6 tháng đầu năm 2022, kinh tế TP. HCM tăng trưởng ấn tượng
6 tháng đầu năm, các chỉ số kinh tế tại TP.HCM ghi nhận đều tăng trưởng ấn tượng, một số lĩnh vực tăng vượt chỉ tiêu kế hoạch.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2022, UBND TP.HCM cho biết tính chung 6 tháng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 728.706 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,46%).
Như vậy, từ mức giảm sâu ở quý III và IV năm 2021 lần lượt là -24,97% và -11,64%, trong 6 tháng đầu năm, GRDP của Thành phố đã tăng 3,82%, quý II năm 2022 ước tăng 5,73%, phục hồi tăng trưởng theo hình chữ V và đến nay đã ổn định.
Trong mức tăng trưởng chung 3,82% này của kinh tế TP.HCM thì khu vực thương mại dịch vụ đóng góp nhiều nhất 3,02 điểm phần trăm đồng thời có mức tăng trưởng 4,83% trong bối cảnh các hoạt động dịch vụ vừa bắt đầu hồi phục sau khi chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Kế đến là khu vực công nghiệp – xây dựng đóng góp 0,52 điểm phần trăm với mức tăng trưởng 2,23%; trong đó công nghiệp đóng góp 0,78 điểm phần trăm trong khi xây dựng kéo giảm 0,26 điểm phần trăm do có mức tăng trưởng -6,41%.
Khu vực nông nghiệp đóng góp thấp nhất 0,01 điểm phần trăm và tăng 1,77%.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 (xét theo giá hiện hành) thì khu vực nông lâm thuỷ sản chiếm tỷ trọng 0,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,0%; khu vực thương mại dịch vụ chiếm 64,0%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13,5%.
Đáng chú ý, chỉ tính riêng đóng góp của 9 ngành dịch vụ trọng yếu trong GRDP 6 tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm của 9 ngành dịch vụ chiếm 58,8% trong GRDP và chiếm 91,8% trong khu vực dịch vụ.
Trong đó, 4 ngành chiếm tỷ trọng cao trong GRDP lần lượt là thương nghiệp 16,9%; vận tải kho bãi 9,8%; tài chính ngân hàng 8,9%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ 5,6%. Bốn ngành này chiếm 64,3% nội bộ khu vực dịch vụ.
Đặc biệt, Cục Thống kê Thành phố ghi nhận, sau thời gian chống dịch, các mô hình kinh doanh trực tuyến, đặt hàng qua mạng, dịch vụ giao nhận, dịch vụ internet, viễn thông hồi phục trở lại. Có 5/9 ngành dịch vụ có mức tăng trưởng trên 6,0% so với cùng kỳ.
Cụ thể, ngành vận tải, kho bãi, tăng 7,51% so với cùng kỳ, chiếm 9,8% trong tổng GRDP và 15,3% trong khu vực dịch vụ; ngành thông tin truyền thông, tăng 8,18% so cùng kỳ, chiếm 5,0% trong tổng GRDP và 7,8% trong khu vực dịch vụ; ngành tài chính, ngân hàng, tăng 9,91% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 8,9% trong tổng GRDP và 13,9% trong khu vực dịch vụ.
Ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ tăng 6,46% so cùng kỳ, chiếm 5,6% trong tổng GRDP và 8,7% trong khu vực dịch vụ; ngành y tế tăng 6,85% so cùng kỳ, chiếm 3,6% trong tổng GRDP và 5,7% trong khu vực dịch vụ.
Có 3 ngành có mức tăng trưởng dưới 6,0% là bán buôn, bán lẻ tăng 3,1%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 2,08%; giáo dục và đào tạo tăng 4,99% so cùng kỳ. Riêng ngành hoạt động kinh doanh bất động sản giảm 5,82% so với cùng kỳ.
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Cục Thống kê TP.HCM cho biết, so với tháng trước, CPI tháng 6/2022 tăng 0,91%. Trong đó có 2/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là dịch vụ bưu chính viễn thông và dịch vụ văn hóa, giải trí và du lịch; có 9/11 các nhóm tăng so với tháng trước, tăng cao nhất là nhóm giao thông với mức tăng 3,89%.
CPI tháng 6 tăng 3,26% so với tháng 12 năm 2021 và bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,04% so với cùng kỳ.
Lý giải nhóm giao thông có chỉ số giá tăng cao nhất 3,89%, Cục Thống kê Thành phố cho rằng chủ yếu do nhóm nhiên liệu tăng 7,18% và trong tháng 6/2022 có ba lần điều chỉnh giá bán xăng, dầu (vào các ngày 01/6/2022, ngày 13/6/2022 và ngày 21/6/2022).
Hai chỉ số ghi nhận sự quan tâm nhiều nhất của giới kinh doanh, đầu tư là giá vàng và giá đô la Mỹ. Cụ thể, chỉ số giá vàng tháng 6 năm 2022 giảm 1,10% so với tháng trước; tăng 13,45% so tháng 12 năm 2021 và tăng 21,45% so với cùng kỳ; bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 18,68% so cùng kỳ.
Cùng ghi nhận giảm với giá vàng là chỉ số giá đô la Mỹ. Chỉ số này trong tháng 6/2022 giảm 0,25% so với tháng trước; giảm 0,38% so với tháng 12 năm 2021 và giảm 0,2% so với cùng kỳ. Tính bình quân 6 tháng đầu năm 2022 giảm 0,18% so với cùng kỳ.
Trong lĩnh vực đầu tư, tổng vốn đầu tư trên địa bàn TP.HCM 6 tháng đầu năm 2022 ước thực hiện 140.275 tỷ đồng, tăng 8,0% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn ngân sách địa phương ước thực hiện 10.987 tỷ đồng, bằng 34,4% kế hoạch năm và giảm 3,3% so với cùng kỳ; vốn ngoài nhà nước ước thực hiện 103.234 tỷ đồng, tăng 10,2%; vốn nước ngoài ước thực hiện 17.107 tỷ, tăng 5,8%.
Trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 6/2022 ước tính tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 11,5% so cùng kỳ 2021.
IIP này bao gồm: Công nghiệp khai khoáng tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 25,8% so cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,2% so với tháng trước và tăng 11,4% so cùng kỳ; sản xuất và phân phối điện tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 3,3% so với cùng kỳ; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 16,3% so với cùng kỳ.
Tính lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số IIP trên địa bàn TP.HCM tăng 3,1% so với cùng kỳ. Bao gồm: Khai khoáng tăng 68,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,0%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 4,6%.
Nhìn chung, theo đánh giá của Cục Thống kê TP.HCM, sau dịch Covid-19 tình hình đầu tư các dự án, công trình của khu vực doanh nghiệp có dấu hiệu khả quan, dù mức tăng còn khiêm tốn, khu vực đầu tư vốn từ ngân sách gặp nhiều khó khăn do thủ tục hành chính, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng và việc giá cả vật liệu xây dựng tăng dẫn đến phải điều chỉnh dự toán thực hiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận