24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Hà My
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

8 mã có sức bật tốt trong tháng 8

Bước sang tháng 8, Agriseco đánh giá thị trường vẫn đang nhiều triển vọng đầu tư và đã lựa chọn danh mục 8 cổ phiếu tiềm năng để đầu tư

Theo số liệu của Fiintrade, lợi nhuận Quý 2 của các doanh nghiệp tăng gần 30% so với cùng kỳ (với các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính). Tăng trưởng GDP Quý 3 được dự kiến sẽ ở mức cao trên 7% khi so sánh với nền thấp do ảnh hưởng của Covid năm 2021.

Sau khi đánh giá chọn lọc, Agriseco kính gửi Quý khách hàng danh mục đầu tư tiềm năng trong tháng 8 năm 2022. Những doanh nghiệp được ưu tiên lựa chọn có kỳ vọng kết quả kinh doanh nửa cuối năm 2022 tăng trưởng tốt, định giá hấp dẫn, hoặc thuộc những ngành hưởng lợi từ các chính sách của Nhà Nước như mở cửa nền kinh tế

1. BID - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam

KQKD Q2/2022 của BID tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt 6.570 tỷ đồng (+41%yoy) nhờ chi phí dự phòng được giảm thiểu đáng kể (- 25%yoy). Lũy kế 6T đầu năm, LNTT của ngân hàng đạt 11.084 tỷ đồng (+37,5%yoy) và đạt 54% kế hoạch cả năm.

Kế hoạch tăng vốn: BID dự kiến phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 12% trong thời gian tới cùng việc sẽ chào bán thêm cổ phần (bằng hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ) 455,27 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 9% (dự kiến trong 2 năm 2022-2023) sẽ giúp ngân hàng bổ sung nguồn lực về vốn và cải thiện hệ số CAR.

Chất lượng tài sản được cải thiện tích cực. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ trong Q2/2022 lên 1,04% từ mức 1,02% Q1 nhưng vẫn ở mức thấp trong ngành. Cùng với đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu được nâng lên mức cao 279% từ mức 259% trong quý 1 sẽ tạo bộ đệm vững chắc về tài sản.

Agriseco kỳ vọng BID sẽ được NHNN nới room tín dụng trong khoảng thời gian tới khi ngân hàng đã sử dụng gần hết hạn mức được cấp trong nửa đầu năm.

2. NLG - CTCP Đầu tư Nam Long

KQKD Quý II khả quan: Q2 vừa qua NLG ghi nhận LNST toàn doanh nghiệp đạt 192 tỷ, gấp 3 lần cùng kỳ nhờ bàn giao 2 dự án Akari Bình Chánh và Southgate. Tiến độ bán hàng các dự án đang tích cực và dồn tích 3.500 tỷ đồng "của để dành" sẽ được kết chuyển thành doanh thu cho NLG trong các quý tiếp theo. Ngoài ra việc thoái vốn tại Paragon Đại Phước sẽ đem lại hơn 300 tỷ đồng lợi nhuận đột biến, dự kiến ghi nhận vào nửa sau năm 2022. AGR Research dự báo KQKD của NLG vẫn sẽ duy trì đà tăng trưởng trong 2 quý cuối năm.

Tài chính vững mạnh: Tại BCTC Quý II, số dư tiền mặt của NLG đã tăng lên gần 4.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng vừa huy động thành công khoản 1.000 tỷ đồng trái phiếu với IFC (thành viên World Bank), cho thấy vị thế, tiềm năng của doanh nghiệp trong mắt đối tác quốc tế và khả năng huy động vốn linh hoạt trong bối cảnh thị trường vốn nội khó khăn.

3. FPT - CTCP FPT

KQKD Quý II và 6T/2022 lợi nhuận duy trì đà tăng trên 20%: Quý II, doanh thu và LNTT lần lượt đạt 10.096 tỷ đồng (+17% yoy) và 1.858 tỷ đồng (+21% yoy). Lũy kế 6T/2022, doanh thu và LNTT tiếp tục tăng trưởng trên 20% cùng kỳ:

Mảng công nghệ: Doanh thu và LNTT nửa đầu năm đều tăng 24% yoy đóng góp lớn từ mảng CNTT nước ngoài khi duy trì đà tăng 29% yoy. Thị trường quốc tế tiếp tục tăng trưởng bền vững với doanh thu ký mới tăng hơn 40% yoy nhờ sự hồi phục từ Mỹ (48%), APAC (56%) và Nhật Bản (8%). Mảng chuyển đổi số tăng tốc với đà tăng 65% yoy khi tập trung đẩy mạnh công nghệ mới Cloud, AI, Blockchain.

Mảng viễn thông: Doanh thu duy trì tăng 16% yoy nhờ số lượng người đăng ký thuê bao internet băng thông rộng tiếp tục tăng hơn 15% và FPT vẫn duy trì được thị phần trong top 3 của mảng này. LNTT tăng trưởng cao 21% nhờ mảng Pay TV và quảng cáo số tăng trưởng tốt về lợi nhuận.

Mảng giáo dục: Doanh thu tăng mạnh khi đạt 1.935 tỷ đồng (+42% yoy) nhờ tăng số lượng học sinh đăng ký tại 10 tỉnh thành và hợp tác quốc tế với 40 quốc gia. Trong tương lai, FPT sẽ xây dựng chuỗi giáo dục quy mô lớn theo cả chiều dọc (mở thêm các sản phẩm đào tạo mới) và chiều ngang (mở rộng thêm tổ hợp trường). Mới đây, FPT đang triển khai xây trường ở Hà Nam dự báo sẽ thu hút thêm được nhiều người học và doanh thu mảng này tiếp tục tăng bình quân khoảng 25 -30%/năm

Lợi nhuận công ty tiếp tục tăng trưởng bền vững sẽ tạo đông lực tăng 30% LN cho cả năm 2022. Với KQKD luôn tăng trưởng trên 20%/năm và tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt đều đặn 20% hàng năm, Agriseco Research đánh giá FPT sẽ vẫn là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong trung và dài hạn, phù hợp với xu hướng phát triển số hóa, công nghệ thông tin 4.0 các năm tới.

4. HPG - CTCP Tập đoàn Hòa Phát

Cập nhật KQKD 6T2022: Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của HPG đạt lần lượt 82 nghìn tỷ đồng và 12.2 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 46% kế hoạch lợi nhuận. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và HRC đạt lần lượt 2,38 triệu tấn (+29% svck) và 1,4 triệu tấn (+7% svck). Sản lượng tiêu thụ ống thép, tôn mạ đạt lần lượt 377.000 tấn và 180.000 tấn, tương đương cùng kì 2021.

Agriseco cho rằng thông tin tiêu cực về KQKD trong quý 2 của doanh nghiệp đã phản ánh vào giá cổ phiếu. Kì vọng Quý 3 sẽ phục hồi khi:

- Kì vọng đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trong nửa cuối năm, đặc biệt là các đoạn cao tốc khu vực phía Nam sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện sản lượng bán hàng trong nước nửa cuối năm 2022. Thị phần thép xây dựng – một sản phẩm chính của HPG đứng đầu trong các nhà sản xuất, thường xuyên dao động trong khoảng 30-35% và lên tới gần 50% riêng tại khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, HPG cũng đang tích cực triển khai việc bán hàng ở kênh xuất khẩu, thị phần thép xây dựng xuất khẩu của HPG là khoản 50%.

- Giá thép thanh và HRC có dầu hiệu phục hồi (5%) từ cuối tháng 7 trước những tin tức chính phủ Trung Quốc đang đưa ra những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà. Theo đó, kì vọng rằng giá thép và sản lượng tiêu thụ thép sẽ dần phục hồi khi thị trường BĐS tại Trung Quốc ấm lên.

Việc giá cổ phiếu đã giảm tới 50% kể từ vùng đỉnh thiết lập trong nửa cuối năm 2021 khiến HPG đang giao dịch với mức giá 22.000 đ/cp, tương đương P/B 1.3x, là mức P/B thấp nhất được ghi nhận kể từ khi đưa dự án Dung Quất 1 vào vận hành chính thức từ năm 2020.

5. HVN - Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – CTCP

Chúng tôi kỳ vọng KQKD từ Quý 3 sẽ khởi sắc hơn nhờ:

(1) Sản lượng khách nội địa tăng mạnh trong mùa cao điểm du lịch sẽ hỗ trợ lợi nhuận phục hồi. Tính trong nửa đầu năm 2022, HVN đã vận chuyển khoảng 9,5 triệu lượt khách, hầu hết là khách nội địa. Mức sản lượng này cao hơn gần 25% so với kế hoạch đề ra. Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo, HVN đã bắt đầu ghi nhận lãi từ vận tải hành khách nhờ sản lượng khách nội địa tăng cao, đồng thời ban lãnh đạo cũng kỳ vọng sản lượng tháng 8 sẽ tiếp tục khả quan;

(2) Tăng tần suất bay cho các đường bay quốc tế giữa Việt Nam đi tới Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... sẽ giúp thúc đẩy doanh thu của HVN từ quý này. Thực tế trước dịch Covid19, doanh thu từ vận tải hành khách quốc tế đóng góp khoảng 65% doanh thu của HVN. Theo Cục Hàng không Việt Nam, hoạt động tại các tuyến bay quốc tế mới chỉ khôi phục về mức 40% so với trước dịch - do đó dư địa hồi phục doanh thu của HVN còn tương đối lớn; (3) Giá xăng dầu đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo S&P Global, giá xăng Jet A1 đang giảm từ mức đỉnh 175 USD/thùng (trong quý 2/2022) về mức 138 USD/thùng vào cuối tháng 7 vừa qua. Nhiên liệu chiếm từ 30%-40% chi phí mỗi chuyến bay, do đó việc giá nhiên liệu bắt đầu điều chỉnh giảm sẽ hỗ trợ đáng kể vào lợi nhuận của HVN trong các quý tới.

HVN đang đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu tại các công ty con không hiệu quả. Theo kế hoạch năm nay, BLĐ dự kiến sẽ triển khai cơ cấu tài sản và chuyển nhượng vốn tại các công ty đang hoạt động không hiệu quả. Trong đó, HVN dự kiến sẽ hoàn tất quá trình thoái vốn tại Pacific Airlines trong thời gian ngắn do công ty này đang ghi nhận lỗ hơn 2.300 tỷ đồng vào cuối năm 2021.

Agriseco kỳ vọng việc thoái bớt vốn tại các công ty không hiệu quả có thể giúp HVN lấy lại được LNST dương vào cuối năm nay và giúp HVN giảm bớt gánh nặng về chi phí tài chính.

6. PC1 - CTCP Tập đoàn PC1

Mảng vận hành năng lượng dự kiến tiếp tục ghi nhận các kết quả tích cực trong Quý 2 và Quý 3. Theo đánh giá của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, diễn biến thủy văn tại miền Bắc Quý 2 vừa qua tương đối thuận lợi khi không khí lạnh hoạt động tần suất nhiều hơn, dẫn tới nền nhiệt thấp và lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm. Vì vậy, Agriseco Research kỳ vọng KQKD các nhà máy thủy điện của PC1 có thể sẽ tiếp tục khả quan trong Quý 2 và cả Quý 3 khi dự báo lượng mưa tại miền Bắc duy trì cao hơn bình quân các năm gần đây. Đối với lĩnh vực điện gió, BLĐ cho biết các nhà máy điện gió đang hoạt động vượt công suất 5-10% - đây là tín hiệu tích cực khi cả 3 nhà máy của PC1 mới vận hành từ cuối tháng 10/2021.

Bước tiến vào lĩnh vực khu công nghiệp sẽ giúp PC1 tận dụng thế mạnh sẵn có. Vừa qua, PC1 đã bắt đầu tham gia vào lĩnh vực khu công nghiệp bằng việc (1) Mua lại 30% cổ phần tại Western Pacific (Chủ đầu tư dự án Trung tâm Logistics thông minh tại KCN Yên Phong II-A) và (2) Mua lại 100% cổ phần của Nomura Asia Investment (Việt Nam) Pte. Ltd. (NAIV, Sở hữu 70% cổ phần tại KCN Nomura Hải Phòng).

Mỏ khoáng sản Tấn Phát dự kiến sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận khả quan kể từ năm 2023. Mỏ Tấn Phát nằm giữa khu vực xã Quang Trung và xã Hà Trì (tỉnh Cao Bằng), có tổng trữ lượng trên 14 triệu tấn nguyên khai (trữ lượng Niken khoảng 81 nghìn tấn). PC1 hiện đã xây xong nhà máy chế biến quặng Niken với hàm lượng tinh quặng Niken từ 7,5% - 10%, công suất khai thác quặng nguyên khai giai đoạn 1 là 600.000 tấn/năm và tổng vốn đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng. Hiện tại, với mức giá bán niken trên sàn giao dịch hàng hóa London (LME) là khoảng 20.000 - 21.000 USD/tấn, BLĐ kỳ vọng biên lợi nhuận ròng từ dự án thu về khoảng 30%/năm.

7. NTP - CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong

CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các loại ống nhựa (PVC, HDPE và PPR) dùng trong xây dựng. NTP có vị thế là doanh nghiệp thị phần ống nhựa dẫn đầu tại miền Bắc với 57% thị phần trong khu vực và khoảng 26% thị phần cả nước.

Cập nhật KQKD Quý 2/2022: NTP công bố KQKD Quý 2 với doanh thu đạt 1.769 tỷ đồng (+33,6% yoy) và LNST đạt 177 tỷ đồng (+26,5% yoy). Qua đó, lũy kế 6T 2022 doanh thu đạt 2.892 tỷ đồng (+20,8% yoy), LNST đạt 326,9 tỷ đồng (+20,9% yoy). Tăng trưởng tích cực của NTP trong Quý 2 và 6 tháng đầu năm nhờ vào việc giá hạt nhựa có diễn biến thuận lợi, ổn định từ đầu năm và bắt đầu giảm mạnh kể từ đầu tháng 6.

Giá nguyên liệu hạt nhựa PVC suy giảm giúp cải thiện biên lợi nhuận: Từ đầu năm 2022 tới nay giá hạt nhựa PVC đã trở nên ổn định hơn và thậm chí còn suy giảm trong thời gian gần đây xuống còn khoảng 960 USD/tấn, giảm từ mức trung bình 1.400 USD/tấn trong những tháng đầu năm và giảm từ mức đỉnh 1.850 USD/tấn vào tháng 10 năm ngoái. Đây là tín hiệu tích cực cho ngành nhựa nói chung và cho NTP nói riêng khi chi phí hạt nhựa chiếm khoảng 70% chi phí sản xuất. Giá hạt nhựa giảm sẽ giúp cải thiện biên LN gộp lên đáng kể. Cụ thể, biên LN gộp của NTP đã giảm xuống còn 22,8% trong năm 2021 so với mức 29,9% của năm 2020. Trong quý 2 năm 2022, biên LN gộp đã cải thiện lên lại mức 28,5% và tiếp tục được kỳ vọng cải thiện trong các quý sau đó

8. VEA - Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP

Nhu cầu phục hồi: KQKD của VEA được đóng góp phần lớn bởi hoạt động kinh doanh xe máy và ô tô tại Việt Nam, bao gồm Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam. Mảng xe máy được kỳ vọng phục hồi mạnh trong quý 3 trên mức nền thấp cùng kỳ. Mảng ô tô còn nhiều triển vọng khi thu nhập của người dân Việt Nam đang tăng nhanh và tỷ lệ sở hữu ô tô còn rất thấp so với khu vực và thế giới.

Tình trạng thiếu linh kiện được cải thiện từ Quý 3 khi Trung Quốc dừng các lệnh phong tỏa: Đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất xe máy và ô tô, điều này dẫn đến thời gian chờ hàng lâu hơn. Tình trạng này sẽ được cải thiện trong Quý 3 và giúp cho VEA tăng được doanh số bán hàng ở các mẫu xe chủ lực. Đặc biệt với một mức nền thấp của Quý 3/2021 khi bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid tại Việt Nam, LNST của VEA đã sụt giảm hơn 50%, VEA kỳ vọng sẽ có tăng trưởng đột biến trong Quý 3 năm nay.

Cơ cấu tài chính lành mạnh, tỷ suất cổ tức cao: VEA sở hữu lượng tiền mặt dồi dào với hơn 14.500 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, chiếm tỷ trọng hơn 50% tổng tài sản của doanh nghiệp, trong khi đó, tỷ lệ vay nợ của VEA rất thấp. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất có thể tăng lên trong thời gian tới, VEA với lượng tiền mặt rất lớn đang sở hữu có thể được hưởng lợi từ xu hướng này. Đồng thời, VEA cũng thực hiện trả cổ tức rất đều đặn với tỷ suất cổ tức khá hấp dẫn khoảng 10%/năm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả