7 bài học về đầu tư mà chúng ta chưa được học
Có những bài học về đầu tư rất cơ bản như Thời gian là tiền bạc, Luôn suy nghĩ dài hạn,… mà các bạn vẫn chưa biết, thì hãy bắt đầu luôn hôm nay nhé. Chỉ mất 10 phút thôi.
Phần lớn chúng ta không được học về đầu tư, kể cả trong thời buổi hiện nay.
Hằng năm chúng ta đều tổ chức những ngày lễ để vinh danh cha mẹ, ông bà và giáo viên, những người đã dành rất nhiều công lao để chăm sóc và dạy dỗ chúng ta những kiến thức mà họ đã chắt chiu cả đời. Với ước vọng chúng ta sẽ trở nên tốt hơn, giỏi giang hơn và thành đạt hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam và cả trên thế giới cũng vậy, rất ít trẻ em được dạy về đầu tư. Trong một cuộc khảo sát mới đây với 500 phụ huynh có con vừa tốt nghiệp trung học ở nhiều vùng trên nước Mỹ, đến 72% đều tỏ ra hối tiếc vì đã không xem tài chính là một kiến thức quan trọng, cần dạy dỗ cho con như các kiến thức thường thức khác. Một cuộc khảo sát khác nhắm đến các học sinh trung học cũng chỉ ra điều tương tự, 62% trong số học sinh được khảo sát trả lời rằng, chúng chỉ được dạy cách tiết kiệm tiền, còn đầu tư là gì thì cả cha mẹ và giáo viên đều không ai nói đến.
Vậy hãy bắt đầu một cách nhẹ nhàng với 7 bài học đầu tư vỡ lòng sau đây nhé.
Bài học 1: Tiết kiệm không thể thay thế cho đầu tư được
Nếu chỉ tiết kiệm thôi thì không đảm bảo một cuộc sống sung túc được. Drew Blackston, một chuyên gia tư vấn tài chính nhận định như thế này, “Tiết kiệm và đầu tư là hai khái niệm, hai hành động khác nhau và chúng phục vụ cho hai mục đích hoàn toàn khác nhau. Tiết kiệm là để tiền ở đó, đề phòng cho những trường hợp khẩn cấp, còn đầu tư là chuẩn bị cho số tiền mà bạn sẽ cần đến trong 20 hoặc 30 năm nữa.” Sự khác biệt giữa 2 khoản này là rất rõ ràng. Trung bình giá trị món tiền sẽ mất đi khoảng 200% giá trị trong 10 năm nếu chỉ giữ chúng trong két sắt mà không tiến hành đầu tư. Blackston còn kể rằng ngay từ khi rất nhỏ, cha đã dạy anh ấy phải tiết kiệm như là tiền đề cho việc đầu tư.
Bài học 2: Thời gian cũng quý giá như tiền bạc vậy
Nếu bạn là một nhà đầu tư trẻ tuổi, chúc mừng nhé, bạn sở hữu tài sản có giá trị cao nhất, đấy chính là thời gian. “Nếu phải nói về một bài học giá trị nhất mà cha tôi, một nhân viên ngân hàng, từng dạy cho tôi, thì đó là giá trị của tiền theo thời gian và lãi suất kép.”, Ted Austin, một nhà tư vấn tài chính kể về bài học của mình. Đầu tư 5000 đô một năm từ năm 25 tuổi, và cứ giả sử lãi suất là 6% một năm như hiện giờ đi, bạn sẽ có 800.000 đô vào năm bạn 65 tuổi. Còn nếu bạn bỏ tiền vào một loại chứng chỉ tiền gửi an toàn hơn với lãi suất 2% một năm thì chí ít bạn cũng có 300.000 đô rồi.
Bài học 3: Phải thật nghiêm túc lập kế hoạch tài chính khi về già
Bạn có biết là có đến 2/3 số người được hỏi thậm chí còn chưa có kế hoạch khi về già. Họ không biết mình cần bao nhiêu tiền để chi tiêu khi không thể đi làm, những chi phí gì có thể phát sinh khi họ ngoài 60 tuổi,… Bạn cần nhận ra và lên kế hoạch càng sớm càng tốt. Hãy xác định định mức chi tiêu của mình khi nghỉ hưu, viết nó ra và lập một kế hoạch càng kỹ càng tốt, nhưng cũng phải khả thi nữa nhé. Kế hoạch sẽ tan tành mây khói nếu như bạn không thể thực hiện trong dài hạn. Hãy cố gắng dành tối thiểu 10% trong thu nhập của bạn cho kế hoạch tài chính này, tăng dần lên khi thu nhập của bạn được cải thiện.
Bài học 4: Tiền mặt chưa hẳn là vua đâu
25% người trẻ hiện nay nắm giữ tiền mặt, trong khi giới đầu tư chỉ có 19%. Nắm giữ tiền mặt có thể giúp bạn phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của thị trường, nhưng bạn cũng cần thêm các loại tài sản khác nữa. Thậm chí nhiều nhà đầu tư cũng thường đặt sai câu hỏi về vấn đề này. Họ thường hỏi các cố vấn tài chính các câu hỏi kiểu như: bây giờ có phải là thời điểm tốt để đầu tư chưa?, hay mua cổ phiếu này có ổn không? trong khi câu hỏi đúng phải là Phân bổ đầu tư thế này đã đúng chưa? Vâng, phân bổ đầu tư là khâu rất quan trọng giúp bạn giảm thiểu rủi ro cũng như tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc bỏ tiền của mình vào nhiều loại tài sản khác nhau.
Bài học 5: Các tài sản có thể khác nhau, nhưng chúng phải bổ trợ cho nhau
Danh mục đầu tư của bạn giống một chiếc xe hơi vậy. Cổ phiếu là động cơ giúp bạn tăng tốc trong khi trái phiếu là lốp xe giúp bạn ổn định khi đi qua đoạn đường gập ghềnh. Trong khi đó tiền mặt là các phụ tùng thay thế, sẽ sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp. Cả 3 thành phần này giúp chiếc xe tài chính của bạn ổn định và đi được xa hơn. Thay vì đặt tất cả lên lưng ngựa, hãy phân bổ tiền vào nhiều loại tài sản, nhiều mức độ khác nhau. Làm thế giữ cho bạn an toàn hơn trước khi nghĩ đến việc kiếm được nhiều tiền hơn. Nếu chưa rành lắm về các hình thức đầu tư, bạn có thể xem xét các quỹ tương hỗ, nơi họ sẽ giúp đầu tư tiền của bạn ra thành nhiều loại tài sản khác nhau, giúp duy trì một mức lợi nhuận chấp nhận được với tỉ lệ rủi ro rất thấp.
Bài học 6: Các loại phí là kẻ thù nguy hiểm
“Chi phí đầu tư có thể rất nhỏ và không đáng là bao, nhưng lưu ý là chúng sẽ cộng dồn và nhân lên gấp bội khi khoản đầu tư của bạn lớn dần hoặc khi lợi nhuận của bạn lớn dần.” John Bartleman – chủ tịch công ty môi giới chứng khoán TradeStation lưu ý. “Bạn không chỉ mất phí đâu, bạn có thể mất toàn bộ lợi nhuận mà tiền của bạn đã vất vả kiếm được.” Các nhà đầu tư có thể kiểm soát chi phí này bằng cách so sánh tỉ lệ giữa số tiền đầu tư và chi phí hoa hồng phải trả. Bạn luôn có thể mặc cả cho các chi phí hoa hồng hoặc môi giới này, tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý đến các chi phí ẩn nữa.
Bài học 7: Luôn nghĩ về dài hạn
Cha bạn có lẽ luôn khích lệ bạn giữ và rê bóng thật lâu khi chơi trên sân bóng, nguyên tắc khi đầu tư cũng thế. “Lợi nhuận không đến sau một đêm. Các nhà đầu tư cần phải kiên định với chiến lược của mình ngay cả trong lúc khó khăn nhất. Vì thị trường nào cũng có lúc trở nên thật tồi tệ.” Theo đuổi chiến lược mua-và-giữ từ sớm sẽ giúp bạn được trả công xứng đáng về sau. Một lời khuyên khác “Bạn tham gia đầu tư càng lâu, bạn càng cảm nhận được khi nào thị trường đi xuống.”
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận