7 năm bế tắc sau cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam
Hãng phim được biết tới với Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, đã không cho ra đời tác phẩm nào từ năm 2016 - khi cổ phần hóa.
Địa điểm từng có hơn 600 văn nghệ sĩ, cán bộ, công nhân làm việc, sản xuất hàng chục phim mỗi năm của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) tại phố Thụy Khuê (Hà Nội) hiện chỉ còn vài người bám trụ, cơ sở hạ tầng xuống cấp.
"Từ tháng 7/2018, nhiều nghệ sĩ của hãng bị Vivaso cắt lương, bảo hiểm mà không được thông báo trước, hoạt động của hãng hoàn toàn đóng băng từ đó đến nay", Đạo diễn Thanh Vân, người có 30 năm gắn bó hãng phim nói.
Chuyện gì xảy ra sau cổ phần hóa
Tình trạng khó khăn, thua lỗ tại VFS không phải chuyện mới, nhưng trở nên căng thẳng hơn kể từ khi cổ phần hóa.
Trước cổ phần hóa, hãng phim nổi tiếng với dòng phim cách mạng, nghệ thuật rơi vào vóng xoáy thua lỗ do kinh phí sản xuất phim lớn, thời gian kéo dài, trong khi nguồn lực hạn chế, chủ yếu đến từ đặt hàng của Nhà nước. Giai đoạn 2004-2014, VFS lỗ tổng cộng hơn 34 tỷ đồng từ làm phim.
Với sự tham gia của nhà đầu tư bên ngoài, được kỳ vọng sẽ vực dậy tượng đài của ngành làm phim Việt Nam. Nhưng ngay từ khi bắt đầu, quá trình này đã gặp trắc trở.
Cổ phần hóa VFS thực hiện thông qua việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Kinh doanh thua lỗ khiến thị trường không mặn mà với VFS. Khi IPO trên HNX, lượng cổ phiếu VFS bán được chỉ đạt một phần năm kỳ vọng.
Trong khi đó, việc lựa chọn cổ đông chiến lược mua 65% cổ phần - Tổng công ty vận tải thủy Vivaso - cũng gây nhiều tranh cãi. Có ngành nghề kinh doanh chính là vận tải đường sông nên việc Vivaso đầu tư vào một hãng phim thua lỗ khiến dư luận thắc mắc. Chủ tịch Vivaso Nguyễn Thuỷ Nguyên từng cho biết mình là người đam mê điện ảnh, nên mong muốn gìn giữ truyền thống, thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, cũng như mong muốn đầu tư để hãng xứng đáng với những kỳ vọng của người hâm mộ điện ảnh.
Nhưng sự xuất hiện của Vivaso tại VFS không cải thiện được tình hình. Chưa tới một năm sau cổ phần hóa, các nghệ sĩ "kêu cứu" bởi tình trạng chậm lương, trả lương thấp, không có định hướng làm phim của đơn vị mua lại hãng.
Ông Nguyên sau đó thừa nhận Vivaso là công ty đường thủy, "không có kinh nghiệm làm phim". Lãnh đạo này cho biết vẫn có kế hoạch phát triển hãng nhưng yêu cầu các nghệ sĩ phải đồng hành. Về thu nhập, ông Nguyên nêu nguyên tắc "có làm mới hưởng", đổ lỗi cho tính cách "nghệ sĩ" của nhiều nhân sự VFS.
Đối thoại không tìm được tiếng nói chung, hoạt động của VFS rơi vào trạng thái đóng băng. Năm 2019, nhiều nghệ sĩ căng băng rôn chất vấn khi bị cắt lương, cắt đóng bảo hiểm.
Mâu thuẫn giữa cán bộ, nhân viên hãng phim và chủ đầu tư ngày càng dâng cao, khiến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải cử thanh tra hòa giải. Tuy nhiên, hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung. Những năm sau đó, Vivaso không còn đối thoại với các nghệ sĩ, còn hãng phim gần như dừng hoạt động.
"Bốn năm qua, các nghệ sĩ, nhân viên của hãng không gặp gỡ, trao đổi hay liên lạc với lãnh đạo Vivaso. Lần cuối cùng họ gặp nhau là buổi họp công khai về lương, bảo hiểm hồi đầu năm 2019, có sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch", Đạo diễn Thanh Vân nói mới đây.
Hiện nhiều đạo diễn, biên kịch, quay phim đã nhận công việc bên ngoài. Đạo diễn Thanh Vân gần đây làm phim do Hội Điện ảnh Việt Nam sản xuất. Biên kịch Phương Dung bán hàng online, viết kịch bản cho một số hãng khác. Nghệ sĩ Quốc Tuấn cho biết anh may mắn vì có tên tuổi, tuổi đời làm nghề lâu nên nhận được nhiều công việc bên ngoài, còn các nghệ sĩ trẻ khác chật vật sau khi hãng cổ phần hóa. Vũ Lê Thiện - từng làm dựng phim - giờ chạy xe ôm công nghệ. Hồ Huy - từng phụ trách âm thanh - hiện mở quán bia hơi.
Tranh cãi "thoái vốn" hay "thu hồi cổ phần"
Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã yêu cầu các bộ ngành tìm giải pháp, xây dựng phương án xử lý tình trạng đổ nát, hoang tàn của trụ sở hãng Phim truyện Việt Nam.
Giải pháp lúc này, theo những người trong cuộc, là xử lý vấn đề cổ phần hóa, tức nhà đầu tư chiến lược thoái vốn. Tổng công ty Vận tải thủy - Công ty cổ phần Vivaso - cổ đông chiến lược nắm 65% vốn của VFS - cũng nhắc tới đề xuất này liên tục từ năm 2018. Tuy nhiên, khúc mắc nằm ở việc thoái vốn như thế nào.
Theo bà Phan Linh Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Vivaso không hợp tác tích cực để giải quyết tình hình. Vivaso chưa đưa ra văn bản, tính toán chi phí, tiến hành các thủ tục có liên quan, đề xuất cụ thể về số tiền muốn nhận lại để hoàn trả cho Nhà nước số cổ phần VFS.
Bộ đã xin ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về sự việc. Hai cơ quan này tham vấn rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không thể đơn phương thu hồi cổ phần đã bán cho Vivaso. "Nếu Vivaso đưa ra con số, chúng tôi sẽ có kế hoạch gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, đưa ra lộ trình thu hồi vốn", bà Chi nói.
Tuy nhiên, ở phía doanh nghiệp, Vivaso không đồng tình với phương án "thu hồi" này.
"Chúng tôi có thể tìm đối tác để thoái vốn nhưng việc này phải thực hiện theo đúng quy định", ông Nguyễn Thuỷ Nguyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vivaso, nói với VnExpress chiều 24/3.
Theo ông Nguyên, sau hơn 7 năm đầu tư vào VFS, bản thân Vivaso cũng chịu thiệt hại rất nhiều khi hoạt động của hãng đóng băng do các mâu thuẫn, khoản đầu tư hàng chục tỷ đồng không tạo ra hiệu quả. "Tôi không muốn tiếp tục đôi co vì chỉ khiến mọi việc trở nên phức tạp. Lúc này tôi chỉ muốn an yên, muốn tập trung vào kinh doanh, vực dậy doanh nghiệp", ông Nguyên nói, giải thích cho việc lâu nay không lộ diện, giải quyết tình hình.
Giữa năm 2018, Vivaso đã xin được thoái vốn trước hạn, bởi quy định nhà đầu tư chiến lược chỉ được thoái vốn sau 5 năm. Đến nay, khi đã đầu tư vào VFS hơn 7 năm, ông Nguyên nhắc lại mong muốn này và nhấn mạnh "muốn được thoái vốn theo đúng các quy định hiện hành".
Ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng phim truyện Việt Nam, Phó tổng giám đốc Vivaso - giải thích thêm, hai bên chưa có tiếng nói chung vì sau khi thực hiện kết luận thanh tra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại triển khai theo hướng "thu hồi cổ phần của nhà đầu tư". Khái niệm thoái vốn trong doanh nghiệp và thu hồi cổ phần là hoàn toàn khác nhau về bản chất.
"Phía Bộ yêu cầu Vivaso tính toán chi phí để hoàn trả tiền, nhưng chúng tôi thấy không có quy định nào của pháp luật hướng dẫn việc thoái vốn trong doanh nghiệp dựa trên cơ sở tính toán chi phí, cũng không biết tính toán thế nào", ông Thắng nói.
Theo Phó tổng giám đốc Vivaso, mong muốn duy nhất của nhà đầu tư này khi đầu tư vào Hãng Phim truyện Việt Nam là để vực dậy doanh nghiệp đã thua lỗ nhiều năm, được làm phim theo cơ chế thị trường, doanh nghiệp phát triển để từ đó đem lại lợi nhuận cho công ty và cổ tức cho các nhà đầu tư. "Nếu Nhà nước không muốn chúng tôi đầu tư thì đề nghị cho được thoái vốn theo các quy định", ông Thắng nói thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận