8 lý do quyết định bạn giàu hay nghèo
Sự nghèo nàn không nằm trong thẻ ngân hàng mà nằm trong tư duy của mỗi người.
1. Sự tin tưởng
Người giàu luôn tự nhủ "Tôi có thể", còn người nghèo luôn thoái thác "Tôi e rằng mình không thể".
Cầu thủ bóng rổ nổi tiếng người Mỹ JaVale McGee từng nói: "Bất cứ điều gì một người tin tưởng, cuộc sống tương lai của họ sẽ diễn tiến đúng như thế. Nếu bạn tin vào thất bại, bạn sẽ thất bại. Nếu bạn tin vào thành công, bạn sẽ thành công".
Niềm tin cho phép một người không ngừng vượt qua chính mình, từ đó sản sinh ra một sức mạnh phi thường. Khi đã có sức mạnh này, vận mệnh cuộc đời sẽ thuận theo ý muốn của bạn để phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Nói cách khác, bạn chỉ có thể tạo ra một cuộc sống giàu có nếu trước tin bạn tin rằng mình có thể trở nên giàu có.
2. Sự nhiệt tình
Tờ "The Economist" của Anh từng tiến hành một cuộc khảo sát và phát hiện ra, người giàu nhiệt tình với công việc hơn nhiều so với người nghèo.
Tạp chí Fortune cho biết, CEO Apple Tim Cook thường gửi mail cho nhân viên từ 4h30 sáng. Ông cũng luôn tới công ty sớm nhất và là người ra về cuối cùng. Trước kia, ông thường tổ chức những buổi họp nhân viên vào tối chủ nhật để chuẩn bị cho thứ hai đầu tuần. Chủ tịch Dallas Mavericks, Mark Cuban không có kỳ nghỉ nào trong suốt 7 năm khi mới khởi nghiệp. Jeff Bezos, CEO Amazon, trong những ngày đầu thành lập Amazon đã làm việc 12 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. Mỗi ngày đều phải thức đến 3h sáng để giao hết sách...
Một người muốn đạt đến đẳng cấp nào đó phụ thuộc vào thái độ của họ với công việc. Chỉ bằng cách làm việc từ sự nhiệt tâm, bạn mới có thể tiếp tục nới rộng khoảng cách với người khác để trở nên xuất sắc.
3. Động lực hành động
Người nghèo thiếu gì? Nhìn bề ngoài là thiếu tiền nhưng thực chất là thiếu dũng khí và động lực.
Dương Minh Viễn là một blogger nổi tiếng của Trung Quốc đã 18 năm. Người đàn ông này kiếm được rất nhiều tiền từ những video ngắn tự sản xuất. Một thanh niên, vốn là người quen, đã tìm đến Dương để xin bí quyết. Nhưng hai năm trôi qua, thanh niên này vẫn chưa làm một video ngắn nào. Khi Dương hỏi, thanh niên trả lời: "Tôi chẳng có thời gian và sức lực để theo đuổi công việc này".
Từ câu chuyện của chàng thanh niên, Dương Minh Viễn đúc kết: "Khoảng cách xa nhất trên thế giới không phải là sống và chết mà là giữa mong muốn và hành động". Nói mà không làm sẽ chẳng bao giờ thành công. Ước mơ mà không hành động sẽ chỉ mãi là ước mơ hão huyền.
4. Sự kiên trì
Tác giả cuốn sách "Nghĩ giàu và làm giàu" Napoleon Hill từng nói: "Có hai đặc điểm khác biệt trong suy nghĩ của người nghèo. Thứ nhất, luôn ảo tưởng về việc đạt được thứ gì đó mà không mất gì. Thứ hai, luôn bỏ cuộc giữa chừng".
Napoleon Hill có một người anh họ bỏ học khi còn là thiếu niên. Lúc đầu người này học làm bánh, nhưng được vài ngày chán, bỏ về nhà. Ở tuổi đôi mươi, anh muốn học cắt may, cảm thấy việc học buồn tẻ nên cũng bỏ dở. Ở tuổi ba mươi, người đàn ông này thích học đầu bếp nhưng món ăn nấu ra không có mùi vị thơm ngon như người khác nên lại bỏ cuộc. Ở tuổi 50, trong khi bạn bè khác cùng học làm bánh, thợ may hay đầu bếp đều đã thành ông chủ thì anh họ của Napoleon Hill vẫn làm thuê, chật vật với đồng lương ít ỏi.
"Lý do tại sao vẫn nghèo là họ quá quan tâm tới lợi ích trước mắt và muốn có lợi nhuận ngay lập tức sau khi đầu tư, trong khi không có sự kiên trì", Napoleon Hill nói. Kiên trì sẽ giúp mỗi người theo đuổi ước mơ của mình đến cùng, tự tạo động lực để bản thân không ngừng cố gắng hơn. Chỉ có như vậy những cơ hội mới đang chờ đợi ở phía trước.
5. Kỷ luật tự giác
Trường Kinh doanh Harvard đã từng tiến hành một cuộc khảo sát, phát hiện ra tầng lớp càng giàu có càng có kỷ luật tự giác cao. Họ thích dành thời gian làm việc, học tập và chơi thể thao. Còn tầng lớp nghèo chỉ thích tiêu tốn thời gian vào chơi game và phim truyền hình dài tập.
Chính trị gia người Mỹ Benjamin Franklin đã nói: "Tôi chưa bao giờ thấy một người dậy sớm và làm việc chăm chỉ lại phàn nàn về sự xui xẻo. Tính cách tốt, thói quen tốt và tinh thần kỷ luật tự giác sẽ không bị đánh bại bởi cái gọi là số phận".
Nếu bạn muốn đảo ngược kịch bản cuộc đời phải học cách chống lại ham muốn tầm thường của bản thân. Hãy loại bỏ những hạnh phúc vụn vặt, kiềm chế sự lười biếng và buông thả, cuộc sống mới có thể thực sự thay đổi.
6. Không ngừng học hỏi
Triệu phú tự thân nổi tiếng người Mỹ Steve Siebold từng dành 26 năm để phỏng vấn hơn 1.200 người giàu nhất thế giới. Ông phát hiện không phải tất cả những người giàu đều có trình độ học vấn cao, thậm chí một số còn chưa học đại học, nhưng họ đều có điểm chung là ham học hỏi.
Giới thượng lưu càng giàu họ càng tích cực học tập để tiếp tục làm giàu và mở rộng tầm nhìn. Và người càng nghèo lại càng an phận với thực trạng, càng thiếu khát khao tri thức. Ai cũng hiểu "tri thức thay đổi vận mệnh". Nhưng 90% người bình thường dừng việc học sau kỳ thi tuyển sinh đại học.
"Tri thức là sức mạnh", trau dồi kiến thức không chỉ để hiểu biết hơn mà chính những kiến thức đó sẽ giúp bạn cải thiện cuộc sống ở mức độ tốt hơn.
7. Thái độ hợp tác
Bỏ một con cua vào xô, con cua sẽ tự bò ra ngoài. Nhưng nếu đặt nhiều cua vào xô, không con nào có thể bò ra ngoài. Vì những con cua bên dưới sẽ liều mạng kéo những con cua bên trên, và cuối cùng không con nào thoát ra được. "Hiệu ứng con cua" hoặc "Tâm lý con cua", để minh họa cho tư duy ích kỷ, độc hại và đố kỵ của một số thành viên trong nhóm, những người tìm cách phá hoại và ngăn chặn sự tiến bộ của những thành viên hoạt động hiệu quả hơn.
Tom Corley, một nhà hoạch định tài chính đồng thời là tác giả của cuốn "Con nhà giàu: Làm thế nào để nâng cao hạnh phúc và thành công trong cuộc sống của con cái chúng ta", đã dành 5 năm để nghiên cứu thói quen của những người giàu có. Theo Corley, trong mối quan hệ của những người giàu, người giàu này kết giao với người giàu khác không chỉ đơn thuần là bởi đối phương giàu có, mà vì họ còn rất "tài tình và thành công". Corley giải thích. "Họ có thái độ đúng đắn, phù hợp. Họ vui vẻ, lạc quan và tích cực. Họ không ‘ngồi lê đôi mách’ tám chuyện. Họ biết truyền cảm hứng cho người khác bằng cách động viên, khuyến khích để mọi người theo đuổi mục tiêu, ước mơ của mình".
Còn trong mối quan hệ của những người nghèo, họ thường không có hạnh phúc, vui vẻ. Corley nói thêm: "Họ tiêu cực, chán nản và bi quan. Họ có thái độ mình là nạn nhân như ‘Khổ cái thân tôi!’. Họ không chịu trách nhiệm được cho những sự kiện trong cuộc sống của chính họ".
8. Sự đổi mới
Trong nhiều trường hợp, nghèo đói không phải là khủng khiếp. Bởi vì ngay cả khi nghèo, bạn vẫn có thể làm cho cuộc sống của mình tốt hơn nhờ làm việc chăm chỉ. Nhưng nếu bạn có "tâm lý kém" và luôn dùng những kinh nghiệm cũ để giam hãm bản thân, sẽ khó tạo ra những thay đổi lớn trong cuộc đời.
Phải thừa nhận rằng hầu hết những người thành công sẽ không giới hạn bản thân với lối tư duy cố hữu. Họ giỏi tư duy, giỏi đổi mới và giỏi thách thức với những mô hình đã có sẵn. Nếu suy nghĩ của một người luôn ở trạng thái đèn đỏ và không thể hình thành nhận thức mới, quá trình tiến hóa của sự sống sẽ dừng lại.
Trong thế giới luôn thay đổi này, sự trì trệ về cơ bản là tự sát. Chỉ bằng cách bắt kịp tốc độ của thời đại và không ngừng cập nhật, bạn mới có thể nâng cao giới hạn cuộc đời mình.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận