9.000 tỉ USD xanh hóa nền kinh tế
Các gói kích cầu hàng ngàn tỉ USD sẽ định hình nên một tương lai carbon thấp hậu COVID-19?
COVID-19 đang gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế mà sẽ để lại nhiều vết sẹo khó lành trong nhiều năm tiếp theo. Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) tháng 6.2020 đã dự báo tốc độ tăng trưởng -4,9% trong năm nay, so với mức tăng trưởng -3% được dự báo hồi tháng 4. World Bank dự báo tăng trưởng -5,2%, trong khi OECD còn bi quan hơn: tăng trưởng -7,5%.
Trước hệ lụy của dịch COVID-19, chính phủ trên khắp thế giới đã tung ra những gói kích cầu lên tới 9.000 tỉ USD. Hầu hết các gói này đều tập trung vào giải quyết vấn đề trước mắt, nhưng số tiền khủng chưa từng có tiền lệ đang và sẽ được bơm vào nền kinh tế được đánh giá là bước ngoặt quan trọng đối với những nỗ lực xanh của hành tinh.
Laurence Tubiana, CEO Europe Climate Foundation, mô tả việc triển khai các gói phục hồi kinh tế này là “một thời điểm mấu chốt mang tính quyết định về những rủi ro khí hậu”. “Nếu chúng ta không đưa ra các lựa chọn đúng đắn (khi sử dụng gói kích cầu) và đặt trọng tâm vào đảm bảo việc làm và sức khỏe của người dân, thì chúng ta cần chuẩn bị đón nhận nhiều thảm họa hơn trong tương lai”, bà nói.
Gần đây, các nhà lãnh đạo tại Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đều khuyến cáo các đại dịch như COVID-19 là kết quả của quá trình hủy hoại thiên nhiên do con người gây nên và thế giới đã phớt lờ sự thật này trong hàng thập niên. Họ cũng khẳng định con người phải hàn gắn mối quan hệ đã đổ vỡ với thiên niên bằng các nỗ lực xanh nhằm tránh cho thế giới rơi vào thảm họa hủy diệt trong tương lai.
Vì lý do này, châu Âu đã dành ra 25% trong 750 tỉ euro gói phục hồi kinh tế cho những nỗ lực môi trường, trong đó đẩy mạnh dịch chuyển khỏi nhiên liệu hóa thạch, đầu tư vào xe điện và nâng cấp các tòa nhà cũ để tiết kiệm năng lượng hơn... Một cuộc khảo sát trên 200 chuyên gia kinh tế cấp cao, quan chức môi trường của thế giới cũng chỉ ra sự phục hồi xanh, với trọng tâm là các chính sách thân thiện môi trường, không chỉ đưa thế giới đến gần với mục tiêu thải khí net zero mà còn mang lại lợi ích kinh tế tốt nhất.
“Đây cũng là một cơ hội lớn cho quá trình phục hồi xanh ở châu Á khi nhiều nước trong khu vực không bị nặng gánh bởi sức ì của ngành công nghiệp và cơ sở hạ tầng hiện hữu. Họ có thể thay đổi bất cứ lúc nào và chọn tập trung vào chuyển đổi xanh”, Ian Woods, chuyên gia đầu tư bền vững và biến đổi khí hậu tại Chronos Sustainability, nhận xét.
Liệu các nền kinh tế tại châu Á có thể dẫn dắt cuộc chuyển đổi xanh này? Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực, vừa công bố chương trình xanh Green New Deal đầy tham vọng, một phần trong kế hoạch chi tiêu 110 tỉ USD nhằm đưa nước này ra khỏi suy thoái. Green New Deal bao gồm các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo, giảm dần trợ cấp cho than đá và ra mắt thuế carbon. Quốc gia thải khí carbon lớn thứ 7 thế giới cũng đặt mục tiêu đạt mức thải khí net zero vào năm 2050, trong đó tăng tỉ trọng năng lượng tái tạo từ 4% lên 20% vào cuối thập niên này.
Nhưng giới phê bình cho rằng Green New Deal chưa đề ra lộ trình rõ ràng giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu và với quy mô khiêm tốn chỉ 12.900 tỉ won trong 2 năm tới, chương trình sẽ không thể dẫn dắt một cuộc chuyển đổi xanh mạnh mẽ về kinh tế xã hội. Theo Greenpeace Korea, triển khai Green New Deal cũng rất thách thức vì đòi hỏi sự thay đổi rất lớn trong các ngành công nghiệp, năng lượng, vận tải và xây dựng.
Nó cũng chưa đề cập đến việc giảm dần và đi đến từ bỏ hoàn toàn xe động cơ đốt trong. “Hàn Quốc có 23 triệu chiếc xe và tỉ lệ xe điện là 2%. Không có một công ty lớn nào tham gia vào cam kết RE100 (nhóm hơn 200 công ty cam kết dùng năng lượng tái tạo trong toàn bộ hoạt động). Tỉ trọng năng lượng tái tạo trong sản xuất điện của Hàn Quốc chỉ 4% và mục tiêu hiện tại cho năng lượng tái tạo là không đủ. Đây là những vấn đề lớn”, Daul Jang, chuyên gia thuộc Greenpeace Korea, nhận xét.
Trung Quốc, quốc gia thải khí carbon lớn nhất thế giới, cũng công bố gói kích cầu 4.000 tỉ nhân dân tệ (559 tỉ USD) với 1.400 tỉ USD dành vào việc xây dựng hạ tầng mới, trong đó phát triển các phương tiện vận chuyển thải khí carbon thấp, gia tăng đầu tư vào xe xanh, hạ tầng mới hỗ trợ số hóa, trạm sạc xe điện...
Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuyển sang các dự án thải nhiều carbon và ngành công nghiệp nặng để vực dậy nền kinh tế dự kiến tăng trưởng -1,2% trong cả năm 2020 (dự báo của Jian Chang, chuyên gia kinh tế tại Barclays Asia Pacific). Trong 5 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã phê chuẩn các dự án nhà máy điện chạy than mới có tổng công suất 7,9 GW, cao hơn mức 6,3 GW đã được phê duyệt vào năm ngoái.
Indonesia gần đây cũng công bố một dự án điện mặt trời 1 tỉ USD để thúc đẩy nền kinh tế xanh nhưng Tara Mustaya, điều phối viên chiến dịch năng lượng và khí hậu khu vực của Greenpeace Indonesia, lo ngại về tính khả thi do dính mắc một số vấn đề kỹ thuật.
Hơn nữa, chính phủ nước này vẫn mở rộng các nhà máy điện chạy than và thông qua Luật Khai khoáng và Than đá vào đầu tháng 6 mặc cho sự phản đối mạnh mẽ về tác động môi trường và xã hội. “Than đá và năng lượng tái tạo không thể đi chung với nhau mà chúng ta chỉ có thể chọn một mà thôi. Nếu tiếp tục mở rộng than đá thì sẽ bị vượt công suất và năng lượng tái tạo sẽ không còn có tính cạnh tranh nữa”, Mustaya nói.
Dự thảo luật mới đây của Indonesia bổ sung, sửa đổi ít nhất 79 đạo luật hiện hành, trong đó đề xuất mức xử phạt nhẹ hơn đối với vi phạm môi trường, nới lỏng yêu cầu về đánh giá tác động môi trường cũng như điều tiết ngành khai khoáng. Đạo luật này được đánh giá là ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế hơn là coi trọng tác động đến môi trường.
Nhật cũng ra mắt gói kích cầu 2.100 tỉ USD, tương đương 40% GDP, nhưng lại đưa ra các biện pháp xanh rất khiêm tốn với khoản trợ cấp 74 triệu USD lắp đặt hệ thống thông gió tiết kiệm năng lượng tại các khu vực công cộng và xây dựng nhà máy chạy bằng năng lượng tái tạo cho những công ty mang cơ sở sản xuất từ nước ngoài về Nhật...
Các quốc gia khác cũng tăng tốc chuyển đổi xanh như Malaysia dành 2,9 tỉ USD lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời và hệ thống đèn đường LED... Tương tự, gói giải cứu thời dịch của Myanmar cũng bao gồm các dự án phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, những nỗ lực này còn quá yếu ớt để có thể tạo nền móng vững chắc cho cuộc chuyển đổi xanh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận