6 tháng biến động của thị trường chứng khoán thế giới
Các nhà đầu tư hiện có rất ít thời gian để “nghỉ ngơi”, trong bối cảnh thị trường đã trải qua biến động suốt vài tháng qua và nguy cơ Mỹ rơi vào suy thoái.
Nửa đầu năm 2022 đã chứng kiến sự biến động trên thị trường tài chính toàn cầu, cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ đều bị ảnh hướng bởi các ngân hàng trung ương thay đổi chính sách cũng như căng thẳng địa chính trị tại gia tăng tại một số khu vực.
Kết thúc hôm 30/6, chỉ số Dow Jones giảm 0,8 % xuống 30.775, chỉ số S&P 500 giảm 0,9 % xuống 3.785 và Nasdaq Composite mất 1,3 % xuống 11.029. Cả 3 chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều kết thúc tháng 6 và quý II năm nay ở mức tiêu cực.
Chỉ số S&P 500 (.SPX) đã khép lại 6 tháng đầu năm 2022 với mức lỗ 20,6% tương đương giảm khoảng 8,5 nghìn tỷ USD giá trị thị trường, là mức giảm trong nửa đầu năm mạnh nhất của chỉ số này kể từ năm 1970.
Thị trường trái phiếu hoạt động tốt hơn một chút, với chỉ số Kho bạc ICE BofA (.MERG0Q0) giảm khoảng 10% kể từ đầu năm nay cho đến nay, đánh dấu mức giảm tồi tệ nhất trong lịch sử của chỉ số kể từ năm 1997.
Cổ phiếu và trái phiếu sụt giảm, thị trường biến động chóng mặt và kế hoạch nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) nhằm kiềm chế lạm phát hiện ở mức cao nhất trong vòng hơn 40 năm là những điểm nổi bật của thị trường Mỹ trong nửa đầu năm 2022.
Ông Paul Kim, giám đốc điều hành tại Simplify ETFs, nhận định: “Trong năm nay đã chứng kiến một cuộc chiến giằng co giữa lạm phát và tăng trưởng chậm, cân bằng các điều kiện tài chính thắt chặt để ứng phó với lạm phát nhưng cũng cố gắng tránh gây ra hoảng loạn”.
Theo hãng tin Reuters, các nhà đầu tư hiện có rất ít thời gian để “nghỉ ngơi” trong bối cảnh thị trường đã trải qua biến động trong suốt vài tháng qua và cuộc chiến chống lạm phát của FED có khả năng đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.
Lạm phát tăng vọt buộc FED phải nhanh chóng nâng lãi suất trong nửa đầu năm 2022, đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời kỳ đại dịch. Theo dữ liệu từ Tradingviews, với mức kết thúc tháng của 6 đạt 3.785, chỉ số S&P đã tăng hơn gấp đôi so với mức thấp nhất vào tháng 3/2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
Hãng tin Reuters ghi nhận ít nhà đầu tư cho rằng những biến động trên thị trường sẽ được xoa dịu cho đến lạm phát có dấu hiệu “hạ nhiệt” và FED giảm bớt hoặc tạm dừng việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Những cảnh báo về một cuộc suy thoái tại Mỹ có thể xảy ra hiện lan rộng trên Phố Wall, tác động của việc nâng lãi suất đang ngấm dần vào nền kinh tế.
Chứng khoán châu Âu cũng ghi nhận quý tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát mạnh vào đầu năm 2020. Kết thúc ngày 30/6, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm gần 2% xuống còn 7.169, chỉ số DAX của Đức giảm 1,7% xuống 12.784 và chỉ số CAC 40 của Paris giảm 1,5% xuống còn 5923.
Thị trường Australia kết thúc ngày cuối cùng của tháng 6 trong sắc đó với chỉ số ASX 200 giảm gần 2% xuống còn 6571, ghi nhận tháng tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bùng phát mạnh vào tháng 3/2020. Nhưng thị trường đã tăng nhẹ vào ngày hôm nay, với chỉ số ASX 200 tăng 0,55% lên 6607 vào lúc 11 giờ 20 phút sáng theo giờ Canberra, Australia (8 giờ 20 phút sáng theo giờ Hà Nội)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận