7 xu hướng sẽ định hình Trung Quốc thập niên 2020
Thế giới có thể mong đợi gì từ Trung Quốc trong thập kỷ mới này? Căng thẳng Mỹ-Trung, tăng trưởng kinh tế chậm hơn, hội nhập theo chiều dọc và hướng sang tiêu dùng nội địa, những xu hướng này đều có khả năng ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới.
Đối mặt với nhiều cơn gió ngược, quỹ đạo phát triển của Trung Quốc khó có thể suôn sẻ. Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, mặc dù sẽ có những thay đổi lớn, nhưng những xu thế sau đây nhiều khả năng sẽ định hình Trung Quốc trong thập kỷ mới.
Tại Mỹ, có một sự đồng thuận vững chắc từ cả hai đảng rằng một Trung Quốc hùng mạnh, nếu không được kiểm soát, sẽ tước quyền lãnh đạo của Mỹ trong trật tự thế giới tự do.
Dù là ai ở trong Nhà Trắng, cuộc chiến nhằm kiềm tỏa Trung Quốc sẽ tiếp tục, nếu không muốn nói là tăng cường, trong khi Trung Quốc quyết bảo vệ tham vọng đạt được hai mục tiêu thế kỷ của mình: trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2021, nhân 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc; và trở thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và hiện đại, vào năm 2049, đúng 100 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Áp lực để duy trì sự ổn định kinh tế sẽ tăng lên, trong bối cảnh tình hình nhân khẩu học ngày càng xấu đi, nợ nần, doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả, xung đột tiếp diễn với Mỹ và các gián đoạn khác. Trong mọi trường hợp, một tốc độ tăng trưởng kinh tế vừa phải hơn chắc chắn sẽ xảy ra.
Thị trường tiêu dùng Trung Quốc đã hội nhập sâu rộng với thế giới. Xét 10 danh mục hàng tiêu dùng lớn, trung bình các tập đoàn đa quốc gia thâm nhập ở Trung Quốc là 40% trong năm 2017, so với 26% ở Mỹ.
Trong khi đó, cuộc chiến thương mại ngày càng gay gắt đã đẩy nhiều hoạt động sản xuất từ Trung Quốc đến các khu vực đang phát triển khác trên thế giới. Những điều này đòi hỏi công nghệ trung bình và hàng hóa trung gian từ Trung Quốc trong lúc Bắc Kinh tăng tốc hội nhập dọc.
Ngoài ra, để đạt được tái cân bằng kinh tế, tiêu dùng trong nước vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự chính sách của Trung Quốc. Thị phần tiêu dùng của Trung Quốc trong tiêu dùng thế giới đã tăng lên 12% trong năm 2018 tính theo USD, tương đương 14% nếu được điều chỉnh theo ngang giá sức mua. Điều này đang đặt Trung Quốc vào đúng hướng đi để trở thành một trong những thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới.
Một báo cáo của Ủy ban Chuyển đổi Năng lượng (ETC) và Viện Rocky Mountain (Mỹ) cho thấy Trung Quốc có nền tảng tốt để đạt được cân bằng khí thải carbon khi trở thành nền kinh tế phát triển hoàn toàn vào năm 2050.
Trung Quốc hiện đã là nhà sản xuất, xuất khẩu và lắp đặt các tấm pin mặt trời, tua-bin gió, pin và xe điện lớn nhất thế giới, tiếp theo là Nhật Bản, Đức và Mỹ. Trung Quốc sở hữu 150.000 bằng sáng chế năng lượng tái tạo, chiếm khoảng 30% tổng số thế giới, vượt xa Mỹ (100.000), Nhật Bản (75.000) và EU (75.000). Họ cũng có mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất, với hơn 30.000 km, so với của Mỹ chỉ không đầy 800km.
Mặc dù ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất và nước vẫn là vấn đề nghiêm trọng ở Trung Quốc, quốc gia này đang tiếp cận sự tăng trưởng “xanh” hơn. Những bước tiến lớn được dự kiến sẽ diễn ra trong thập kỷ tới.
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, thương mại tích lũy của nước này với các quốc gia tham gia “Vành đai, Con đường” đã vượt 7.000 tỷ USD trong năm 2018, với các khoản đầu tư trị giá hơn 30 tỷ USD. Những chuyến tàu chở hàng kết nối các thành phố của Trung Quốc với 49 thành phố ở 15 quốc gia châu Âu. Tính đến năm 2018, Bắc Kinh đã ký 171 thỏa thuận hợp tác với hơn 150 quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Đất nước Trung Quốc hiện đại có một lịch sử đầy biến động, và thập kỷ 2020 này có khả năng sẽ chứng kiến một bước ngoặt mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận