5 nhóm dự án trọng điểm ở TP HCM chậm trễ kéo dài
Vướng mặt bằng, thiếu vốn, thay đổi thủ tục, Covid-19 kéo dài khiến 5 nhóm dự án giao thông trọng điểm ở TP HCM dở dang nhiều năm, ảnh hưởng người dân, doanh nghiệp.
Vị trí các nhóm dự án trọng điểm ở TP HCM bị đình trễ. Đồ hoạ: Khánh Hoàng
Nằm cách trung tâm TP HCM 8 km, giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, quận Tân Bình, trở lại sự ngột ngạt thường thấy sau hai năm tác động Covid-19. Đây là một trong những nơi tình hình giao thông phức tạp ở thành phố nhiều năm qua. Ngoài sân bay lớn nhất nước đón bình quân hơn 30 triệu khách mỗi năm, nơi này còn là cửa ngõ kết nối khu trung tâm với các quận Tân Bình, Tân Phú, 12, Gò Vấp... Mỗi ngày, xe luôn dày đặc ở các đường Trường Chinh, Cộng Hoà, Trường Sơn, Nguyễn Thái Sơn...
Xe chạy trên đường Trần Quốc Hoàn, đoạn qua vòng xoay Lăng Cha Cả - cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Gia Minh
Trước yêu cầu cấp bách giải quyết ùn tắc cho khu vực, năm 2016 TP HCM lên kế hoạch triển khai loạt dự án quanh Tân Sơn Nhất. Sau ba năm, các cầu vượt thép trên đường Trường Sơn trước cổng sân bay, nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, cùng mở rộng đường Hoàng Minh Giám hoàn thành, giúp giảm kẹt xe. Tuy nhiên, áp lực giao thông tại đây vẫn nặng nề khi việc triển khai nhiều dự án quan trọng khác chậm trễ.
Ngoài các công trình mở rộng đường Cộng Hòa gần nút giao Lăng Cha Cả, Hoàng Hoa Thám..., dự án được kỳ vọng nhất là tuyến nối Cộng Hoà - Trần Quốc Hoàn, dài 4 km, đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, nhưng chưa thực hiện do vướng mặt bằng, chủ yếu liên quan đất quốc phòng. Điều này khiến giao thông ở khu vực căng thẳng khi các hoạt động kinh doanh, đi lại tăng nhanh sau dịch.
Cách đó hơn 15 km tại, giao thông gần khu vực cảng Cát Lái (TP Thủ Đức) cũng bức bách kéo dài nhiều năm. Từ năm 2016, thành phố triển khai giai đoạn một dự án nút giao Mỹ Thuỷ, gồm cầu vượt, hầm chui, mở rộng đường... nhằm giảm ùn tắc, tăng khả năng chuyên chở hàng hoá cho khu cảng lớn nhất nước. Giai đoạn hai, nút giao được xây ba cây cầu, song vướng mặt bằng và phải điều chỉnh dự án, khiến các công trình đình trệ nhiều năm nay. Trong khi đó, kế hoạch mở rộng các đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định... chưa được triển khai cũng làm giao thông ở khu vực này càng thêm bức bối.
Dòng xe ùn ứ trên đường Nguyễn Thị Định, đoạn gần cảng Cát Lái, tháng 3/2022. Ảnh: Gia Minh
Danh mục các dự án giao thông được TP HCM quyết định đầu tư giai đoạn 2016-2020 có 115 dự án sử dụng vốn ngân sách, nhưng hiện 75 dự án không đạt kế hoạch. Trong đó, 67 công trình chậm tiến độ do vướng mặt bằng, 8 dự án vướng thủ tục đầu tư. Hai năm qua Covid-19 bùng phát khiến tiến độ nhiều công trình thêm chậm trễ, "đội vốn" do giá bồi thường, chi phí xây dựng tăng cao, trong đó đó có nhóm dự án vành đai TP HCM.
Sau 15 năm quy hoạch và triển khai, đến nay Vành đai 2 - trục huyết mạch giúp phân luồng, giảm ùn tắc khu nội đô, đang gặp thách thức lớn để khép kín. Tuyến đường dài hơn 64 km hiện mới hoàn thành khoảng 50 km. Hơn 14 km còn lại chia làm 4 đoạn, trong đó ba đoạn chưa được đầu tư, ước tính cần hơn 26.000 tỷ đồng. Đoạn còn lại dài 2,7 km, triển khai từ năm 2017 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), song đang dang dở.
Trong khi đó, tuyến Vành đai 3 đi qua TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An sau hơn 11 năm quy hoạch vừa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự kiến giữa năm sau khởi công; còn Vành đai 4 trong quá trình nghiên cứu.
Không chỉ nhiều công trình đầu tư bằng ngân sách gặp khó khăn, kế hoạch đưa vào khai thác Metro Số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) - tuyến đầu tiên trong 8 dự án đường sắt đô thị ở thành phố trước năm 2020 cũng không hoàn thành. Tuyến tàu điện dài gần 20 km, tổng đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, kỳ vọng giúp thay đổi diện mạo giao thông thành phố, sau 15 năm được duyệt, hiện mới đạt hơn 90%, dự kiến cuối năm sau hoàn thành.
Ngoài Metro Số 1, tuyến Số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tổng đầu tư gần 47.900 tỷ đồng đang lùi kế hoạch khởi công đến năm 2025, chậm hơn 10 năm so với kế hoạch ban đầu. Việc triển khai các dự án tiếp theo phủ kín mạng lưới đường sắt đô thị ở TP HCM như tuyến Metro Số 5 (cầu Sài Gòn - bến xe Cần Giuộc mới), Số 2, đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm... đối mặt hàng loạt trở ngại liên quan vốn, thủ tục.
Kẹt xe trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn qua thành phố, ngày 30/7. Ảnh: Quỳnh Trần
Di chuyển nội đô thường ùn tắc, việc kết nối liên vùng của TP HCM cũng bị cho hạn chế, chưa tương xứng tầm vóc "đầu tàu" kinh tế của đô thị hơn 10 triệu dân. Giao thông liên vùng ở TP HCM được quy hoạch gồm 5 cao tốc, tổng chiều dài 277 km cùng hai tuyến vành đai, dài 287 km. Tuy nhiên, hiện khu vực thành phố chỉ mới có khoảng 131 km được xây dựng, gồm cao tốc TP HCM - Dầu Giây, TP HCM - Trung Lương, liên tục quá tải, cần nâng cấp, mở rộng.
Tại cuộc họp về hạ tầng giao thông mới đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nói TP HCM là đô thị lớn nhất nước, nhưng tất cả cửa ngõ đang tắc nghẽn. "Nếu không sớm cải thiện, chắc chắn thành phố là đô thị tắc nghẽn nhất Việt Nam, và có thể cả khu vực Đông Nam Á", ông Thể nói và cho rằng phát triển hệ thống giao thông trục chính, vành đai là việc cấp thiết ở thành phố hiện nay.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá TP HCM Bùi Văn Quản cho hay các doanh nghiệp đang tập trung phục hồi sau thời gian tác động bởi dịch bệnh, nên kẹt xe ảnh lớn hoạt động kinh doanh. Do vậy những dự án chậm trễ nhiều năm như tại khu vực cảng Cát Lái, Tân Sơn Nhất cần giải quyết dứt điểm, bởi càng để lâu chi phí đầu tư càng tăng. Chưa kể, kẹt xe gây ra hệ luỵ lớn đối với người dân, doanh nghiệp, khó thể đo đếm bằng các con số trước mắt.
Một lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố (TCIP) cho hay giải phóng mặt bằng là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều công trình hạ tầng ở thành phố chậm trễ, có dự án trễ hẹn 3-6 năm. Vì vậy đơn vị này phải thực hiện "cuốn chiếu", có mặt bằng đến đâu, thi công đến đó. Đồng thời, TCIP phối hợp các địa phương để sớm thống nhất thời gian giải phóng mặt bằng cho từng dự án bị vướng.
Theo ông, trước mắt, trong 5 tháng cuối năm, dự án mở rộng đường Cộng Hoà, Hoàng Hoa Thám sẽ được khởi công, hoàn thành sau 3-6 tháng. Riêng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa sẽ làm trước hạng mục hầm chui, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2024, để đồng bộ nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngoài ra, trong năm nay thành phố dự kiến khởi công hai dự án quan trọng khác gồm: nút giao An Phú (TP Thủ Đức) và quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh). Khi hoàn thành hai công trình giúp khơi thông cửa ngõ phía Đông và Tây. TP HCM và các địa phương lân cận đang tập trung khởi công Vành đai 3 giữa năm sau, hoàn thành toàn bộ năm 2026. Đây được xem là trục liên kết vùng chiến lược, giúp thúc đẩy cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP HCM, công tác giải phóng mặt bằng ở thành phố cần có biện pháp mạnh hơn, bởi nhiều dự án chỉ vướng vài trường hợp nhưng đình trệ công trình lớn. Để tránh đầu tư dàn trải, thiếu tập trung, thành phố cần "chấm điểm" để lựa chọn dự án đầu tư phù hợp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận