24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Minh Thu.
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

70 doanh nghiệp FDI sẽ phải nộp thêm 12.000 tỷ đồng thuế năm 2024

Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Ước tính, các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 khoảng hơn 12.000 tỷ đồng.

Ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế

Ngày 18/4, Bộ Tài chính dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã tổ chức Hội thảo Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu: "Kinh nghiệm áp dụng của các quốc gia, dự kiến tác động và khuyến nghị giải pháp cho Việt Nam".

70 doanh nghiệp FDI sẽ phải nộp thêm 12.000 tỷ đồng thuế năm 2024
"Tôi được biết để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam đang xem xét phương án dự thảo tăng thuế thu nhập doanh nghiệp lên 15%. Trước tiên, cần khẳng định đây không phải là phương án phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Còn từ phía doanh nghiệp, quy định này là bất tiện và phức tạp, ngoài ra còn phát sinh những rủi ro về tranh chấp và đánh thuế 2 lần do cách hiểu khác nhau với chính phủ nước đi đầu tư", Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, sự phát triển của kinh tế số và toàn cầu hoá đã và đang có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế - xã hội của các quốc gia. Nhiều loại hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin ra đời đặt ra những thách thức mới cho các cơ quan quản lý, đặc biệt là các biện pháp quản lý thu thuế phù hợp nhằm ngăn chặn các hành vi làm xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận.

Trong bối cảnh đó, sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận (BEPS) đã được OECD khởi xướng và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) thông qua. Trong đó, Trụ cột 2 đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế. Đến nay, trụ cột II đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên, trong đó có Việt Nam.

Đến nay, hầu hết các nước và vùng lãnh thổ thuộc Liên minh châu Âu; Thuỵ Sĩ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, HongKong, Úc… đã xác nhận sẽ áp dụng quy tắc thuế suất tối thiểu 15%, bắt đầu từ năm 2024. Trong đó, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản… là các nước có số vốn đầu tư nước ngoài lớn vào Việt Nam và là các nước có nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng áp dụng của Thuế tối thiểu toàn cầu.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện có 1.015 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có công ty mẹ thuộc đối tượng áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có hơn 70 doanh nghiệp có khả năng chịu ảnh hưởng của Thuế tối thiểu toàn cầu khi được áp dụng từ năm 2024.

"Nếu các quốc gia có công ty mẹ đều thực thi thuế tối thiểu toàn cầu thì các quốc gia này sẽ được thu thêm phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, các biện pháp ưu đãi thuế sẽ không còn nhiều tác dụng, từ đó đặt ra thách thức không nhỏ đối với việc duy trì tính cạnh tranh về môi trường đầu tư của Việt Nam", Bộ trưởng nói.

70 doanh nghiệp FDI sẽ phải nộp thêm 12.000 tỷ đồng thuế năm 2024
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính. Ảnh: NT

Việt Nam nên ứng phó thế nào?

Đánh giá về tác động của Thuế tối thiểu toàn cầu và hành động của các nước, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính nhấn mạnh, quy tắc GloBE chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đầu tư, đổi mới và hoạt động kinh tế của các Công ty đa quốc gia (MNEs) thông qua cả kênh trực tiếp là phần thuế bổ sung và kênh gián tiếp là chi phí đầu tư (sau thuế). Từ đó, buộc các MNEs đánh giá lại các chiến lược đầu tư và sản xuất - kinh doanh trên toàn cầu.

Theo đó, Việt Nam hiện nay là một quốc gia đang phát triển, có độ mở của nền kinh tế lớn, chủ yếu tiếp nhận vốn đầu tư nước ngoài nên cho dù Việt Nam có tham gia hay không tham gia thì các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu vẫn có tác động đến Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách để thích ứng với bối cảnh mới. Việc điều chỉnh chính sách cần đảm bảo: Phù hợp với các quy tắc chung của thuế tối thiểu toàn cầu; Tiếp tục tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài; Hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và quyền thu thuế của Việt Nam để đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Để ứng phó với tác động của Thuế suất tối thiểu toàn cầu, ông Đặng Ngọc Minh đề xuất:

Thứ nhất, Việt Nam cần nhanh chóng bổ sung quy định về cơ chế QDMTT (nội luật hoá quy tắc Thuế tối thiểu toàn cầu theo quy chuẩn OECD), để đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam đối với các MNEs đang có hoạt động đầu tư tại Việt Nam mà có mức thuế suất thực tế tối thiểu dưới 15%.

Thứ hai, giữ nguyên mức thuế suất phổ thông 20%. So với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới thì mức thuế suất thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hiện tại của Việt Nam (20%) cao hơn Singapore (17%), tương đương với Thái Lan (20%) và thấp hơn một số nước trong khu vực châu Á và trên thế giới (Trung Quốc 25%; Hàn Quốc 27,5%; Nhật Bản 29,74%; Malaysia 24%; Philippines25%; Myanma 22%...). Do đó, mức thuế suất pháp định phổ thông 20% tại Việt Nam không cần thiết phải xem xét điều chỉnh.

Thứ 3, rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế nhằm tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đồng thời, cần rà soát, chỉnh sửa các quy định của Luật Đầu tư liên quan đến hình thức ưu đãi đầu tư, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư, ngành nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư...

Thứ tư, hoàn thiện chính sách khác ngoài thuế. Cùng với việc xem xét sửa đổi chính sách ưu đãi thuế hợp lý hơn thì Việt Nam cũng cần nghiên cứu, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư về các chính sách ngoài thuế như miễn, giảm tiền thuê đất, cải cách thủ tục hành chính nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp...

Thứ năm, tăng cường hợp tác về thuế giữa các quốc gia nhằm chia sẻ thông tin, phối hợp hành động trong quản lý thuế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu NSNN.

70 doanh nghiệp FDI sẽ phải nộp thêm 12.000 tỷ đồng thuế năm 2024
Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam. Ảnh: NT

Samsung có thể sẽ phải nộp bổ sung 6,5 tỷ USD tiền thuế

Tham luận tại hội thảo, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, hiện nay Samsung Việt Nam có 6 pháp nhân sản xuất, 1 Trung tâm nghiên cứu và phát triển, tổng số vốn đầu tư là 20 tỷ USD. Samsung Việt Nam đang chiếm 50% tỷ trọng sản lượng điện thoại di động trên toàn thế giới.

Trước nguy cơ sẽ chịu tác động từ thoả thuận Thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, Tổng giám đốc Samsung đưa một số kiến nghị tới Chính phủ về phương án duy trì năng lực đầu tư của các doanh nghiệp FDI và các chính sách ưu đãi.

Đầu tiên, Việt Nam cần áp dụng cơ chế QDMTT để đảm bảo quyền đánh thuế và tạo nguồn tài chính ổn định. OECD cũng đang khuyến nghị các nước nhận đầu tư áp dụng cơ chế QDMTT để đảm bảo quyền đánh thuế đối với phần thuế bổ sung, phòng ngừa việc đánh thuế hai lần. Các nước ở khu vực Đông Nam Á như Singapore, Hongkong, Malaysia cũng xác nhận đang chuẩn bị áp dụng QDMTT từ năm 2024-2025.

"Tôi được biết để áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam đang xem xét phương án dự thảo tăng thuế thu nhập doanh nghiệp lên 15%. Trước tiên, cần khẳng định đây không phải là phương án phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Còn từ phía doanh nghiệp, quy định này là bất tiện và phức tạp, ngoài ra còn phát sinh những rủi ro về tranh chấp và đánh thuế 2 lần do cách hiểu khác nhau với chính phủ nước đi đầu tư", ông Choi Joo Ho khuyến nghị.

Tổng giám đốc Samsung nhấn mạnh, Viêt Nam nên khẩn trương luật hóa thoả thuận Thuế tối thiểu toàn cầu theo quy tắc OECD trong năm 2023 để chính sách có thể có hiệu lực từ năm 2024. Tuy nhiên, về thời gian chính thức áp dụng nên thông qua các văn bản dưới luật tùy theo tình hình áp dụng của các quốc gia khác.

Thứ hai, đại diện Samsung đề nghị, Việt Nam xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư mới vì khi áp dụng QDMTT hiệu lực ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũ bị mất đi.

Theo đó, cần tận dụng phần thuế bổ sung có được khi áp dụng cơ chế QDMTT để xây dựng một cơ chế ưu đãi đầu tư mới có thể thay thể cơ chế miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đã bị mất đi hiệu lực do thuế tối thiểu toàn cầu.

Cụ thể, nên nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia như Mỹ, Đức, Ấn Độ đang thực hiện, xem xét hỗ trợ tiền mặt cho các hoạt động nghiên cứu phát triển, máy móc sản xuất, tiền hỗ trợ sản xuất…

Ví dụ, ở Mỹ đã chuẩn bị Đạo luật Chip và khoa học (Chips Act) để chi trả khoản hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán dẫn như ưu đãi sản xuất, ưu đãi nghiên cứu phát triển, khấu trừ thuế đầu tư…và họ đang vận hành luật giảm lạm phát (IRA), cơ chế khoản trợ cấp sản xuất hỗ trợ chi phí nhất định cho mỗi sản phẩm sản xuất của các doanh nghiệp chế tạo thân thiện với môi trường như doanh nghiệp sản xuất pin ô tô điện;

Hay Thái Lan đang chuẩn bị dự thảo luật, thay đổi từ ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp vốn có thành khoản hỗ trợ ưu đãi đầu tư bằng tiền mặt; Hay Ấn Độ, để mở rộng ngành công nghiệp sản xuất điện thoại và thu hút FDI, nước này chi trả ưu đãi tiền mặt đối với sản phẩm điện thoại thông minh trên 188 USD và họ đang vận hành phương án chi trả ưu đãi cho mỗi sản phẩm của từng loại sản phẩm xuất khẩu, hoàn trả 25% số vốn đầu tư.

Tổng giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ rằng, thực tế cho đến hiện nay Việt Nam không có luật pháp về hỗ trợ bằng tiền mặt nên sẽ có những gánh nặng về xây dựng luật và pháp lệnh mới. Tuy nhiên, các quốc gia khác đã và đang vận hành cơ chế hỗ trợ bằng tiền mặt, vì vậy việc tham khảo, nghiên cứu mô hình của các nước khác là cần thiết.

Nêu cụ thể hơn về trường hợp Samsung, ông Choi Joo Ho cho biết, nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì từ năm 2024 Samsung sẽ phải nộp bổ sung số thuế khoảng 400 triệu USD mỗi năm. Dự kiến số thuế phải nộp bổ sung trong toàn bộ thời gian của dự án là 6,5 tỷ USD. Ngược lại, mỗi năm Samsung đầu tư 200 triệu USD cho máy móc thiết bị và khoảng 200 triệu USD cho chi phí nghiên cứu phát triển. Nếu Việt Nam chi trả trợ cấp cho phí đầu tư và nghiên cứu phát triển thì cũng sẽ làm giảm gánh nặng với phần thuế nộp bổ sung.

Tuy nhiên, nếu Việt Nam chậm trễ trong việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu và không chuẩn bị phương án ưu đãi thay thế một cách thỏa đáng, thì năng lực cạnh tranh đầu tư của Việt Nam sẽ bị giảm sút nghiêm trọng, khiến các doanh nghiệp đa quốc gia phải xem xét lại nghiêm túc chiến lược vận hành toàn cầu. Về mặt ngắn hạn, điều này sẽ dẫn tới sự chậm trễ trong việc đưa ra quyết định đầu tư, sụt giảm sản lượng, tái định vị cứ điểm, gây ảnh hưởng xấu tới tuyển dụng, thu ngân sách tại các địa phương (Bắc Ninh, Thái nguyên, TP.HCM…).

Cuối cùng, đại diện Samsung khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam phải thay đổi chính sách hỗ trợ đầu tư để duy trì môi trường đầu tư hấp dẫn và đảm bảo năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng thông qua chính sách hỗ trợ dựa trên chi phí trực tiếp bằng tiền, đồng thời áp dụng cơ chế QDMTT theo khuyến nghị của OECD để giữ quyền đánh thuế.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả