7 cách giúp vượt qua nỗi sợ thất bại, đừng bao giờ khiến bản thân thua cuộc trên chính đường đua của mình!
Mỗi người đều muốn thành công đi cùng với những điều tốt đẹp. Thế nhưng, khi gặp rủi ro thì cũng có nhiều thứ phải băn khoăn và chẳng thể nào tránh khỏi nỗi sợ thất bại. Vậy cách nào giúp bạn vượt qua nỗi sợ thất bại?
1. Thay đổi suy nghĩ về sự thất bại
Bạn cần hiểu rằng thất bại hay không đều nằm trong suy nghĩ của bạn. Như Henry Ford có nói: “Cho dù bạn nghĩ là bạn có thể hay bạn không thể thì bạn đều đúng hết”. Điều này nghĩa là bản chất của vấn đề nằm trong chính suy nghĩ của bạn chứ không phải ai khác.
Do đó, đừng nghĩ thất bại là điểm kết thúc khiến bạn e sợ mà hãy xem đây là cơ hội để bạn tiếp tục cố gắng hơn. Nếu đã thất bại khi khởi nghiệp một lần, hãy tiếp tục những lần sau vì vô số lần thất bại trước đó không có nghĩa là bạn sẽ chẳng thể khởi nghiệp thành công.
Bạn hãy nhớ rằng thất bại là khi bạn nghĩ mình thất bại. Chỉ cần thay đổi quan niệm về thất bại, bạn sẽ có nhiều động lực hơn để vượt qua chính mình.
2. Tin vào bản thân
Xã hội hiện đại bị ám ảnh bởi suy nghĩ phải thành công nhưng bạn vẫn cần phải hiểu rằng ngay cả những người thành công nhất cũng chẳng thể tránh khỏi thất bại. Walt Disney từng bị đuổi khỏi một tờ báo vì bị cho rằng thiếu ý tưởng sáng tạo. Jack Ma cũng từng bị hơn 30 công ty từ chối vì không đủ năng lực.
Nếu bị lung lay bởi những bình luận tiêu cực từ mọi người, hẳn họ sẽ chẳng thể cho ra đời những đế chế Walt Disney hay Alibaba vững mạnh như hiện nay.
Ngay cả khi cả thế giới đã quay lưng lại với bạn, hãy luôn nghĩ đến những gì tích tốt đẹp nhất và tin vào sức mạnh trong bản thân mình.
3. Nghĩ đến những kết quả tốt đẹp
Nếu không chắc chắn mình sẽ nhận được kết quả gì khi cố gắng thì thất bại sẽ là một điều đáng lo thật sự. Hãy dành thời gian vạch ra những kết quả tốt đẹp mà mình có thể đạt được và chấp nhận thử thách để khích lệ bản thân dũng cảm hơn.
Khi cảm thấy e ngại mỗi lúc bắt đầu một thử thách mới, hãy viết ra hết tất cả những mục tiêu mà bạn sẽ đạt được nếu thành công. Hãy cân nhắc những cái được và mất để tự đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặt trong cuộc đời mình.
Bạn hãy lập danh sách những mục tiêu mình có thể đạt được trong tương lai để lấy đó làm động lực tiến về phía trước.
4. Chuẩn bị tâm lý đối diện thất bại
Sợ thất bại không có nghĩa là bạn né tránh thử thách mà phải tự nhủ bản thân chuẩn bị tốt hơn để đối diện với thất bại. Sẽ có lúc trường hợp xấu nhất xảy ra khiến bạn thật sự cảm thấy suy sụp. Nhưng thậm chí nếu điều đó đến thì cũng không có nghĩa là bầu trời đã sụp đổ trước mắt bạn và mọi thứ đã hoàn toàn chấm dứt.
Hãy nhận rõ rằng thất bại là một phần không thể thiếu của thành công và học cách chấp nhận thất bại bằng sự dũng cảm nhất. Như khi còn bé, bạn vấp ngã khi tập đi và khóc biết bao nhiêu lần thì giờ hẳn bạn đã đủ trưởng thành để tiếp tục đứng dậy và bước tiếp.
Ngay cả khi bạn đã dồn hết tâm trí đầu tư vào một kế hoạch nào đó và thất bại thì vẫn chưa kết thúc. Hãy bắt đầu ngay với một kế hoạch khác cùng những bài học quý giá từ lần thất bại trước.
5. Cần chuẩn bị sẵn một kế hoạch dự phòng
Việc xây dựng một phương án B không bao giờ là thừa và đó sẽ là cứu cánh khi bạn rơi vào bế tắc thật sự. Có câu rằng: “Hãy luôn hy vọng điều tốt đẹp nhất và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”. Việc chuẩn bị những kế hoạch dự phòng sẽ cho bạn thêm sự tự tin tiến về phía trước.
Đơn giản nhất là bạn hãy ghi chép vào sổ tay của mình những việc cần làm một cách rõ ràng, cụ thể theo từng ngày, từng tuần, từng tháng, từng năm… Sau đó, bạn có thể nghĩ thêm những kế hoạch song song có thể sớm triển khai khi kế hoạch ban đầu gặp vấn đề.
Không ai có thể dự báo trước được điều gì trong tương lai nếu nó chưa xảy đến. Do đó, hãy luôn chuẩn bị sẵn một kế hoạch dự phòng để hạn chế sự thất bại đến mức thấp nhất.
6. Luôn rút ra bài học cho bản thân
Thất bại nghĩa là bạn sẽ phải chấp nhận mất đi thứ gì đó, dù là công việc hay các mối quan hệ xung quanh thì bạn hãy luôn cố gắng rút ra bài học cho mình. Đó sẽ là lúc bạn trở nên trưởng thành và mạnh mẽ hơn sau mỗi lần vấp ngã. Hãy tự hỏi bản thân mình:
Tôi đã sai ở khâu nào?
Tôi đã học được điều gì?
Làm sao để không mắc phải sai lầm đó nữa?
Khi học được cách đánh giá rằng thất bại là cơ hội để học hỏi thêm, bạn hãy tự tin rằng mình sẽ chẳng hề mất hết tất cả. Cái bạn có được sẽ là những bài học quý giá vô cùng.
7. Tìm đến sự động viên tinh thần từ xung quanh
Nếu bạn thấy hoang mang về những kế hoạch tương lai hay mất phương hướng, hãy tìm đến sự động viên tinh thần từ những người ngoài cuộc. Bạn bè và người thân có thể đưa ra những góp ý chân thành hay đơn giản chỉ là những lời động viên để bạn có thêm sức mạnh.
Bạn cũng đừng bỏ qua chia sẻ từ những người đi trước thông qua những cuốn sách, bài đăng trên website hay các forum để học được thêm nhiều điều. Hãy lấy cảm hứng bằng cách nghe một talk show của ai đó để tìm kiếm những nét tương đồng với họ trước khi định hướng cho mình lối đi riêng.
Trên hành trình chinh phục thử thách có những lúc cô đơn, bạn hãy tìm người cùng san sẻ những khó khăn với mình. Đó sẽ là nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao giúp bạn vượt qua nỗi sợ thất bại.
Sự thật là không có nhiều người thành công nhưng điều đáng buồn hơn là bạn lại sống cả đời với nỗi sợ thất bại. Hãy chấp nhận sai lầm và thất bại để cảm thấy mình kiên cường hơn. Đến khi đã đủ mạnh mẽ, bạn sẽ vượt qua nỗi sợ của chính mình!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận