7,7 triệu tỷ tiền gửi: 49% trong tay 3 "ông lớn" quốc doanh, một ngân hàng bị HDBank đánh "bật"
Thống kê tại gần 30 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2022 cho thấy, tổng tiền gửi khách hàng tăng trên 154 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng nhẹ 2% trong 3 tháng đầu năm.
Hơn 7,7 triệu tỷ đồng tiền gửi khách hàng: 49% nằm trong tay 3 "ông lớn" quốc doanh
BIDV vẫn tiếp tục đứng đầu trong bảng xếp hạng về tiền gửi khách hàng với gần 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,15%.
Vị trí thứ 2 và 3 là 2 "ông lớn" quốc doanh VietinBank và Vietcombank với lần lượt là 1,21 và 1,18 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng 4,37% và 3,9% so với đầu năm.
Tổng hợp báo cáo tài chính quý I/2022. (Ảnh: LT)
Như vậy, chỉ tính 3 "ông lớn" quốc doanh này, số tiền gửi khách hàng đã chiếm tới gần 49% tổng tiền gửi của gần 30 ngân hàng được thống kê, tăng nhẹ so với tỷ lệ 48,4% hồi đầu năm. Đây cũng là 3 nhà băng có lãi suất tiết kiệm ít biến động nhất trong 3 tháng đầu năm trong bối cảnh các ngân hàng tư nhân chạy đua tăng lãi suất tiết kiệm.
Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất tại Vietcombank, VietinBank và BIDV chỉ dao động 5,5%- 5,6%/năm, không đổi so với đầu năm, tức là chỉ bằng xấp xỉ 74% so với mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường hiện nay (7,6%/năm).
Suy giảm mạnh, LPB rớt khỏi TOP 10, nhường chỗ cho HDB
Trong TOP 10 ngân hàng có số dư tiền gửi khách hàng cao nhất tính tới 31/3/2022 còn có Sacombank (457.792 tỷ đồng ); MB (390.174 tỷ đồng); ACB (386.051 tỷ đồng); SHB (333.639 tỷ đồng); TCB (328.914 tỷ đồng); VPB (274.149 tỷ đồng) và HDB (201.490 tỷ đồng).
Sự xáo trộn về bảng xếp hạng 10 ngân hàng có tiền gửi khách hàng lớn nhất đến từ HDB và LPB.
Theo đó, HDB nhờ tăng trưởng gần 10% trong 3 tháng đầu năm về tiền gửi khách hàng, nhà băng này đã chiếm vị trí của LPB trong bảng xếp hạng tiền gửi khách hàng.
Tính đến cuối tháng 3/2022, số dư tiền gửi khách hàng tại LPB chỉ ở mức trên 177 nghìn tỷ đồng, "bốc hơi" gần 36% sau 3 tháng – đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong số các ngân hàng được thống kê.
Tổng hợp báo cáo tài chính quý I/2022. (Ảnh: LT)
Ngoài LPB, còn 6 ngân hàng góp mặt trong danh sách các ngân hàng có tiền gửi khách hàng sụt giảm trong quý I/2022 là NCB ( giảm 7,5%), SeABank ( giảm 3,34%), OCB (giảm 0,32%), VietABank ( giảm 0,19%), PG Bank ( giảm 2,56%) và Saigonbank ( giảm 0,54%).
Ngược lại, xét về tốc độ tăng trưởng tiền gửi khách hàng trong ba tháng đầu năm, VPBank là ngân hàng tăng nhanh nhất hệ thống với mức tăng trưởng 13,4% - đây cũng là nhà băng "chơi trội" nhất trong cuộc đua lãi suất trong những tháng đầu năm 2022 khi có thời điểm nhà băng này niêm yết lãi suất trên 12% trong tháng đầu tiên cho khách hàng gửi tiền.
Theo sau đó là HDBank (9,9%), TPBank (9,3%), Sacombank (7,1%),... là những nhà băng có tốc độ tăng trưởng tiền gửi khách hàng cao trong quý I/2022.
Báo cáo phân tích mới đây của Công ty chứng khoán SSI cho rằng, thanh khoản trên thị trường chứng khoán chậm lại và mặt bằng lãi suất huy động nhích tăng đã giúp dòng tiền cá nhân gửi vào ngân hàng có xu hướng tăng.
Trên thực tế, số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng phản ánh dòng tiền nhàn rỗi của dân cư đang quay trở về hệ thống ngân hàng.
Theo đó, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, người dân đã gửi ròng 159.000 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng, đưa tổng số tiền gửi của cư dân lên mức 5,46 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 3,01% so với cuối năm 2021. Năm 2021, tiền gửi dân cư tăng thấp kỷ lục, một phần do thị trường chứng khoán, bất động sản tăng nóng.
Việc dòng tiền quay trở lại hệ thống ngân hàng, một phần là do lãi suất huy động đang dần hấp dẫn trở lại cùng nhiều chương trình khuyến mãi, phần khác là bởi đây vẫn luôn được xem là kênh đầu tư an toàn, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, vàng, tiền điện tử... đang có nhiều biến động khó lường.
Nhận định về xu hướng lãi suất năm nay, giới phân tích từ Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo lãi suất huy động năm nay sẽ tăng 0,3-0,5 điểm %, trong khi Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo con số này có thể lên tới 1%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận