777 triệu USD đầu tư vào 9 dự án tại TP.HCM và hơn 1 tỷ USD cho Đồng bằng sông Cửu Long
Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương; TP. Hồ Chí Minh trao giấy phép cho 9 dự án, tổng vốn lên đến hơn 777 triệu USD; Thêm hơn 1 tỷ USD cho Đồng bằng sông Cửu Long; PwC công bố Việt Nam tiếp tục là quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu… là những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Thêm hơn 1 tỷ USD cho Đồng bằng sông Cửu Long
Chia sẻ tại Hội nghị Triển khai các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong giai đoạn 2021-2023, ĐBSCL trước mắt sẽ có thêm khoảng 1,05 tỷ USD để phục vụ các mục tiêu phát triển.
Nguồn lực quan trọng này sẽ do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam làm đầu mối, kêu gọi các tổ chức quốc tế khác cùng tài trợ, dưới hình thức cho vay hỗ trợ chính sách phát triển, để giải quyết các vấn đề căn cơ của vùng. Như vậy, khác với trước đây, các khoản hỗ trợ phát triển chính thức được dành trực tiếp cho các chương trình, dự án, thì lần này, tập trung cho hỗ trợ cải cách thể chế và chính sách, đồng thời dùng để tài trợ đầu tư theo lựa chọn của Chính phủ và chính quyền địa phương. Một khoản vay mà theo đại diện của WB, là “một mũi tên trúng hai đích”.
Cần thêm nguồn lực này, bởi theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mặc dù trong những năm qua, ĐBSCL đã được quan tâm tập trung đầu tư, giai đoạn 2015-2020 chiếm 17,2% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước của cả nước, giai đoạn 2016-2020 tăng lên 18%, song “vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của toàn vùng”.
Hiện việc xây dựng quy hoạch, xây dựng thể chế điều phối vùng, cũng như xây dựng cơ chế để thu hút nguồn lực đầu tư cho vùng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gấp rút phối hợp thực hiện.
Đề xuất đầu tư 855 triệu USD xây 48 km đường vành đai 3 TP.HCM đạt chuẩn cao tốc
Tổng công ty Đầu tư phát triển & quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long vừa đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải cho phép nghiên cứu phương án đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3, TP.HCM đoạn Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 – Bến Lức theo hình thức đầu tư công, bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB, Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Theo đó, tổng chiều dài của tuyến đường thuộc Dự án là 48 km, trong đó đoạn Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 dài 19,1 km và đoạn Quốc lộ 22 – Bến Lức dài 28,9 km, đi qua địa phận các tỉnh Bình Dương, Long An và TP.HCM.
Dự án sẽ xây dựng theo quy mô cao tốc 4 làn xe, chiều rộng nền đường 24,5 m đối với giai đoạn 1; 6 – 8 làn xe, chiều rộng nền đường 67 – 74,5 m đối với giai đoạn hoàn thiện, đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Tổng công ty Đầu tư phát triển & quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long đề xuất chia Dự án làm 2 dự án thành phần, trong đó Dự án thành phần đoạn Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 dài 19,1 km có tổng mức đầu tư khoảng 9.955 tỷ đồng, tương đương 428,37 triệu USD, dự kiến huy động 198,14 triệu USD từ EDCF và 230,23 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án thành phần 2 đoạn Quốc lộ 22 – Bến Lức dài 28,9 km có tổng mức đầu tư khoảng 9.915,6 tỷ đồng, tương đương 426,66 triệu USD, dự kiến kêu gọi 260,83 triệu USD vốn vay ADB và 65,83 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Trong trường hợp được Bộ Giao thông - Vận tải chấp thuận, Tổng công ty Đầu tư phát triển & quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long sẽ trình đề xuất dự án sử dụng vốn vay đối với 2 dự án thành phần để Bộ Giao thông - Vận tải xem xét và trình Bộ Kế hoạch và đầu tư theo quy định.
Được biết, Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3, TP.HCM đoạn Bình Chuẩn – Quốc lộ 22 – Bến Lức đã từng được nghiên cứu đầu tư theo hình thức PPP nhưng gặp nhiều vướng mắc trong đó có việc qua thăm dò các nhà đầu tư nước ngoài chưa sẵn sàng và quan tâm tới dự án khi cơ chế, chính sách trong nước liên quan đến PPP chưa rõ ràng, nhà nước chưa có hỗ trợ bảo lãnh rủi ro. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước có năng lực tài chính thấp, khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để triển khai công trình.
TP. Hồ Chí Minh trao giấy phép cho 9 dự án, tổng vốn lên đến hơn 777 triệu USD
Chiều tối ngày 18/12, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án của nhà đầu tư trong nước và 1 dự án của nhà đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 777 triệu USD.
Dự án đầu tư nước ngoài có tổng vốn dự tính lên đến 650 triệu đô la do nhà đầu tư là Công ty Techtronic Industries (TTI) có trụ sở tại Hong Kông- Trung Quốc đầu tư trong lĩnh vực vi điện tử. Nhà máy sẽ sản xuất phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh dùng trong ngành công nghiệp và dân dụng, thành lập trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) trong lĩnh vực điện tử.
Dự kiến, khi đi vào hoạt động ổn định nhà máy của TTI sẽ sử dụng 7.400 lao động trong đó có 500 nhân sự trực tiếp tham gia vào hoạt động nghiên cứu phát triển, dự kiến đóng góp doanh thu xuất khẩu 1,3 tỷ USD/năm vào năm thứ 3 và khoảng 3 tỷ USD/năm vào năm thứ 6 trở đi.
Theo bà Lê Bích Loan, quyền trưởng ban quản lý khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, việc thu hút thành công 9 dự án đã giúp Ban Quản lý hoàn thành và vượt kế hoạch thu hút đầu tư FDI năm 2019 đã đăng ký với Thành phố, đặc biệt Khu Công nghệ cao đóng góp 55% vào tổng vốn đầu tư FDI mới và đóng góp 8% vào tổng vốn đầu tư gồm cấp mới, điều chỉnh, góp vốn mua cổ phần năm 2019 của Thành phố.
Đến nay, Khu công nghệ cao đã thu hút 162 dự án với tồng vốn đầu tư 7,9 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 5,9 tỷ USD.
Quảng Trị sẽ có nhà máy xay xát, chế biến lúa gạo công suất 1,5 tấn/giờ
Ngày 18/12, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 3499/QĐ-UBND về việc cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty CP Nông sản hữu cơ Quảng Trị để xây dựng nhà máy xay xát gạo và các công trình phụ trợ.
Dự án có mục tiêu xây dựng nhà máy xay xát và sản xuất bột thô, bán buôn gạo, lúa mì, hạt ngũ cốc khác, bột mì… với công suất thiết kế có hệ thống dây chuyền liên hoàn công suất 1,5 tấn gạo/giờ; hệ thống kho lúa gạo có sức chứa 500 tấn; nhà xưởng đóng gói, hoàn thiện sản phẩm và hệ thống sân phơi, sân tập kết, đường giao thông nội bộ.
Sản phẩm, dịch vụ cung cấp của nhà máy gồm: Gạo thành phẩm, dịch vụ xay xát, sấy, đánh bóng. Địa điểm dự án thực hiện tại Khu Công nghiệp Nam Đông Hà (Phường Đông Lương, TP.Đông Hà, Quảng Trị). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày được cấp Quyết định chủ trương đầu tư. Dự kiến đến quý IV/2020 nhà máy sẽ chính thức đi vào vận hành hoạt động.
Dự án xây dựng nhà máy xay xát gạo và các công trình phụ trợ sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh Quảng Trị gồm: Ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế nhập khẩu, ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất và các hình thức hỗ trợ ưu đãi đầu tư liên quan khác theo quy định pháp luật.
UBND tỉnh Quảng Trị cũng yêu cầu phía nhà đầu tư tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, lao động, khoa học công nghệ và quy định pháp luật có liên quan; phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm an ninh trật tự trong quá trình triển khai dự án. Đồng thời thực hiện các hoạt động có liên quan theo quy định của Luật đầu tư…
Thủ tướng giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2019; điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019.
Cụ thể, giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư trung hạn và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2019 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2018 cho Tòa án nhân dân tối cao và các tỉnh: Tiền Giang, Hà Nam, Nghệ An.
Giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2019 cho Thành phố Đà Nẵng để thực hiện dự án thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Điều chỉnh (tăng/giảm) kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương trong nước năm 2019 giữa các dự án trong nội bộ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tỉnh: Đồng Nai, Ninh Thuận, Trà Vinh.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào danh mục dự án và tổng số kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2019 được giao, quyết định giao cho Tòa án nhân dân tối cao và các tỉnh, thành phố: Hà Nam, Nghệ An, Đà Nẵng, Tiền Giang chi tiết danh mục và mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 và năm 2019 của từng dự án; chủ trì, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2019.
PwC: Việt Nam tiếp tục là quốc gia thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu
Báo cáo “Kinh doanh xuyên lãnh thổ trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2019-2020” vừa được PwC công bố cho biết, trong số các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC có hiện diện tại Việt Nam, 44% có kế hoạch tăng cường đầu tư vào quốc gia này trong năm tới, giúp Việt Nam tiếp tục là điểm thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu.
Báo cáo được thực hiện dựa trên khảo sát ý kiến của hơn 1.000 lãnh đạo thuộc 21 nền kinh tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) - khối kinh tế chiếm một nửa thương mại toàn cầu và đóng góp vào hơn một nửa GDP của thế giới.
Cũng theo báo cáo này, các lãnh đạo doanh nghiệp ở Việt Nam lạc quan hơn về triển vọng doanh nghiệp, với 49% “rất lạc quan” về tăng trưởng doanh thu trong năm tiếp theo, so với chỉ số trung bình trong khối APEC là 34%.
Bên cạnh tình hình khả quan về đầu tư xuyên biên giới, 62% lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát kỳ vọng sẽ tăng cường đầu tư trong nước trong năm sau, tỷ lệ này cao hơn ở các nền kinh tế mạnh khác, ví dụ như Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Nhận định về vấn đề này, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam cho rằng, giữa những áp lực có thể tiên liệu được từ các rào cản thương mại lên các nền kinh tế trong khu vực cũng như Việt Nam, Việt Nam vẫn đang vươn lên theo đà tăng trưởng
cùng với sự lạc quan của các lãnh đạo doanh nghiệp được củng cố và nền kinh tế tiếp tục thu hút nguồn đầu tư không chỉ từ nước ngoài mà còn từ chính nguồn lực kinh tế trong nước.
Kết quả khảo sát cho thấy các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam có mức độ ưu tiên đáng kể tới phát triển công nghệ cũng như trang bị nguồn nhân lực có kỹ năng. Khoảng 80% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận phát triển công nghệ là ưu tiên chiến lược.
Đa số các lãnh đạo có kế hoạch tăng phân bổ ngân sách, đặc biệt cho tích hợp dữ liệu và hệ thống, cũng như đẩy mạnh phát triển các kỹ năng số trong 2 năm tới.
Tuy nhiên, khi tự động hóa và trí tuệ nhân tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng, 23% chủ doanh nghiệp Việt Nam cho biết đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực có kỹ năng phù hợp để phục vụ cho tự động hóa.
Hà Nội yêu cầu hoàn thành giải phóng mặt bằng tuyến metro 3 Nhổn - Ga Hà Nội trong tháng 12/2019
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản thông báo kết luận của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung về Dự án đường sắt đô thị thí điểm, đoạn Nhổn – Ga Hà Nội.
Theo đó, UBND thành phố giao các quận trong phạm vi dự án chỉ đạo, vận động và vận dụng tối đa cơ chế, chính sách quy định để hỗ trợ cho các hộ dân; chủ động rà soát quy trình, thủ tục thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư và tổ chức cưỡng chế hành chính thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013 đối với các hộ không chấp hành.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn – Ga Hà Nội trong tháng 12/2019.
Đối với các ga ngầm đã giải phóng mặt bằng xong từng phần hoặc xong toàn bộ, UBND các quận bàn giao để Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tiếp nhận và bàn giao cho nhà thầu thi công ngay.
Đáng chú ý, trong tháng 12/2019, UBND quận Ba Đình phải hoàn thành giải phóng mặt bằng ga S9; UBND quận Đống Đa hoàn thành giải phóng mặt bằng ga S10 và S11; UBND quận Bắc Từ Liêm và quận Cầu Giấy đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng phần còn lại tại khu vực chân cầu thang ga S04 và S07 …
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung giao Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm việc với các đơn vị tư vấn, nhà thầu và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ và thống nhất thực hiện phương án thử nghiệm phục vụ vận hành trước đoạn tuyến trên cao trong quý IV/2020; chủ động phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và đơn vị tư vấn tính toán, xây dựng sơ đồ tổ chức vận hành chạy tàu, tính toán số lượng nhân sự phù hợp; yêu cầu kỹ thuật đối với các thiết bị phần hệ thống điện, thông tin tín hiệu, thiết bị tại các nhà ga, phần mềm chạy tàu bảo đảm tính khả thi theo phương án vận hành đoạn trên cao…
Trước đó, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội sẽ được khai thác trước 8,5 km đường trên cao vào tháng 4/2021, sau đó tiếp tục hoàn thiện 4 km ngầm để khai thác toàn tuyến vào tháng 12/2022.
Theo kế hoạch của MRB, đoàn tàu đầu tiên của tuyến Nhổn - Ga Hà Nội sẽ về Việt Nam vào tháng 7/2020 để đáp ứng tiến độ vận hành đoạn trên cao vào tháng 4/2021 và vận hành toàn tuyến vào năm 2022.
Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chính thức có 6.686 tỷ đồng vốn tín dụng
Sáng 16/12, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và các ngân hàng hợp vốn chính thức ký kết hợp đồng tín dụng và các văn kiện cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo hình thức hợp đồng BOT với Công ty CP cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Việc tài trợ hợp vốn của các ngân hàng sẽ tháo gỡ khó khăn liên quan nguồn vốn tín dụng trong cơ cấu nguồn vốn của tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án), dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương, từ hơn một năm qua, Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã có những thay đổi căn bản: chuyển Cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang, loại bỏ các cổ đông yếu kém, tổng vốn đầu tư tăng lên mức 12.668 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp 2.186 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác cam kết đạt tối thiểu 3.400 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tham gia điều hành…
Đây là những lý do khiến Hợp đồng tín dụng đã ký giữa doanh nghiệp dự án và 4 ngân hàng từ năm 2018 cần được thay thế để phù hợp với tình hình thực tế.
Từ sau khi phương án tài chính mới được ban hành theo Quyết định số 2463/QĐ-UBND ngày 2/8/2019 của UBND tỉnh Tiền Giang, VietinBank đã tiếp tục làm đầu mối, cùng với BIDV, Agribank và VPBank khẩn trương thẩm định lại và hoàn thành báo cáo thẩm định chung từ 18/11/2019, tiến tới đã hoàn tất các khâu còn lại trong tháng 12/2019 theo quy trình cấp tín dụng, phù hợp với năng lực, điều kiện của từng ngân hàng.
Theo đó, tổng vốn cam kết cho vay của các ngân hàng cho dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là 6.686 tỷ đồng, trong đó: VietinBank là 3.300 tỷ đồng, BIDV là 1.500 tỷ đồng, AgriBank là 1.000 tỷ đồng và VPBank là 886 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 3/12/2019, dự án đã nhận được 1.390 tỷ đồng trong tổng số 2.186 tỷ đồng vốn Ngân sách Nhà nước rót về. Phần còn lại, nhà đầu tư tiếp tục kiến nghị tỉnh Tiền Giang có kế hoạch sớm giải ngân cho dự án để thúc đẩy tiến độ. .
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ đầu tư dự án) cho biết, vốn chủ sở hữu đã được các nhà đầu tư góp đủ, phần vốn nhà nước tham gia vào công trình, doanh nghiệp dự án cũng đã nhận được 1.390 tỷ đồng vào đầu tháng 12/2019.
Theo ông Hoàng, từ một phần nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho dự án được giải ngân, doanh nghiệp dự án đã ngay lập tức tổ chức lập lại tiến độ thi công trên cơ sở giữ nguyên mốc hoàn thành dự án vào quý II/2021 và điều chỉnh một số hạng mục đảm bảo thông tuyến vào cuối năm 2020.
Tính đến thời điểm này đã có trên 50 cây cầu trên tuyến đã ra hình hài, với 45km nền đất yếu đang được cắm bấc thấm, trải vải địa kỹ thuật và đắp cát gia tải. Khối lượng thi công của dự án hiện đã đạt 27%, tăng 17% trong thời gian 6 tháng có sự vào cuộc của Tập đoàn Đèo Cả, trong khi suốt 10 năm trước đó dự án chỉ vỏn vẹn đạt 10% giá trị hợp đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận