730.000 tỷ đồng sẽ đổ bộ ra nền kinh tế?
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng “èo uột” từ đầu năm đến nay, mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải phân bổ lại tín dụng.
Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 23/11, dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái. Cụ thể, dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, khoảng 6,2% tương đương khoảng hơn 730.000 tỷ đồng để cấp cho nền kinh tế.
Theo đại diện NHNN, tăng trưởng tín dụng thời gian qua thấp, chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên nhu cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu… Theo đó, NHNN điều chỉnh hạn mức tín dụng các ngân hàng.
Cụ thể, ngân hàng có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022. Bên cạnh đó, những ngân hàng tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua sẽ được ưu tiên.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, đến cuối tháng 11/2023 tăng trưởng tín dụng của TPBank đạt hơn 11%. Sau quyết định phân bổ lại tín dụng NHNN, TPBank được tăng thêm 5%. “Như vậy, room tín dụng để cho vay các doanh nghiệp và người dân rất lớn. Ngân hàng đã và đang tiếp tục hạ lãi suất cho vay cá nhân, doanh nghiệp”, ông Hưng nói. Theo vị này, với một số khoản vay đủ điều kiện, lãi suất có thể thấp hơn tới gần 4% so với trước đây.
Về giải pháp, ông Hưng cho rằng, ngân hàng sẽ duy trì các gói vay tập trung doanh nghiệp xây lắp, trang thiết bị y tế, dược phẩm, viễn thông, điện lực, nhà thầu xây lắp khu công nghiệp... Bên cạnh đó, các nhu cầu vay vốn để mua nhà, sắm xe cũng được ngân hàng tập trung, đẩy mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận