6 tháng cuối năm thị trường BĐS Việt Nam sẽ có diễn biến thế nào
Theo các chuyên gia, nhìn chung, thị trường BĐS Việt Nam trong 6 tháng cuối năm sẽ có một số tín hiệu tích cực từ BĐS công nghiệp, nhà ở, đất nền.
Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường BĐS Việt Nam lao dốc trong suốt 6 tháng đầu năm 2020. Hầu hết, các phân khúc đều “thấm đòn”, thanh khoản chậm.
Trong đó, BĐS du lịch nghỉ dưỡng và mảng bán lẻ là 2 phân khúc bị thiệt hại nặng nhất. Số liệu từ các công ty nghiên cứu BĐS như CBRE, JLL, DKRA đã chỉ ra, sức cầu của BĐS du lịch, nghỉ dưỡng trong quý 2/2020 chỉ bằng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đưa ra dự báo trong 6 tháng còn lại, ông Phạm Hoàng, Giám đốc khối R&B DKRA Việt Nam cho rằng, đối với phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng trong vài tháng tiếp theo sẽ tăng trưởng dương nhờ vào số lượng du khách nội địa đang tăng nhanh.
Tuy nhiên, do Chính phủ Việt Nam đang hạn chế nhập cảnh với du khách quốc tế, đồng thời, mức độ chi tiêu của khách nội địa kém hơn so với du khách quốc tế, nên các chỉ số về cầu, tỷ lệ hấp thụ dự án, doanh thu của phân khúc BĐS du lịch, nghỉ dưỡng vẫn còn một chặng đường dài để đuổi kịp năm 2019.
Đối với phân khúc nhà ở, đất nền và chung cư bình dân dưới 2 tỷ đồng vẫn sẽ là tiêu điểm của thị trường BĐS Việt Nam trong 6 tháng cuối năm, nhờ lực cầu vẫn còn mạnh. Tuy nhiên, quy mô tăng trưởng vẫn giữ ở mức vừa phải và không tạo ra sự đột biến.
Giới chuyên gia BĐS cho rằng, hiện tại, thị trường vẫn còn tồn tại một số hạn chế từ năm 2019 như tỷ lệ cấp phép dự án mới, hoặc công tác thanh kiểm tra dự án, khiến cho nguồn cung sản phẩm vẫn chưa nhiều. Điều này khiến cho quá trình mua - bán diễn ra khá cầm chừng, chưa thực sự bứt phá.
Cuối cùng là BĐS công nghiệp, được coi là “con cưng” của thị trường trong năm 2020. Bên cạnh một số Hiệp định thương mại mới được ký kết, thì BĐS công nghiệp còn được lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra từ năm 2019.
Ngay từ đầu năm 2020, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã chuyển nhà máy từ Trung Quốc tới Việt Nam. Trong quý 1/2020, tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đạt 72%, giá đất khu công nghiệp cũng đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đặc biệt, mảng nhà xưởng xây sẵn - một lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn giữ giá quanh mức khoảng 4 - 5 USD/m2/tháng và tỷ lệ lấp đầy đạt 100%.
Dự kiến đến hết năm 2020, tổng nguồn cung nhà xưởng và kho xây sẵn tại các khu vực miền Bắc sẽ đạt gần 2,0 triệu m2 sàn cho thuê (tăng 25,3% so với năm trước).
Tại miền Nam, tổng diện tích nhà xưởng xây sẵn sẽ đạt gần 2,7 triệu m2 (tăng 28,2% so với năm trước). Sau khi đại dịch được kiềm chế, giá chào thuê trung bình của nhà kho xây sẵn dự kiến sẽ tăng từ 4% đến 11% so với cùng kỳ.
Trước đó, để kích thích thị trường BĐS hồi phục nhanh sau đại dịch, Chính phủ cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đã có nhiều chính sách hỗ trợ chủ đầu tư dự án BĐS.
Nổi bật nhất là Nghị quyết 84 về việc giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19;...
Ngoài ra, một số chính sách hấp dẫn khác có thể ảnh hưởng tới thị trường BĐS trong thời gian tới như Nghị định 96 về khung giá đất mới; Nghị định 91 thúc đẩy quá trình làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất nhanh hơn;...
Đánh giá tổng quan về thị trường BĐS trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng: “Nhìn chung, từ nay cho tới cuối năm 2020, thị trường vẫn sẽ tăng trưởng tăng dần về cả lực cung, lực cầu với tốc độ vừa phải, chưa tạo ra sự đột phá.
Và để đánh giá thị trường bao giờ hồi phục trở lại trước thời điểm năm 2020, trước mắt phải xem xét diễn biến dịch bệnh trên thế giới bao giờ kết thúc. Từ đó mới có thể đưa ra nhận định chính xác về thời điểm hồi phục”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận