'5 trên 10 người không đi ôto riêng vào nội đô nữa là thành công'
Chỉ cần 5/10 người không sử dụng ôtô riêng vào nội đô sẽ mang lại thay đổi rất lớn cho bộ mặt đô thị.
"Thu phí ôtô và hạn chế phương tiện cá nhân vào nội đô để giảm tải và chống ùn tắc trong các thành phố lớn là một giải pháp hợp lý. Nhiều nước đã áp dụng cách này từ rất lâu và đạt được những thành công nhất định. Tất nhiên, đi kèm với việc thu phí là phải xây dựng hệ thống phương tiện công cộng đồng bộ, thuận lợi cho người dân đi lại. Có như vậy mới đạt được yêu cầu giảm ùn tắc giao thông và phát triển kinh tế - xã hội. Nếu hệ thống giao thông công cộng chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, thuận tiện thì sẽ lợi bất cập hại, các thành phố lớn sẽ không thể phát triển được".
Đó là quan điểm của độc giả Hoangtam xung quanh đề xuất luật hóa thu phí ôtô vào nội đô trong khung thời gian nhất định. Việc làm này được kỳ vọng sẽ hạn chế sự phát triển quá mức của phương tiện giao thông cá nhân, góp phần giảm ùn tắc tại các đô thị. Bên cạnh đó, áp dụng thu phí xe ôtô vào nội đô sẽ bổ sung nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tăng nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống giao thông công cộng trong các đô thị.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Ainguyen ủng hộ thu phí ôtô vào một số khu vực đô thị: "Thu phí ôtô vào nội đô và cấm đỗ xe dưới lòng đường sẽ giúp các đô thị vừa thông thoáng, địa phương vừa có ngân sách để đầu tư giao thông công cộng. Tất nhiên, sẽ có người biện minh rằng 'nếu cần vào nội đô để làm việc với đối tác thì người ta vẫn sẽ sẵn sàng bỏ tiền đóng phí để đi'. Điều đó đúng, nhưng trong 10 người chỉ cần 5 người không đi thì cũng đã thành công và mang lại thay đổi rất lớn cho bộ mặt đô thị rồi".
Trong khi đó, phản biện lại ý kiến trên, độc giả Hà Khang phân tích: "Thu phí ôtô vào nội đô chỉ giải quyết được phần ngọn. Vì công việc bắt buộc phải vào nội đô thì người dân vẫn sẽ đóng phí để đi vào và tắc vẫn hoàn tắc. Theo tôi, cần giải quyết vấn đề từ tận gốc rễ, đó là quy hoạch dân cư, quy hoạch đô thị, nâng cao năng lực về hạ tầng giao thông. Đơn cử như trục đường Lê Văn Lương hiện nay quá tải chỉ vì phá vỡ quy hoạch".
"Luật phí và lệ phí đã quy định rõ, phí là tiền trả cho dịch vụ. Vậy cần làm rõ phí này người dân phải trả để được cung cấp dịch vụ gì? Ví dụ, trả phí để được đi đường thông thoáng chẳng hạn. Nếu không cung cấp dịch vụ gì thì nó phải là một loại thuế gì đó, chứ không phải phí", bạn đọc Chinh thắc mắc.
Ủng hộ chủ trương thu phí ôtô vào nội đô, tuy nhiên, độc giả Hungthanh cho rằng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng: "Thu phí ôtô vào nội đô nhưng cần chọn thời điểm thích hợp, tránh nóng vội dẫn tới những hệ lụy không đáng có. Cụ thể:
1. Hệ thống giao thông công cộng (xe buýt, tàu điện ngầm, đường sắt trên cao...) phải đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân và kết nối liền mạch, đảm bảo tiện ích cho người dân khi sử dụng.
2. Quy hoạch tổng thể của thành phố phải hợp lý, khoa học, chuyển các cơ quan, đại học ra ngoại thành, hạn chế nhà cao tầng, ngăn bùng phát dân cư vùng lõi đô thị...
Tóm lại, vấn đề này không thể thí điểm khi chưa có sự chuẩn bị kỹ càng về nhiều phương diện, vì nó liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là dân sinh".
Đề án thu phí vào nội đô ở các thành phố lớn từng nhiều lần được đề xuất, bàn thảo. Năm 2017, HĐND TP Hà Nội ban hành Nghị quyết thông qua đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030", trong đó có giải pháp thu phí vào nội đô.
Tháng 4/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48 về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giai đoạn 2022-2025, giao một số thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP HCM nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án thu phí nội đô. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận