8 "con nợ" nguy cơ cao của BIDV
CTCP Tiến Phước và 990 nằm trong số các doanh nghiệp có dư nợ lớn ở BIDV được Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) chuyển hồ sơ cho cơ quan thanh tra giám sát của NHNN.
CTCP Tiến Phước và 990 là chủ đầu tư dự án tổ hợp khách sạn và cao ốc văn phòng (23 tầng) Le Meridien Saigon tọa lạc tại số 3C Tôn Đức Thắng, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. Dự án có tổng mức đầu tư 120 triệu USD, được khởi công vào cuối năm 2010.
Tọa lạc tại trung tâm Quận 1 với toàn bộ mặt tiền hướng ra sông Sài Gòn, chủ đầu tư Le Meridien Saigon đã gây được nhiều sự chú ý của giới địa ốc phía Nam.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Tiến Phước và 990 được thành lập từ năm 2007, là thành quả của mối hợp tác giữa Tập đoàn Tiến Phước (Tiến Phước Group) và Công ty 990 của Công an Tp. HCM. Trong đó, Tiến Phước Group nắm giữ quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu 73%, còn Công ty 990 sở hữu 23% vốn điều lệ.
Thay vào đó là sự xuất hiện của bà Nguyễn Thị Mỹ Phương - người con gái thứ 3 của vợ chồng ông Nguyễn Tiến Lập (Chủ tịch Tiến Phước Group).Chỉ vài tháng sau khi khu khách sạn của tổ hợp Le Meridien Saigon chính thức khai trương, tháng 3/2016, cập nhật cơ cấu cổ đông của Tiến Phước và 990 cho thấy sự thoái lui của Công ty 990.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong năm 2016, Công ty 990 có ghi nhận 94,5 tỷ đồng từ chuyển nhượng phần góp vốn trong liên doanh.
Sau khi doanh nghiệp ngành công an thoái lui, Tiến Phước và 990 nhiều lần tiến hành tăng vốn, từ 350 tỷ đồng lên 1.438 tỷ đồng (tính đến tháng 7/2019).
Cơ cấu cổ đông của chủ tòa nhà Le Meridien Saigon cũng nhiều lần thay đổi, hiện ổn định là: CTCP Bất động sản Tiến Phước (49,805%), bà Nguyễn Thị Mỹ Phương (9,193%), bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (0,049%), và Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI (40,953%).
Công ty TNHH MTV Đầu tư TPI dù không có mối quan hệ sở hữu với gia đình doanh nhân Nguyễn Thành Lập (SN 1950) song cũng là một thành viên trong hệ sinh thái của Tiến Phước Group.
Trong một thống kê mà VietTimes thực hiện trước đó, chỉ tính riêng năm 2019, ba công ty thành viên của Tiến Phước Group đã huy động được gần 2.600 tỷ đồng qua kênh trái phiếu. Có trường hợp, công ty có vốn chỉ 20 tỷ song huy động lượng trái phiếu có quy mô tới 51 lần.
Khối nợ của Tiến Phước Group, hay cụ thể hơn là CTCP Tiến Phước và 990, được hé lộ trong bản kết luận điều tra vụ án hình sự "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), CTCP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng" mà Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa hoàn tất mới đây.
Khách sạn Le Meridien Saigon với toàn bộ mặt tiền nhìn ra sông Sài Gòn (Ảnh: Internet)
8 “con nợ” nguy cơ cao của BIDV
Theo bản kết luận điều tra, ngày 18/3/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CQĐT) đã ra Quyết định tách vụ án hình sự số 07/CSKT-P13, tách hành vi BIDV cấp tín dụng cho CTCP Xi măng Phú Sơn và 7 công ty có dư nợ lớn tại BIDV có thực trạng hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hoạt động, không có doanh thu, quá trình cho vay BIDV có nhiều vi phạm.
Trong đó, CTCP Tiến Phước và 990 có dư nợ tại BIDV lên tới 1.823,742 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có dư nợ tại 4 tổ chức tín dụng khác là 273,315 tỷ đồng.
CTCP Xi măng Phú Sơn (Phú Sơn) thành lập năm 2006, là chủ đầu tư dự án Xây dựng nhà máy xi măng Phú Sơn (xã Phú Sơn, Nho Quan, Ninh Bình) có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/7/2019, dự nợ của Phú Sơn là 10,6 triệu EUR (tương được 283 tỷ đồng).
Do dự án chưa hoàn thành, BIDV đã khởi kiện Phú Sơn (do ông Nguyễn Hữu Lợi làm Chủ tịch HĐQT) đến TAND huyện Nho Quan (Ninh Bình) để xử lý tài sản đảm bảo là phần tài sản trên đất của Trường Dân lập Thái Hà. Được biết, Phú Sơn ngừng hoạt động từ năm 2012.
CTCP hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex) có dư nợ tại BIDV là 1.837,423 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty còn có dư nợ 3.350,005 tỷ đồng tại 7 tổ chức tín dụng khác, bao gồm: VietinBank (1.234,724 tỷ đồng), VIB (224,495 tỷ đồng), MBBank (224,495 tỷ đồng), Oceanbank (336,743 tỷ đồng), PVCombank (1.059,57 tỷ đồng), VRB (55,414 tỷ đồng), The Siam Commerical Bank (114,565 tỷ đồng). Hiện PVTex đã dừng hoạt động, không có khả năng trả nợ.
CTCP Bò Sữa Tây Nguyên có dư nợ tại BIDV là hơn 355,7 tỷ đồng, đã được cơ cấu nợ nhiều lần.
CTCP nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HNG) có dư nợ tại BIDV là 723,424 tỷ đồng; dư nợ tại 4 tổ chức tín dụng khác là 2.588,35 tỷ đồng (Sacombank 262,445 tỷ, VPBank 1.781,616 tỷ, NCB 300 tỷ, TPBank 543,989 tỷ đồng).
CTCP Tập đoàn Khải Vy có dư nợ tại BIDV là 230 tỷ đồng và dư nợ tại BaoVietBank là 423,459 tỷ đồng.
CTCP Thuận Thảo – Nam Sài Gòn có dư nợ tại BIDV là 230 tỷ đồng. Công ty này đã được cơ cấu nợ nhiều lần nhưng vẫn không trả được nợ.
CTCP Thép Vạn Lợi có dư nợ tại BIDV là 350 tỷ đồng, hiện vẫn còn tài sản bảo đảm và đang trong giai đoạn tái cơ cấu.
Được biết, việc ra quyết định tách vụ án hình sự để chuyển cho Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng (TTGSNH) quản lý; theo dõi, kiểm tra và đôn đốc việc thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm, cùng các khoản cấp tín dụng khác đã được nêu tại Kết luận Thanh tra số 3571/KL-TTGSNH1 ngày 20/10/2017 của Cơ quan TTGSNH.
Trên cơ sở kết quả xử lý, thu hồi nợ, nếu Cơ quan TTGSNH xác định có sai phạm và thiệt hại, có dấu hiệu tội phạm hình sự, đề nghị chuyển CQĐT để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận