7 năm xây dựng cầu Thủ Thiêm 2
Dự kiến hoàn thành sau ba năm thi công, nhưng cây cầu bắc qua sông Sài Gòn mất 7 năm mới về đích do vướng mặt bằng, thanh toán, đốn hạ hàng cổ thụ.
Cuối tháng 4, công trường xây dựng cầu Thủ Thiêm 2 (nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm và quận 1) tất bật hoàn thiện các hạng mục cuối cùng. Phần cầu chính và các nhánh thuộc dự án đã được thảm nhựa, lắp đặt khe co giãn... Công trình cũng hoàn thành thử tải trong một tháng phục vụ công tác nghiệm thu. Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh hoàn thiện vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng... để thông xe vào cuối tháng này.
Động thổ vào tháng 2/2015, cầu Thủ Thiêm 2 dài 1,4 km với thiết kế dây văng được xem là biểu tượng cổng chào từ trung tâm thành phố qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cùng với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, cây cầu thứ hai bắc qua bán đảo Thủ Thiêm được kỳ vọng là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn cả ngày lẫn đêm khi hoàn thành.
Theo kế hoạch, cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành sau 3 năm thi công, nhưng dự án liên tục trễ hẹn do vướng mặt bằng. Năm 2018 - thời điểm dự án phải hoàn thành theo hợp đồng nhưng tổng khối lượng chỉ đạt khoảng 16%. Nguyên nhân chính do 13.000 m2 đất phía quận 1 chưa được bàn giao, phần lớn diện tích thuộc đất quốc phòng ở khu vực nhà máy Ba Son. Lúc này, thời gian thực hiện hợp đồng đã hết hạn nên TP HCM phải điều chỉnh, lùi kế hoạch hoàn thành đến năm 2020.
Thủ tục chờ giải quyết mặt bằng vẫn kéo dài nên dự án sau đó tiếp tục chậm trễ, thi công cầm chừng và có thời gian ngưng trệ. Tháng 9/2020, nhà đầu tư cho biết mặt bằng phía quận 1 chưa bàn giao khiến nhịp cuối của cầu chính và hai nhánh N1, N2 phía quận 1 không thể thi công, dù công trình khi đó đạt khoảng 70%.
Công trường thi công dự án cầu Thủ Thiêm 2 hồi tháng 9/2020. Ảnh: Gia Minh
Đỉnh điểm hồi tháng 3/2021, dự án ngưng trệ kéo dài nên liên danh nhà thầu thông báo sẽ giải thể công trường nếu không thi công trở lại trong vòng một tháng. Khi công trường giải thể, nếu muốn huy động các thiết bị đặc chủng phục vụ thi công lại sẽ mất khoảng nửa năm. Việc ngưng thi công cũng gây nhiều rủi ro cho chất lượng của công trình.
Sau nhiều buổi làm việc của UBND thành phố và các bên liên quan, quý 2/2021 quận 1 giao hơn 11.000 m2 đất thuộc quản lý của Tổng công ty Ba Son cho dự án và giải quyết các vướng mắc liên quan. Điều này giúp tháo gỡ nút thắt kéo dài nên nhà đầu tư sau đó tập trung huy động lại máy móc, thiết bị và đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Ngoài vướng mặt bằng, dự án còn gặp khó khăn trong thủ tục thanh toán. Theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) giữa TP HCM và Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh công trình có tổng mức đầu tư 4.260 tỷ đồng. Thành phố thanh toán cho nhà đầu tư 13,6 ha đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm để triển khai dự án khác đồng thời với dự án BT. Theo cơ chế này, kinh phí đầu tư cầu Thủ Thiêm 2 sau đó giảm xuống còn hơn 3.000 tỷ đồng.
Thời điểm năm 2019, doanh nghiệp cho biết đã bỏ kinh phí đầu tư cầu Thủ Thiêm 2 hơn 2.100 tỷ đồng (gồm 800 tỷ nộp ngân sách và gần 1.350 tỷ giá trị hoàn thành, tương ứng 70% phần thi công xây lắp). Tuy nhiên, thành phố chậm xác nhận khối lượng và giá trị hoàn thành để thanh toán bằng việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất ở dự án khác cho nhà đầu tư. Việc này khiến ngân hàng tài trợ vốn từ chối giải ngân tiếp cho dự án, ảnh hưởng tiến độ triển khai.
Hàng cổ thụ đường Tôn Đức Thắng trước khi bị di dời, đốn hạ, năm 2017. Ảnh: Quỳnh Trần
Bên cạnh đó, thời gian đầu khi triển khai dự án, nhiều tranh cãi từng nổ ra khi thành phố lên kế hoạch di dời hơn 200 cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng để làm cầu Thủ Thiêm 2. Hàng cây hơn trăm tuổi vốn đã quen thuộc khiến nhiều người bày tỏ luyến tiếc. Nhiều chuyên gia, người dân phản đối kế hoạch đốn hạ cây, thậm chí có cả diễn đàn được lập nên để bảo vệ hàng cây này.
TP HCM sau đó tổ chức nhiều buổi làm việc để đánh giá, lắng nghe ý kiến các chuyên gia và quyết định ưu tiên phương án di dời, chỉ đốn hạ những cây có khả năng sống thấp. Việc đốn hạ, di dời hàng cây cũng không làm đồng loạt mà theo tiến độ thi công các hạng mục của cầu Thủ Thiêm 2, bắt đầu từ năm 2017. Trong đó, 115 cây được bứng dưỡng, 143 cây xanh già cỗi bị đốn hạ.
Sau nhiều trắc trở, tháng 9 năm ngoái, cầu Thủ Thiêm 2 được hợp long sau khi nhà thầu hoàn thành lắp đặt đốt dầm AS16 - đốt dầm cuối cùng trong 17 dầm thép của phần cầu chính. Ngày 28/4 tới, công trình này sẽ thông xe mừng 47 năm ngày thống nhất đất nước. Để kết nối đồng bộ, thành phố sẽ hoàn thành dự án xây dựng hạ tầng 9 lô đất với tổng vốn đầu hơn 600 tỷ đồng thuộc khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong năm nay.
Cầu Thủ Thiêm được xem là biểu tượng mới của TP HCM. Đồ hoạ: Khánh Hoàng
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận