6 điều phải có trước khi muốn đầu tư
Công việc giao dịch sẽ đơn giản hơn nếu bạn có thể không đem những rắc rối tài chính sinh hoạt đời thường vào. Một khi các kỳ vọng lợi nhuận mang thêm kỳ vọng mục tiêu cuộc sống là chính bạn đã đặt thêm gạch lên trên lưng của chính mình. Điều đó tạo nên áp lực phải thắng, phải có lợi nhuận và đó chính là một nguyên nhân dẫn đến bạn sẽ mắc sai lầm trong quá trình giao dịch.
Tình huống khẩn cấp trong cuộc sống là một điều không ai tránh khỏi. Hãy giải quyết tốt những vấn đề tài chính cá nhân, hãy hoàn thành quỹ dự phòng khẩn cấp của bạn trước và dùng dòng tiền nhàn rỗi cho công việc kinh doanh. Bước đầu tiên trong việc xây dựng hệ thống đầu tư an toàn của mình là hãy cố gắng trở thành nhà đầu tư có trách nhiệm với đời sống tài chính cá nhân.
Theo ý kiến cá nhân của mình, để đầu tư an toàn, thoát được các Bẫy tâm lý trong giao dịch thì nên có đủ 6 điều kiện cốt lỗi sau:
1. Thiết lập Quỹ dự phòng khẩn cấp (từ 6 – 12 tháng)
Trước khi tiến hành đầu tư, điều tối thiểu bạn cần phải có chính là đã hoàn thành xong Quỹ dự phòng khẩn cấp từ 6 -12 tháng. Lý do là gì?
Bạn sẽ làm gì nếu như có những sự cố bất ngờ xảy ra như xe cộ hư, tai nạn hay mất việc đột ngột. Dịch covid thời gian qua sẽ cho bạn một trải nghiệm sâu sắc về việc có một Quỹ dự phòng khẩn cấp cho gia đình và người thân.
Huống gì, đây là hoạt động đầu tư, và đã là đầu tư sẽ có lợi nhuận có thua lỗ. Cũng có những lúc các lệnh giao dịch đang treo lơ lửng chưa biết lời hay lỗ.
Nếu cuộc sống bạn xảy ra bất trắc, liệu, bạn có phải cắt lỗ để bù những chi phí phát sinh khẩn cấp đó?
Nếu bạn lấy mất một khoản nào cho những lệnh giao dịch khiến các kết quả đầu tư không tốt, mục tiêu lợi nhuận không theo kế hoạch bạn sẽ có nguy cơ mất luôn cả mục tiêu đã thiết lập.
Một khía cạnh cũng rất quan trọng, bạn sẽ tạo thêm áp lực kinh doanh. Thay vì tập trung giao dịch, quản lý xác suất thắng/ thua theo kế hoạch thì bạn phải gồng mình giao dịch, điều này ảnh hưởng rất xấu đến tâm lý giao dịch của bạn. .
2. Đã có bảo hiểm sức khoẻ
Bảo hiểm sức khoẻ có thể là bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm sức khoẻ tư nhân. Nhưng hãy đảm bảo chúng có thể giúp ích cho bạn về mặt chi phí lớn khi sức khoẻ có vấn đề như thương tật hay bệnh nặng.
Việc đóng góp một khoản phí nhỏ đều đặn hằng tháng, hằng năm nhưng giúp bảo vệ sức khoẻ của bạn là điều cấp thiết. Trong bất kỳ một tình huống xấu nào xảy ra cho tình trạng sức khoẻ của bạn và những người thân yêu, thì bảo hiểm sức khoẻ là cứu cánh để bạn không bị ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống tài chính của mình.
3. Ưu tiên Ví phát triển bản thân tạo thu nhập
Bạn có nhớ mình đã từng viết 1 bài: “Làm thế nào để sở hữu 1 công thức kiếm tiền không”? Đó chính là phải thật thật giỏi 1 chuyên môn nhất định. Muốn vậy, bạn cần đầu tư vào bản thân một cách có kế hoạch đúng đắn nhiều hơn nữa.
Thế nên, chi phí cho các việc bắt tay thực hiện dự án, mua sách, tham gia các khoá học, tham dự các buổi triễn lãm hay buổi chia sẻ,… nên là một quỹ riêng để bạn nghiêm túc với việc học tập của mình. Đây cũng có thể là “quỹ của đam mê” khi bạn đầu tư tiền cho việc học hỏi các kiến thức, rèn luyện các kỹ năng và mở rộng thêm các mối quan hệ tốt đẹp. Mục đích chính là để phát triển năng lực làm việc cũng như sự nghiệp của mình.
4. Kiểm soát nợ hoặc trả hết nợ
Lưu ý quan trọng nhất khi lập kế hoạch cho các Ví tài chính đó là kiểm soát tốt các món nợ. Nợ có thể phá vỡ tài chính của bạn. Nếu có các khoản nợ, hãy tìm cách trả dứt điểm hoặc lên kế hoạch thanh toán rõ ràng và nhanh chóng. Nợ sẽ phát sinh lãi và nó sẽ làm bạn mất nhiều tiền hơn nữa nếu như không kiểm soát tốt. Hãy phân biệt giữa nợ tốt (giúp bạn có nguồn tiền để làm việc gì đó) và nợ xấu (làm bạn mất thêm tiền nhưng không có lợi ích gì) trước khi bạn ngập chìm nhiều hơn trong nợ. Với thu nhập của mình, bạn phải đóng góp liên tục vào các Ví tài chính quan trọng và trả dần nợ nếu có.
5. Hoàn thành tiến độ Quỹ hưu trí định kỳ
Hưu trí có thể nói là kế hoạch tài chính quan trọng nhất nhì mà mỗi người nên sớm thiết lập. Hãy tính toán con số bạn cần và bạn sẽ biết là mình không nên dựa vào bảo hiểm xã hội nữa. Quỹ hưu trí là điểm tựa cho bạn trong suốt giai đoạn nghỉ hưu mà bạn mong muốn.
Điều đó có nghĩa là, bạn có thể nghỉ hưu sớm ở độ tuổi trẻ hơn chứ không phải là ở tuổi mất sức lao động nữa. Tự do tài chính và nghỉ hưu sớm đang được rất nhiều người theo đuổi. Hãy nghiêm túc lên cho mình kế hoạch hưu trí để bạn có cuộc sống về sau được an nhàn hoặc sớm kết thúc chuỗi ngày làm thuê nhưng vẫn có đủ tiền để sống đến suốt đời.
6. Thiết lập và phân bổ theo tiến độ của các Ví mục tiêu tài chính khác
Quỹ mua nhà/xe, quỹ đầu tư/kinh doanh, quỹ phát triển bản thân, quỹ kết hôn/gia đình, quỹ tâm linh, quỹ từ thiện,… là những quỹ tài chính cơ bản mà mỗi người cần thiết lập. Và phải có một hoặc một vài nguồn thu nhập tốt để đóng góp cho chúng chứ không chỉ là tiền đầu tư. Việc chỉ quan tâm đến đầu tư mà không chăm sóc tốt các ví mục tiêu khác sẽ làm mất cân bằng trong thu chi và dòng tiền không phát triển về lâu dài. Mỗi người cần sớm thiêt lập và phân bổ tiến độ thực hiện của các Ví mục tiêu này và có thể cùng lúc càng tốt. Và hãy đảm bảo các Ví được đóng góp thường xuyên để cân bằng cán cân tài chính.
Đó là 6 điều kiện quan trọng mà mỗi người cần phải có trước khi tiến hành đầu tư. Bạn không nên bỏ tiền ra đầu tư trong vẫn còn những món nợ phải trả hay chưa lập các quỹ an toàn trên để bảo vệ cuộc sống của bạn.Nên nhớ rằng, đầu tư là việc có yếu tố thắng thua và cần tiến hành trong dài lâu. Bạn không nên hy vọng vào lợi nhuận lớn trong ngắn hạn. Tìm kiếm sự giàu có không chỉ là đầu tư mà là xây dựng được các mục tiêu tài chính an toàn, tạo đà cho tiền bạc phát triển hơn.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận