9 thói quen của người EQ cao
Khi khái niệm về trí thông minh cảm xúc (EQ) lần đầu tiên được đưa ra, nó được xem là mắt xích còn thiếu trong một phát hiện đặc biệt: những người có chỉ số IQ trung bình lại thực hiện tốt hơn gấp 70% so với những người có chỉ số IQ cao nhất.
Bất thường này đã giáng một đòn mạnh vào cái mà nhiều người luôn coi là nguồn gốc duy nhất của thành công - IQ. Giờ đây nhiều thập kỷ nghiên cứu đã chỉ ra rằng trí tuệ cảm xúc là yếu tố quan trọng tạo nên một người thành công, ngoài những yếu tố khác.
EQ ảnh hưởng đến mức nào đến thành công nghề nghiệp của bạn? Câu trả lời ngắn gọn là: rất nhiều! Đó là con đường mạnh mẽ để tập trung sức lực vào một hướng với kết quả to lớn. Trong số những người tham gia nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ra rằng 90% những người thành công có trí tuệ cảm xúc cao. Bạn có thể trở thành một người thành công mà không có trí tuệ cảm xúc, nhưng cơ hội rất mong manh.
Mặc dù tầm quan trọng của trí tuệ cảm xúc, tính chất vô hình của nó khiến rất khó để biết bạn nên bắt chước hành vi nào. Các chuyên gia đã xác định những thói quen nổi bật ở những người có EQ cao:
1. Không ngừng tích cực
Cứ để ý đến các tin tức thời sự trong một thời gian, bạn sẽ thấy rằng nó chỉ là một chu kỳ vô tận của chiến tranh, tấn công bạo lực, kinh tế yếu kém, công ty sa sút, và thảm họa môi trường. Thật dễ dàng để nghĩ rằng thế giới đang lao dốc không phanh. Và ai mà biết được? Có lẽ nó đúng là như vậy.
Nhưng những người có trí thông minh cảm xúc không lo lắng về điều đó vì họ không để bị cuốn vào những thứ mà họ không thể kiểm soát. Họ tập trung năng lượng vào hai điều hoàn toàn nằm trong khả năng của họ, đó là sự chú ý và nỗ lực của bản thân.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người lạc quan khỏe mạnh hơn về thể chất và tâm lý so với những người bi quan. Họ cũng thực hiện tốt hơn trong công việc. Hãy tự nhắc nhở mình về điều này mỗi khi những ý nghĩ tiêu cực xâm chiếm bạn.
2. Có vốn từ vựng cảm xúc phong phú
Ai cũng có những trải nghiệm cảm xúc, nhưng chỉ một số ít người có thể gọi tên chúng chính xác như chúng xảy ra. Nghiên cứu cho thấy chỉ có 36% số người có thể làm được điều này, đó là một vấn đề bởi vì không gọi đúng tên cảm xúc thường dẫn đến hiểu sai, kéo theo những lựa chọn không hợp lý và hành động phản tác dụng.
Những người có EQ cao làm chủ được cảm xúc vì họ hiểu chính mình, và họ sử dụng vốn từ vựng phong phú về cảm xúc để làm như vậy. Trong khi nhiều người chỉ có thể mô tả mình đơn giản là cảm thấy "tồi tệ", những người thông minh cảm xúc có thể xác định là họ đang cảm thấy "bứt rứt", "thất vọng", "bị chà đạp", hay "lo lắng". Lựa chọn từ ngữ càng cụ thể, thì bạn càng thấy rõ mình đang cảm thấy gì, điều gì gây ra nó, và bạn nên làm gì đối với nó.
3. Quyết đoán
Những người có EQ cao thường cân đối giữa việc cư xử tốt, thông cảm, và sự tử tế với sự quyết đoán và thiết lập ranh giới. Sự kết hợp khéo léo này rất lý tưởng để xử lý mâu thuẫn. Hầu hết mọi người khi tức giận, họ thường có hành vi thụ động hoặc hung hăng. Những người thông minh cảm xúc vẫn cân bằng và quyết đoán bằng cách lái mình ra khỏi những phản ứng cảm xúc tùy tiện. Điều này cho phép họ trung hòa những người khó tính và độc hại mà không tạo ra kẻ thù.
4. Tò mò về người khác
Dù là hướng nội hay hướng ngoại, những người thông minh cảm xúc luôn tò mò về tất cả mọi người xung quanh. Tính tò mò này là sản phẩm của sự cảm thông, một trong những cửa ngõ quan trọng nhất của EQ cao. Bạn càng quan tâm đến người khác và những gì họ đang trải qua, thì bạn sẽ càng tò mò về họ.
5. Tha thứ, nhưng không quên
Những người thông minh cảm xúc sống theo phương châm "Lừa dối tôi một lần, thật xấu hổ cho bạn; lừa dối tôi hai lần, thật xấu hổ cho tôi". Họ tha thứ để ngăn sự ác cảm, nhưng họ không bao giờ quên.
Những cảm xúc tiêu cực đi kèm ác cảm thực sự là một phản ứng stress, và stress có thể gây những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng, và những người thông minh cảm xúc biết nên tránh điều này bằng mọi giá. Tuy nhiên, tha thứ không có nghĩa là họ sẽ cho người phạm sai lầm một cơ hội khác.
Những người thông minh cảm xúc sẽ không bị sa lầy bởi sự ngược đãi từ những người khác, nên họ nhanh chóng để mọi thứ trôi qua và quyết đoán trong việc bảo vệ bản thân khỏi những mối nguy hại trong tương lai.
6. Không để cho bất cứ ai hạn chế niềm vui của mình
Khi cảm giác vui sướng và hài lòng của bạn bắt nguồn từ việc so sánh bản thân với người khác, bạn không còn làm chủ hạnh phúc của mình. Khi người thông minh cảm xúc cảm thấy hài lòng về điều gì đó mà họ đã làm, họ sẽ không để ý kiến hoặc thành tích của bất cứ ai lấy mất của họ cảm giác đó.
Tuy không thể dập tắt phản ứng của bạn với những gì mà người khác nghĩ về bạn, song bạn không cần phải so sánh mình với những người khác, và bạn luôn có thể tiếp nhận ý kiến của người khác với một chút hoài nghi. Bằng cách đó, cho dù người khác nghĩ gì hoặc làm gì, thì giá trị của bạn cũng đến từ bên trong. Dù mọi người nghĩ thế nào về bạn vào một lúc nào đó, thì một điều chắc chắn là bạn không tốt hay xấu như họ nói.
7. Làm mọi chuyện trở nên vui vẻ
Người thông minh cảm xúc biết chính xác điều gì làm cho họ hạnh phúc, và họ liên tục làm việc để mang hạnh phúc này vào tất cả mọi thứ họ làm. Họ biến công việc đơn điệu thành trò chơi, đi thêm hàng dặm đường để làm cho những người mà họ quan tâm được hạnh phúc, và nghỉ ngơi để tận hưởng những điều yêu thích bất kể đang bận rộn thế nào. Họ biết rằng đưa niềm vui vào cuộc sống sẽ đẩy lùi stress và tạo nên sức bật lâu dài.
8. Khó bị xúc phạm
Nếu biết rõ mình là ai, người khác sẽ rất khó chọc tức bạn. Người có trí tuệ cảm xúc thường tự tin và cởi mở, tạo ra một lớp vỏ bảo vệ khá vững chắc.
9. Dẹp những ý nghĩ tiêu cực
Một bước tiến lớn trong việc phát triển trí tuệ cảm xúc liên quan đến ngăn chặn những ý nghĩ tiêu cực tuôn ra không ngừng. Càng nghiền ngẫm những ý nghĩ tiêu cực, thì bạn càng trao cho chúng nhiều quyền lực. Hầu hết những ý nghĩ tiêu cực của chúng ta chỉ là ý nghĩ, không phải sự thật. Bạn có thể ngăn những ý nghĩ tiêu cực và bi quan bằng cách viết chúng ra. Một khi bạn đã dành ra một chút thời gian để làm chậm đà tiêu cực của suy nghĩ, bạn sẽ hợp lý hơn và sáng suốt hơn trong việc đánh giá tính xác thực của chúng.
Có thể đoan chắc rằng ý nghĩ của bạn là không đúng bất cứ lúc nào bạn sử dụng những từ như "không bao giờ", "tồi tệ nhất", và "chưa từng có". Nếu ý nghĩ của bạn vẫn có vẻ giống như thật khi đã viết ra giấy, hãy gửi chúng cho một người bạn và xem anh ấy hoặc cô ấy có đồng ý với bạn không. Sau đó, sự thật chắc chắn sẽ hiện ra.
Tóm lại, không giống như IQ, EQ rất dễ uốn nắn. Khi bạn luyện tập cho não bằng cách liên tục thực hành những hành vi thông minh cảm xúc mới, bộ não sẽ xây dựng những con đường cần thiết để biến chúng thành thói quen. Chẳng bao lâu, bạn sẽ bắt đầu phản ứng với môi trường xung quanh với trí tuệ cảm xúc mà thậm chí không cần phải suy nghĩ về nó. Và vì bộ não sẽ củng cố việc sử dụng các hành vi mới, những kết nối hỗ trợ hành vi phá hoại cũ sẽ mất đi.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận