menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trương Thanh Hoa

7 địa phương xin giảm hơn 1.500 tỷ đồng dự toán vốn vay lại

Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ và Khánh Hoà đề nghị giảm dự án vốn vay lại từ nguồn vay nước ngoài năm 2022, gần 1.548 tỷ đồng.

Sáng 5/1, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc thừa uỷ quyền Thủ tướng, trình bày tờ trình về một số nội dung về tài chính, ngân sách Nhà nước.

Theo đó, tổng dự toán vay của các địa phương năm 2022 được Quốc hội quyết định là hơn 28.636 tỷ đồng, trong đó dự toán vay lại từ vốn vay nước ngoài là 18.482 tỷ đồng.

Đến hết tháng 8/2022, 14 địa phương đề nghị điều chỉnh dự toán vốn vay lại và một địa phương đề nghị trả nợ trước hạn. Việc này dẫn đến thay đổi mức vay, trả nợ của từng địa phương so với mức được Quốc hội đã quyết định.

Cụ thể, 7 địa phương gồm Hải Dương, Hải Phòng, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Nam Định đề nghị tăng dự toán vay lại 226 tỷ đồng.

7 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa đề nghị giảm dự toán vay lại, số tiền gần 1.548 tỷ đồng.

Bắc Kạn là địa phương duy nhất đề nghị trả nợ vay trước hạn, gần 34 tỷ đồng.

Theo giải thích của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, tổng dự toán vay lại không sử dụng hết và số đề nghị trả nợ trước hạn lớn hơn số đề nghị tăng vay lại, nên việc điều chỉnh số vay, trả nợ năm 2022 không làm tăng tổng mức vay, bội chi của ngân sách địa phương so với hạn mức Quốc hội cho phép.

Do đó, Chính phủ trình Quốc hội tăng dự toán vay lại từ nguồn nước ngoài 2022 cho 7 địa phương thêm 226 tỷ đồng. Các địa phương phải cam kết giải ngân hết số vốn được tăng để tránh lãng phí.

Tỉnh Bắc Kạn được tăng thêm 33,7 tỷ đồng dự toán chi trả nợ gốc, để địa phương này có căn cứ trả nợ trước hạn.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội chấp thuận cho 7 địa phương giảm dự toán vốn vay lại năm 2022, số tiền gần 1.548 tỷ đồng để đảm bảo kế hoạch vay lại vốn vay nước ngoài và bội chi năm 2022 không vượt mức Quốc hội đã phê duyệt.

Nêu quan điểm cơ quan thẩm tra, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nhất trí giảm gần 1.548 tỷ đồng dự toán vốn vay lại năm 2022 của 7 địa phương.

Ông Cường phân tích, điều chỉnh giảm dự toán với các địa phương không dùng hết vốn vay lại được thực hiện đồng thời mức tăng vốn ở một số tỉnh, thành nên sẽ đảm bảo tổng thể không vượt bội chi ngân sách Nhà nước, ngân sách địa phương.

Việc này cũng phản ánh chính xác tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước, địa phương và Chính phủ chủ động hơn trong điều hành.

Với các địa phương xin tăng dự toán vốn vay, Uỷ ban Tài chính ngân sách nhận thấy việc trình của Chính phủ bị chậm. "Việc điều chỉnh tại thời điểm cuối năm cần xem xét tính khả thi giải ngân vốn trong năm ngân sách, tránh điều chỉnh bổ sung nhưng không kịp thực hiện, phải hủy dự toán", Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách nêu quan điểm.

Ông đề nghị Chính phủ rà soát và chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo, bảo đảm không tăng bội chi và dư nợ của từng địa phương đúng trong hạn mức theo Luật Ngân sách Nhà nước.

Hôm nay, Chính phủ trình bổ sung hơn 14.713 tỷ đồng vào dự toán ngân sách thu viện trợ và chi thường xuyên năm 2021. Khoản này gồm viện trợ phòng chống dịch là hơn 11.360 tỷ đồng, và viện trợ khác gần 3.353 tỷ đồng.

Đây là những khoản đã được các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương nhận viện trợ và chi, nhưng chưa có trong dự toán ngân sách được Quốc hội thông qua trước đó.

Uỷ ban Tài chính ngân sách nhất trí bổ sung khoản tiền này vào dự toán chi 2021 để các bộ, ngành và địa phương có cơ sở thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước.

Tuy vậy, cơ quan này đề nghị Chính phủ rà soát, thống nhất số liệu với Kiểm toán Nhà nước và rút kinh nghiệm khi chậm phân bổ dự toán Quốc hội giao, kéo dài việc báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán thu, chi theo quy định.

Chính phủ cũng trình Quốc hội điều chỉnh hơn 2.268 tỷ đồng từ dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế để bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2022 và năm 2023 của Bộ Tài chính.

Chính phủ xin điều chuyển số vốn này sang thành khoản chi đầu tư phát triển năm 2023 của Bộ Tài chính để thực hiện 95 dự án đầu tư công của hai cơ quan trên. Thời hạn giải ngân vốn hết năm 2024,

Đồng ý với đề nghị này, nhưng Uỷ ban Tài chính ngân sách lưu ý, để bảo đảm tính khả thi giải ngân vốn với các dự án khởi công mới vào năm 2023, nên nới thời hạn giải ngân tới hết năm 2024, tức kéo dài thêm một năm so với trước đây.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại