5 nhóm ngành là ‘điểm sáng’ của thị trường chứng khoán cuối năm 2024
Theo Công ty Chứng khoán Quốc Tế Việt Nam (VIS), một số nhóm ngành dự báo có lợi nhuận tăng trưởng tốt trong năm nay bao gồm nhóm ngân hàng, bán lẻ, hóa chất, trong khi một số nhóm ngành khác cũng kỳ vọng có sự hồi phục lợi nhuận như hàng không.
1. Ngân hàng – cổ phiếu định giá hấp dẫn
Sự phục hồi của nền kinh tế từ giữa năm 2024 đã hỗ trợ ngành ngân hàng tăng trưởng tốt hơn so với năm 2023. Dự báo nhu cầu tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 khi mặt bằng lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp, giúp thúc đẩy nhu cầu vay và nền kinh tế hồi phục. Tốc độ tăng trưởng tín dụng có thể đạt mức 12-14% vào cuối năm 2024.
Lãi suất huy động có dấu hiệu tăng nhẹ ở các ngân hàng thương mại, nhưng không quá lớn và biên lãi ròng (NIM) sẽ có độ trễ từ 3-6 tháng. Do đó, dự báo NIM có thể giảm nhẹ vào quý IV/2024. Các ngân hàng niêm yết tiếp tục phân hóa theo lợi nhuận, với một số ngân hàng có dự báo tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 10-15% trong năm 2024.
Năm nay, ngân hàng sẽ trở lại với câu chuyện tăng vốn và có thể thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Mức P/B bình quân của ngành ngân hàng ở thời điểm hiện tại là 1,54 lần, PE là 9,7, tốt dần lên so với đáy vào quý III/2023 ở mức 1,2 lần và vẫn còn cách xa so với đỉnh điểm trên 2 lần trong năm 2021. Do định giá ngân hàng vẫn đang ở mức thấp nên sẽ hạn chế được rủi ro giảm giá sâu ở nhóm ngành này. Các cổ phiếu ngân hàng được đánh giá tiềm năng theo nhận định của VIS bao gồm: BID, CTG, MBB, LPB, TCB, OCB, ACB.
2. Bán lẻ – sức khỏe tài chính cải thiện
Lợi nhuận của các doanh nghiệp bán lẻ đã bắt đầu tăng trưởng trở lại từ nửa cuối năm 2023. Với mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp và nhu cầu tiêu dùng tăng lên trở lại, doanh số của các nhà bán lẻ được dự báo sẽ tăng mạnh. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như giảm thuế giá trị gia tăng sẽ hỗ trợ nền kinh tế và ngành bán lẻ nói riêng cải thiện sức cầu tiêu dùng.
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đã tăng mạnh lên 54,7 điểm trong tháng 6/2024, so với mức 50,3 điểm của tháng 5. Kết quả này không chỉ cho thấy sức khỏe ngành sản xuất cải thiện trong tháng thứ ba liên tiếp mà còn cho thấy các điều kiện kinh doanh đã mạnh lên đáng kể.
Một số doanh nghiệp bán lẻ trên sàn đang có những lối đi riêng mạnh mẽ và tập trung vào các thế mạnh cốt lõi để thúc đẩy tăng trưởng, như PNJ với trang sức nữ trang, được hưởng lợi từ giá vàng trong nước tăng hơn 50% so với năm ngoái; FRT với mảng dược phẩm và vaccine; MWG có lợi nhuận tăng mạnh trở lại trong hai quý gần nhất. Các chuỗi bán lẻ của các doanh nghiệp này đang chiếm thị phần ngày càng lớn so với các đơn vị cùng ngành và dự báo có nhiều đột phá trong năm 2024.
3. Hóa chất – dư địa rộng lớn
Triển vọng từ thị trường xe điện trong các năm gần đây trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhu cầu sản xuất pin xe điện và phát triển hạ tầng sạc điện đang tăng cao. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo ngành xe điện sẽ tăng trưởng ở mức hai con số cho tới năm 2035. Đây là ngành có mối tương quan chặt chẽ với ngành hóa chất và công nghệ.
Nhu cầu chất tẩy rửa công nghiệp và gia dụng, cùng với nhu cầu thị trường xút nội địa, vẫn rất lớn. Các công ty hóa chất trong nước vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu này, do đó ngành hóa chất vẫn còn dư địa phát triển lớn trong 5 năm tới. Các cổ phiếu ngành hóa chất có tiềm năng bao gồm: DGC, CSV, DCM, DPM.
4. Dệt may – lợi nhuận tăng trưởng hai con số
Việt Nam hiện nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, đã xuất khẩu 36 mặt hàng dệt may sang 104 thị trường. Trong đó, Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp theo là EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận đơn hàng gia tăng trở lại. Chẳng hạn, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) có doanh thu lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 74,38 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 47% kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm 2024 đạt 5,84 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 85% kế hoạch năm 2024.
Một số doanh nghiệp như Dệt may TNG, May Sông Hồng (MSH) cũng có lợi nhuận tăng trưởng 10-20% trong 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ. Dự báo xuất khẩu dệt may năm nay của Việt Nam có thể đạt trên 44 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước. Các doanh nghiệp trong ngành dự báo sẽ hồi phục dần và tăng trưởng tốt hơn từ năm nay trở đi.
5. Hàng không – hồi phục gần như 100%
Ngành hàng không Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi lợi nhuận tốt trong năm 2024 vì các lý do sau: Ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi rất mạnh mẽ kể từ sau đại dịch COVID-19. Hiện nay, du lịch Việt Nam gần như đã phục hồi 100% so với bối cảnh trước dịch.
Sự hồi phục của ngành du lịch kéo theo sự hồi phục đáng kể của ngành hàng không trong nước và quốc tế. Giá vé máy bay tăng cao. Dữ liệu từ Skyscanner Travel Insight cho thấy giá vé máy bay trung bình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tháng 2/2024 tăng đến 33% so với cùng kỳ năm 2019. Con số này cao hơn mức tăng ở Bắc Mỹ (17%) và châu Âu (12%). Dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3 - 7% trong năm 2024 và tiếp tục tăng trong các năm tới. Trong khi đó, giá vé máy bay nội địa Việt Nam cũng tăng từ 15-30% tùy hãng và tùy chuyến bay. Lợi nhuận quý I/2024 của HVN đã bắt đầu dương trở lại sau chuỗi ngày dài âm từ năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận