dễ dàng để bắt đầu.

Ngay bây giờ, hãy dành chút thời gian viết ra các mục tiêu của bạn, gồm cả mục tiêu ngắn hạn như đi du lịch hay tiền trả trước mua nhà, và mục tiêu dài hạn như nghỉ hưu.

Hãy đưa các mục tiêu này vào ngân sách cùng thời hạn cụ thể. Sau đó, bạn có thể dành ra một số tiền nhất định mỗi tháng để đáp ứng các mục tiêu đó trong khung thời gian mong muốn.

2. Chi tiêu quá nhiều cho những thứ không cần thiết

Chúng ta có thể chi tiêu cho rất nhiều thứ không cần thiết, tưởng nhỏ nhưng tích luỹ lại cả một tháng thì con số cũng khá lớn. Nhất là khi mua sắm bốc đồng.

Và trước khi bạn kịp nhận ra thì bạn đã chi tiêu quá số tiền bạn định dành cho những mặt hàng không thực sự cần này.

Nếu bạn là người thường xuyên mua sắm bốc đồng, hãy thử cách sau để bỏ thói quen xấu này: Lần tới khi bạn nhìn thấy một mặt hàng không cần thiết mà bạn muốn mua, hãy viết ra giấy hoặc app ghi chú và đợi vài ngày trước khi mua.

Sau khoảng thời gian đó, bạn có thể thấy rằng mình không còn muốn món đồ đó nữa và bạn có thể tiết kiệm được số tiền mà bạn lẽ ra đã chi cho nó.

Ngoài ra, hãy thử lập danh sách mua sắm trước khi bạn đi chợ/siêu thị để đảm bảo tuân thủ ngân sách. Nó có thể đóng vai trò như một lời nhắc nhở để không chi tiêu quá nhiều.

3. Để nợ tích lũy

Theo Debt.org, trung bình một hộ gia đình Mỹ gánh khoản nợ khoảng 101.915 USD (gần 2,6 tỷ đồng). Người tiêu dùng đã bị quen với việc tích lũy một khoản nợ lớn và sau đó phải còng lưng trả nợ trong thời gian dài.

Nợ vay cá nhân, nợ vay sinh viên và nợ thẻ tín dụng là một số yếu tố có thể góp phần vào tổng nợ của bạn. Nếu bạn để các khoản nợ này tích lũy và chỉ trả mức tối thiểu mỗi tháng, thì càng về sau bạn sẽ phải trả nhiều tiền lãi hơn và trì hoãn khả năng thoát nợ và có tiền tiết kiệm.

Để thoát nợ, trước tiên hãy lập danh sách tất cả các khoản nợ mà bạn đang có, lãi suất hàng năm và thời hạn thanh toán của chúng. Sau đó, bạn có thể lập kế hoạch để thanh toán các khoản nợ đó.

Bạn có thể áp dụng phương pháp "tuyết lở", là ưu tiên trả các khoản nợ có lãi suất cao nhất trước. Hoặc ngược lại, bạn có thể áp dụng phương pháp "quả cầu tuyết", ưu tiên trả trước các khoản nợ có số dư nhỏ nhất.

4. Không lên kế hoạch chi tiêu từ trước

Nếu không có kế hoạch chi tiêu, bạn sẽ không thể theo dõi các khoản chi tiêu, tiến độ tiết kiệm hoặc số tiền bạn có sẵn để chi tiêu. Kế hoạch chi tiêu là hướng dẫn giúp bạn quản lý tiền của mình - nếu không có nó, bạn sẽ dễ dàng rơi vào các thói quen chi tiêu tiêu cực.

Khi lập kế hoạch chi tiêu, hãy tính đến cả nhu cầu, mong muốn và tiền tiết kiệm. Theo quy tắc 50/30/20 (một chiến thuật lập kế hoạch chi tiêu phổ biến), 50% thu nhập của bạn nên dành cho các nhu cầu, 30% cho những thứ mong muốn và 20% cho việc tiết kiệm.

Thậm chí, bạn có thể cân nhắc việc ước tính thu nhập hàng tháng thấp hơn một chút để có thể chi tiêu linh hoạt hơn và không cảm thấy bị hạn chế vào cuối tháng.

5. Chi tiêu trước, gửi tiền tiết kiệm sau

Dù đã có kế hoạch chi tiêu, bạn vẫn có thể không tuân thủ và chi tiêu nhiều hơn số tiền đã lên kế hoạch.

Một thói quen xấu phổ biến là gửi tiền tiết kiệm vào cuối tháng sau khi bạn đã chi tiêu cho những thứ mình muốn và cần.

Điều này có thể dẫn đến việc bạn chỉ tiết kiệm được khoản tiền ít ỏi còn dư lai của thu nhập hàng tháng, và chi tiêu hụt vào khoản tiết kiệm vì nó vẫn dễ dàng lấy ra.

Để bỏ thói quen này, hãy gửi phần tiền tiết kiệm vào tài khoản tiết kiệm ngay khi nhận được lương.

Một số ứng dụng tài chính có thể tự động gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm ngay khi tiền lương được gửi vào tài khoản chính.

6. Không có quỹ khẩn cấp

Theo báo cáo về quỹ khẩn cấp năm 2023 của Bankrate, 57% người trưởng thành ở Mỹ cảm thấy không thoải mái với mức tiết kiệm khẩn cấp của họ.

Nhiều người không hề có quỹ khẩn cấp, hoặc ưu tiên các mục tiêu tiết kiệm khác nên quỹ khẩn cấp của họ chỉ còn lại một khoản nhỏ.

Mặc dù lạm phát cao khiến tiền nong eo hẹp, nhưng bạn vẫn cần dành ra một khoản tiết kiệm khẩn cấp. Số tiền tiết kiệm này sẽ giúp bạn đảm bảo có thể trang trải các chi phí bất ngờ và tránh gia tăng thêm nợ bằng việc dùng thẻ tín dụng hay vay tiền để chi trả cho những chi phí đó.

Để bắt đầu xây dựng quỹ khẩn cấp, hãy xem xét các danh mục trong kế hoạch chi tiêu xem có thể thay đổi các khoản nào để tiết kiệm thêm tiền, đồng thời tiết kiệm cả những khoản thu nhập bất ngờ (chẳng hạn như tiền hoàn thuế).

Nên giữ quỹ khẩn cấp trong tài khoản tiết kiệm trực tuyến, vì các tài khoản này thường có lãi suất cao hơn nhiều so với tài khoản tiết kiệm truyền thống.

7. Lạm dụng các dịch vụ ứng tiền

Mặc dù trong một số trường hợp, việc ứng tiền là cần thiết để trang trải cuộc sống, nhưng nếu bạn lạm dụng chúng thì sẽ dễ dàng rơi vào vòng xoáy nợ nần không lối thoát.

Các hình thức ứng tiền mặt có thể bao gồm vay payday, vay thấu chi hoặc dịch vụ mua trước trả sau. Tất cả các hình thức này đều có một điểm chung: Cho phép bạn chi tiêu số tiền mà bạn hiện tại không có.

Ứng tiền có thể khiến bạn cảm thấy như đang tiêu tiền miễn phí, nhưng thực tế tất cả các khoản vay này đều yêu cầu bạn phải trả lại khoản ứng trước đó.

Bạn có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán, dẫn đến số nợ và căng thẳng tài chính gia tăng. Các dịch vụ cũng thường đi kèm với các khoản phí đắt đỏ.

Thay vì phụ thuộc vào các dịch vụ ứng tiền, hãy cân nhắc những cách khác để trang trải các khoản chi tiêu. Thiết lập quỹ khẩn cấp hoặc tìm việc làm thêm là 2 cách để bạn chủ động đối phó với các khoản chi tiêu mới.

8. Không chú ý đến lãi suất tài khoản tiết kiệm

Có thể bạn không nhận ra lãi suất của các tài khoản tiết kiệm dao động nhiều như thế nào, nhưng khoảng cách giữa lãi suất tiết kiệm thấp nhất và cao nhất đang ngày càng lớn.

Nếu bạn không biết lãi suất tài khoản tiết kiệm của chính mình, bạn có thể không biết các tổ chức tài chính khác đang cung cấp những gì cho tài khoản của họ - và những gì bạn có thể bỏ lỡ.

Nếu bạn có nhiều tài khoản tiết kiệm, việc chú ý đến sự khác biệt về lãi suất của từng tài khoản sẽ giúp bạn xác định nơi gửi tiết kiệm tốt hơn để tối đa hóa lợi nhuận bạn nhận được.

9. Sử dụng ATM ngoài mạng lưới

Một trong những loại phí ngân hàng phổ biến nhất ảnh hưởng đến ví tiền của người tiêu dùng là phí ATM, bao gồm phí ngoài mạng lưới và phụ phí từ ngân hàng.

Nếu bạn không chú ý đến các khoản phí, chúng có thể tích lũy theo thời gian.

Bạn có thể tránh các khoản phí này bằng cách không sử dụng ATM ngoài mạng lưới. Hãy thử kiểm tra trang web của ngân hàng hoặc công cụ định vị ATM trên ứng dụng ngân hàng di động của bạn để xem các máy ATM trong mạng lưới gần nhất ở đâu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả