24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Duy Thịnh
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

8 BOT thua lỗ đồng loạt xin cứu: Hơn 10.000 tỷ lấy đâu ra?

5 dự án được đề xuất chấm dứt hợp đồng, 3 dự án sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước tham gia theo tỷ lệ từ 49 – 70% để thay thế cơ chế hoàn vốn… với ngân sách nhà nước dự kiến hơn 10.600 tỷ đồng.

Sụt giảm doanh thu so với dự tính

Theo thông tin từ Bộ GTVT, về cơ bản, những khó khăn, vướng mắc hiện nay tập trung chủ yếu tại các dự án triển khai giai đoạn trước năm 2015. Đây là những dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chưa thu phí, hoặc không thể thu phí do vị trí đặt trạm thu phí bị người dân phản đối hoặc dự án đã thu phí nhưng doanh thu thực tế thấp hơn 30% so với phương án tài chính của hợp đồng…

Có thể kể tên như, dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 và xây dựng mới đường Thái Nguyên - Chợ Mới dự kiến thu phí tại 2 trạm trên Quốc lộ 3 và trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới để hoàn vốn. Sau khi Dự án hoàn thành, nhà đầu tư chỉ được thu phí trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới, trạm Quốc lộ 3 chưa được thu phí do người dân chưa đồng thuận .

Hay dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Thanh Hóa dự kiến thu phí hoàn vốn tại trạm Bỉm Sơn trên Quốc lộ 1, vị trí trạm cách phạm vi tuyến tránh khoảng gần 40 km. Mặc dù dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2018, tuy nhiên do tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự nên chưa được thu phí.

Dự án BOT cải tạo luồng sông Sài Gòn và xây dựng mới cầu đường sắt Bình Lợi dự kiến thu phí các phương tiện tàu thủy để hoàn vốn thông qua 3 cảng đường thủy (các cảng An Sơn, Rạch Bắp và Bến Súc); đến nay cầu đường sắt Bình Lợi đã đưa vào khai thác nhưng không thể thu phí tại các cảng đường thủy theo phương án tại hợp đồng do Bình Dương điều chỉnh quy hoạch cảng thủy nội địa trên sông Sài Gòn.

Hạng mục đầu tư mở rộng hầm Hải Vân thuộc Dự án BOT hầm Đèo Cả: Trong điều kiện vốn ngân sách khó khăn, không cân đối đủ để tham gia dự án, cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (hướng tuyến song song với Quốc lộ 1) để hỗ trợ nhằm bảo đảm phương án tài chính khi đầu tư mở rộng hầm Hải Vân thay vì nhà nước tham gia bằng ngân sách. Đến nay, dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác nhưng Bộ GTVT chưa cho phép thành lập trạm thu phí do nằm ngoài phạm vi dự án.

Sau khi đưa vào khai thác, một số dự án có doanh thu sụt giảm với mức độ khác nhau do một số nguyên nhân như: nhiều tuyến đường mới đã được đầu tư; trong đó một số tuyến xây dựng mới song hành hoặc kết nối trực tiếp với các tuyến BOT gây phân chia lưu lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án BOT đang khai thác; tốc độ phát triển kinh tế - xã hội khu vực dự án không đạt so với dự báo, dẫn đến nhu cầu vận tải thấp hơn so với dự báo trong hợp đồng; dự án chưa được tăng phí dịch vụ do chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô của nhà nước ; do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; một số dự án cao tốc song hành với các tuyến quốc lộ hoàn thành đưa vào khai thác nhưng chưa thu phí.

Trong các nguyên nhân trên, việc đầu tư các tuyến đường mới là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc sụt giảm doanh thu, có 4 dự án doanh thu chỉ còn dưới 30% so với dự toán ban đầu, các nguyên nhân còn lại là thứ yếu và có tính ngắn hạn.

Trước tình trạng trên, từ năm 2018 Bộ GTVT đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và cơ quan liên quan đánh giá tổng thể những khó khăn, vướng mắc của dự án BOT, đàm phán với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Trong đó, mới đây nhất là đề xuất trình chính phủ và quốc hội gói ngân sách nhà nước hơn 10.600 tỷ để giải “cứu” 8 BOT đang trong tình trạng thua lỗ nêu trên.

Đề xuất hơn 10.600 tỷ “giải cứu” liệu có khả thi?

Cụ thể, 5 dự án được đề xuất chấm dứt hợp đồng bao gồm: Đường vành đai phía Tây TP. Thanh Hóa đoạn Km0 - Km6 thuộc Dự án BOT xây dựng Quốc lộ 1 đoạn tránh TP. Thanh Hóa, Dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Km75 - Km100, Dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn Km1738+148 - Km1763+610, tỉnh Đăk Lăk, Dự án BOT nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 91, thành phố Cần Thơ, Dự án BOT xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi và cải tạo luồng sông Sài Gòn.

Tổng số tiền để thực hiện là 6.813 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là thanh toán chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành khai thác, bảo trì, chi phí lãi vay, lợi nhuận trong giai đoạn khai thác. Các chủ đầu tư đã thống nhất giảm 30-50% lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong giá trị thanh toán.

Còn 3 BOT đó là, Dự án BOT xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì (cầu Văn Lang), Dự án BOT đầu tư xây dựng cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình, Hà Nam với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Dự án BOT xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả, đề xuất giải pháp sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước tham gia từ khoảng 49 – 70% để thay thế cơ chế hoàn vốn, tổng ngân sách dự kiến 3.837 tỷ đồng.

Ông Lê Kim Thành - Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam, Bộ GTVT - cho biết, việc đưa ra những con số trên được dựa vào chi phí đầu tư xây dựng chi phí vận hành khai thác, bảo trì, chi phí lãi vay, lợi nhuận trong giai đoạn khai thác. Những dự án này đến nay nhà đầu tư đã thống nhất giảm 30-50% lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trong giá trị thanh toán.

"Con số này cũng mới chỉ sơ bộ. Sau này nếu phương án xử lý được Quốc hội duyệt, Bộ sẽ tiếp tục lập hồ sơ, thuê kiểm toán độc lập rồi gửi sang kiểm toán Nhà nước xác định mức thanh toán", ông Thành nói.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có tờ trình, trong đó ước tính nhu cầu vốn Nhà nước cần bố trí để xử lý 8 dự án BOT do bộ quản lý khoảng 10.650 tỉ đồng. Mức vốn Nhà nước thực tế thanh toán cuối cùng sẽ được đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng cung cấp tín dụng về mức chia sẻ của các bên khi thực hiện giải pháp và phải được kiểm toán trước khi thanh toán.

Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục hoàn thiện đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi xử lý vướng mắc, bất cập đối với một số dự án BOT.

Về nguồn vốn, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị sử dụng nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2023. Trường hợp không thể cân đối đủ từ nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2023, cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng đầu tư công trung hạn để sớm xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc đối với 8 dự án BOT.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả