5 hình thức lừa đảo mới trên MXH: Chiêu trò ngày càng tinh vi khiến bao người mất tiền oan
Không có chiêu lừa nào giống chiêu lừa nào, các đối tượng ngày càng “thiên biến vạn hóa” đủ loại chiêu trò khiến bao người mất tiền oan.
Lừa đảo trên mạng xã hội hiện tại không còn quá xa lạ với chúng ta. Với sự lớn mạnh của Internet và mạng xã hội, các chiêu lừa đảo qua mạng từ đó cũng tinh vi, phức tạp hơn. Nhiều người dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn dễ dàng mắc bẫy.
Giả làm người nước ngoài, kết bạn để lừa tiền
Đánh vào tâm lý “sính ngoại” của nhiều người, hình thức giả danh người nước ngoài để lừa được nhiều đối tượng dùng đi dùng lại nhưng vẫn có không ít người mắc bẫy. Các đối tượng này thường sử dụng “Goolge dịch” rất thành thạo nhằm lấy lòng tin từ nạn nhân, sau đó áp dụng chung một chiêu bài là “gửi quà tặng từ nước ngoài như món quà làm quen”.
Nhưng để nhận được món quà đó, nạn nhân phải chi ra một khoản tiền không nhỏ để thanh toán phí vì “giá trị quà tặng rất cao, lại chuyển về từ nước ngoài” khiến nạn nhân không hề nghi ngờ mà sẵn sàng chi trả. Và sau khi “con cá cắn câu”, các “chàng trai ngoại quốc” bỗng dưng mất tích, chặn luôn tài khoản của nạn nhân. Còn nạn nhân thì bẽ bàng với một gói quà vô giá trị mà tiền để “trả phí hải quan” lại không hề nhỏ, từ vài trăm đến vài triệu đồng.
Cụ thể như trường hợp của anh Cao Hữu Hạnh được đăng trên báo Thanh Hóa, ở phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa). Cuối năm ngoái, anh có kết bạn qua mạng xã hội facebook với người sử dụng tài khoản “Watteo Wyss”. Sau một thời gian nói chuyện, đối tượng đặt vấn đề muốn chuyển số tiền 40 tỷ đồng về Việt Nam theo dạng miễn trừ ngoại giao, nếu thành công anh Hạnh sẽ nhận được 40% của tổng số tiền gửi về tương đương 16 tỷ đồng.
Sau đó anh Hạnh đã nhận được điện thoại từ các đối tượng xưng là nhân viên bảo mật sân bay thông báo anh Hạnh có người gửi về kiện hàng với giá trị lớn (khoảng 40 tỷ đồng tiền mặt) và đưa ra lý do để yêu cầu anh Hạnh chuyển tiền nhận hàng. Tin lời các đối tượng nói là thật, anh Hạnh đã chuyển cho các đối tượng tổng số tiền 822 triệu đồng và sau đó bị chúng chiếm đoạt.
Dùng danh nghĩa từ thiện để lừa đảo
Bất chấp đạo lý, nhiều đối tượng còn lợi dụng cả lòng thương người của nhiều người để chiếm đoạt tài sản. Đứng ra kêu gọi ủng hộ các trường hợp khó khăn là một hành động đáng khen ngợi của những người có tấm lòng thiện nguyện, tuy nhiên nhiều kẻ xấu đã lợi dụng hình thức này để trục lợi cá nhân.
Chúng dựng lên những câu chuyện không có thật, đánh vào lòng trắc ẩn của con người và kêu gọi mọi người ủng hộ tiền vào số tài khoản của cá nhân. Hoặc đó cũng có thể là một hoàn cảnh khó khăn thật sự cần được giúp đỡ nhưng tài khoản để nhận tiền từ thiện lại chính là của kẻ lừa đảo. Trên thực tế, thậm chí có rất nhiều người nổi tiếng trong giới showbiz như ca sĩ Thủy Tiên, diễn viên Đại Nghĩa từng bị giả mạo tài khoản để kêu gọi quyên góp tài khản.
Làm việc thiện là một điều tốt, cần được khuyến khích, tuy nhiên, bạn cần hết sức cảnh giác với những bài kêu gọi ủng hộ trên mạng xã hội. Hãy xác minh về hoản cảnh của người cần được ủng hộ và xác minh cả xuất thân của người đứng ra kêu gọi ủng hộ.
Lừa đảo người bán hàng online bằng website chuyển tiền giả mạo
Thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là đóng giả là người Việt Nam tại nước ngoài mua hàng online với số lượng hàng hóa lớn, giá trị tài sản cao từ những người kinh doanh trong nước; đồng thời gợi ý chuyển tiền trả trước cho người bán hàng online thông qua dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union.
Để tạo dựng niềm tin, các đối tượng sẽ giả lập một hóa đơn, chứng từ tiếp nhận tiền của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union; chụp ảnh hóa đơn, chứng từ này rồi gửi tin nhắn hình ảnh cho bị hại, khiến bị hại tưởng rằng phía bên mua hàng đã thực hiện lệnh chuyển tiền.
Thông qua điện thoại di động hoặc các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, các đối tượng sẽ gửi một tin nhắn đường link giả mạo website của dịch vụ chuyển tiền quốc tế Western Union; dẫn dắt các bị hại tiến hành các bước đăng nhập vào đường link này để rút số tiền mà các bị hại tin rằng các đối tượng đã trả để thanh toán mua hàng.
Khi các bị hại nhấp vào đường link trong tin nhắn, họ sẽ được chuyển đến một trang web giả mạo có hiển thị giống như website chính thức của Western Union. Các bị hại sẽ phải khai báo các thông tin như tên, tuổi, địa chỉ, mã số thẻ ngân hàng... trên website giả mạo để làm thủ tục rút tiền.
Sau khi có được thông tin tài khoản, các đối tượng lừa đảo sẽ thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của bị hại vào tài khoản của mình.
Tuy nhiên, để hoàn tất việc rút tiền từ tài khoản của bị hại, các đối tượng sẽ phải có mã OTP để đánh cắp tiền, do vậy chúng sẽ giả mạo tin nhắn của Western Union với nội dung: "Quý khách đang thực hiện giao dịch nạp tiền điện tử trên hệ thống Ibanking với số tiền nhận là xxx triệu đồng. Mã OTP sẽ được xác nhận để hoàn tất giao dịch".
Đồng thời, trên trang web giả mạo cũng hiện lên dòng chữ "Thủ tục nhận tiền: Quý khách vui lòng xác thực mã OTP cá nhân để nhận tiền".
Cùng lúc đó, do các đối tượng đang thực hiện thao tác rút tiền trong tài khoản của bị hại nên các ngân hàng trong nước sẽ gửi mã OTP vào điện thoại của bị hại. Khi bị hại điền mã OTP này để hoàn tất thủ tục nhận tiền trên website giả mạo, đồng nghĩa với việc giao dịch chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng phạm tội đã trót lọt.
Bộ Công an cảnh báo: người bán hàng online, đặc biệt là các cá nhân kinh doanh chưa từng giao dịch qua hệ thống chuyển tiền quốc tế, cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo này của các đối tượng; cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền; chỉ thực hiện giao dịch trên các website chính thức, công khai của các tổ chức tài chính, ngân hàng.
Mạo danh Viện kiểm sát, Công an để uy hiếp lừa đảo
Liều lĩnh hơn, nhiều đối tượng còn tự xưng là tòa án, cán bộ Công An, Viện kiểm sát để đánh vào nỗi sợ pháp lý và lừa đảo số tiền không hề nhỏ.
Thường kịch bản lừa đảo này sẽ diễn ra như sau: Kẻ lừa đảo sẽ tự xưng là nhân viên của các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, công an, nhân viên bưu điện để thông báo về việc nợ cước hoặc thiếu nợ ngân hàng do bị người khác sử dụng số CMND hoặc liên quan đến các vụ án điều tra như buôn ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia… Mục đích cuối cùng là yêu cầu nạn nhân kê khai các tài khoản ngân hàng, cung cấp mật khẩu, mã PIN để chiếm đoạt tài sản hoặc hướng dẫn nạn nhân chuyển tiền đến một tài khoản khác để phục vụ công tác điều tra.
Cụ thể, nhóm đối tượng dùng các số điện thoại có đầu số là +87,+88,+60... để gọi, giới thiệu là trung tâm chăm sóc khách hàng của tổng đài. Sau khi kiểm tra chính xác thông tin, số có số máy khác gọi tới tự xưng là cán bộ, lãnh đạo của các cơ quan như Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát…, nêu ra hàng loạt các tội danh đặc biệt nghiêm trọng làm cho người dân bị lo lắng và làm theo chỉ dẫn của chúng.
Ngoài việc đe dọa qua điện thoại, chúng còn gửi các văn bản mạo danh của VKSND tối cao, VKSND TP.HCM với nội dung yêu cầu bảo mật điều tra, không được phép tiết lộ thông tin chúng đang làm việc ra ngoài. Sau đó, chúng bắt đầu đưa ra những lời lẽ động viên và ngỏ ý muốn giúp đỡ khi thấy con mồi cắn câu chúng yêu cầu chuyển toàn bộ tiền đang có vào 1 tài khoản để VKS thẩm định xem có phải tài sản rửa tiền hay không, sau khi xác minh xong sẽ trả lại.
Chiêu lừa đảo này đang biến tướng ngày càng mạnh mẽ, vì thế người dân cần hết sức cảnh giác, ngoài việc xem kỹ số điện thoại gọi đến, bạn cũng cần bình tĩnh khi xử lý các cuộc gọi này.
Thủ đoạn “hack” tiền ATM từ xa
Các chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi khi các đối tượng “hack” được tiền của nạn nhân từ xa, thông qua một cú click chuột.
Trường hợp này thường xảy ra thông qua việc mua bán khi người mua – chính là kẻ lừa đảo – bảo rằng mình đang ở nước ngoài mà không thể chuyển tiền qua thẻ ATM như thông thường và sẽ gửi một đường link giả và yêu cầu người bán nhấp chuột và đó để nhận tiền.
Các website này được thiết kế giao diện giống với một ngân hàng tại Việt Nam, tinh vi hơn khi đối tượng còn sử dụng số máy từ nước ngoài để người bán thêm tin tưởng. Nhưng khi click vào đường link đó và nhẹ dạ khai báo tên đăng nhập, mật khẩu và mã OTP, ngay lập tức nạn nhân bị “rút” hết tiền trong tài khoản.
Liên quan đến những chiêu lừa đảo tương tự, Bộ công an đã đưa ra nhiều cảnh báo. Cụ thể là người bán hàng online, các cá nhân kinh doanh cần xác minh kỹ thông tin khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền, tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho người khác. Đối với các tài khoản dùng để giao dịch online, người kinh doanh không nên để số dư quá lớn, tránh để các đối tượng lợi dụng chiếm đoạt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận