24HMONEY đã kiểm duyệt
13/03/2020
8 vấn đề căn bản của nền kinh tế trước đại dịch
Tại sao, Chuyển đổi số không phải là “phương thuốc” cho vấn nạn của tình thế kinh tế hiện nay. Tôi thấy rất nhiều người đề cao việc đó, nhưng có lẽ họ không hiểu rõ về Chuyển đổi số và cũng không hiểu rõ thực trạng của nền kinh tế hiện nay để có thể hiểu Chuyển đổi số có tác động gì và không có tác động gì đối với tình thế hiện tại.
1. Do tình hình đại dịch trên toàn cầu đang biến động rất mạnh và chưa có một lời giải thực sự cho việc “Bao giờ tình hình này có thể chấm dứt” - Vấn đề số 1 của nền kinh tế đó là chúng ta không thể thực sự có một dự báo cho tương lai gần để biết phải làm gì và hoạch định ra sao.
2. Tình hình đại dịch và cách xử trí của các Chính quyền các nơi trên thế giới khác nhau trong việc chống dịch - Vấn đề số 2 của nền kinh tế là chúng ta chưa thực sự biết rằng sẽ phải có giải pháp gì cụ thể cho các khó khăn của nền kinh tế hiện nay.
3. Cơ chế quản trị khủng hoảng xã hội trên diện rộng là một thách thức lớn, một vấn đề mới và hoàn toàn chưa có “một khuôn mẫu lý thuyết” nào cho chúng ta “cứ thế mà áp dụng”, do vậy, vừa phải chống dịch vừa dò tìm cách - Vấn đề số 3 của nền kinh tế hiện nay là chúng ta hoàn toàn chưa biết phải vận hành nền kinh tế trong tình trạng khủng hoảng toàn diện như thế nào, dẫn đến những sự bấp bênh và tình thế lưỡng nan trong việc ra quyết định.
4. Dịch bệnh cùng với sự kích động nỗi hoảng sợ từ truyền thông đã làm gián đoạn các hoạt động kinh tế thường ngày, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu, sụt giảm giao thương - Vấn đề số 4 của nền kinh tế hiện nay là sự thiếu hụt dòng tiền trong toàn bộ hoạt động kinh tế, dẫn đến nguy cơ phá sản các doanh nghiệp và sụt giảm khả năng chi trả các chi phí duy trì hoạt động thường ngày, lương bổng...
5. Dịch bệnh làm gián đoạn toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu, làm cho việc sản xuất bị ngưng trên cho thiếu hụt nguyên, nhiên, vật liệu, thiếu sự phối hợp đồng bộ trong các tiến trình sản xuất - Vấn đề số 5 của nền kinh tế hiện nay là sự suy giảm năng lực sản xuất khiến cho nhiều sản phẩm, hàng hóa sẽ bị thiếu hụt, tăng giá hoặc đình trệ, dẫn đến thiếu nguồn thu, gia tăng chi phí, làm tăng gánh nặng cho các chi phí tài chính cho doanh nghiệp.
6. Dịch bệnh dẫn đến việc cách ly, ngăn chặn các dòng di chuyển nhân lực giữa các quốc gia, giữa các vùng và khu vực trong quốc gia - Vấn đề số 6 của nền kinh tế hiện nay là nhiều dây chuyền sản xuất, nhiều hoạt động sản xuất đang thiếu nhân sự chủ chốt để đảm bảo cho việc vận hành các hoạt động sản xuất.
7. Dịch bệnh khẩn cấp cùng với sự lên cao của các phong trào dân túy đã khiến cho việc điều hành của chính phủ thực sự khó khăn trong việc ra quyết định giữa các lựa chọn - Vấn đề số 7 của nền kinh tế hiện nay là thực sự chưa biết Chính phủ đặt vấn đề kinh tế ở đâu và như thế nào trong việc xử lý khủng hoảng xã hội toàn diện này.
8. Dịch bệnh đã huy động tổng lực các hoạt động của nền kinh tế - chính trị - xã hội vào việc chống dịch bệnh, do vậy rất nhiều ưu tiên, lựa chọn và vấn đề khác cho việc đảm bảo hoạt động kinh tế bị đặt nhẹ, đặt sang bên hoặc phải ưu tiên cho phòng chống dịch về y tế - Vấn đề số 8 của nền kinh tế hiện nay là việc thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong Chính phủ để giải quyết các vấn đề kinh tế một cách đồng bộ với các vấn đề chống dịch về y tế.
Chuyển đổi số ở đây, dùng là chưa đúng, mà chỉ nên nói là việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số vào các hoạt động hỗ trợ, chuyển đổi, có một ý nghĩa tích cực cho tình thế hiện tại, như các hệ thống online cho học tập, kết nối làm việc từ xa, các ứng dụng AI cho các phân tích y khoa... chứ nó không có ý nghĩa cốt yếu trong việc giải quyết tình thế hiện tại.
Với tình thế hiện tại: Con người chủ chốt – Dòng tiền – Sự luân chuyển hàng hóa – sản xuất – hàng tiêu dùng mới là trọng tâm cần xử lý.
Bình luận