5 gia đình doanh nhân nổi tiếng của Việt Nam
Những gia đình này đang đóng góp rất lớn vào sự phát triển của đất nước, vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Kido chuẩn bị chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 16% (1 cổ phiếu được nhận 1.600 đồng). Ngày chốt danh sách cổ đông là 28/8. Ngày thanh toán cổ tức dự kiến vào 10/9.
Với gần 206 triệu cổ phiếu đang lưu hành, lượng tiền mặt Kido dùng để chi trả cổ tức cho cổ đông sắp tới ước tính gần 330 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức tiền mặt 16% cao hơn mức bình quân 10-12% các năm trước.
Tại Tập đoàn Kido, 2 nhà sáng lập là Chủ tịch HĐQT Trần Kim Thành cùng em trai Tổng giám đốc Trần Lệ Nguyên và các thành viên trong gia đình đang nắm giữ tỷ lệ sở hữu lớn nhất.
Là người lãnh đạo cao nhất tại doanh nghiệp nhưng ông Thành chỉ đứng tên trực tiếp 0,1% cổ phần Kido. Tuy nhiên, hai pháp nhân Công ty TNHH Đầu tư Kido và Công ty TNHH MTV PPK do doanh nhân này làm chủ tịch đều là cổ đông lớn tại Tập đoàn Kido khi nắm giữ tổng cộng 18,4% cổ phần.
Tỷ lệ sở hữu trực tiếp của bà Vương Bửu Linh, vợ ông Trần Kim Thành tại Kido cũng chỉ là 1%. Tương tự chồng, bà Linh thông qua pháp nhân Công ty TNHH Đầu tư Vinh Linh quản lý thêm 5,3% cổ phần tập đoàn gia đình. Bà hiện là thành viên HĐQT Kido.
Khác với anh trai, CEO Trần Lệ Nguyên trực tiếp nắm giữ 15% cổ phần công ty, là cổ đông lớn nhất của Kido và không sở hữu gián tiếp thông qua các pháp nhân doanh nghiệp khác.
Nhưng đây mới chỉ là những cổ đông lớn liên quan gia tộc họ Trần ở Kido. Nhiều thành viên trong gia đình ông Trần Kim Thành và Trần Lệ Nguyên còn sở hữu trực tiếp và gián tiếp dưới 5% vốn tập đoàn.
Tổng tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết tại Kido của đại gia đình hai doanh nhân này lên tới 43,8%, tương ứng 90 triệu cổ phiếu. Như vậy, gia tộc ông chủ Kido sẽ thu về hơn 140 tỷ đồng tiền mặt từ đợt chia cổ tức tới đây.
Ngoài nhóm cổ đông liên quan hai ông chủ Kido, Công ty Quản lý quỹ VinaCapital cũng sẽ thu về 41 tỷ đồng trong đợt chia cổ tức này. Đây là cổ đông lớn với sở hữu 12,5% tại tập đoàn. Thời gian qua, nhóm VinaCapital liên tục mua vào cổ phiếu Kido.
Gia đình ông Jonathan Hạnh Nguyễn - bố chồng Tăng Thanh Hà
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn cùng vợ và các con của mình được đông đảo công chúng biết đến với hình ảnh một gia đình doanh nhân giàu sang. Với việc tạo dựng Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (Imex Pan Pacific Group), ông Johnathan Hạnh Nguyễn hiện đang nắm giữ đến 70% thị phần hàng hiệu ở Việt Nam.
Hai người phụ nữ làm dâu trong gia đình này, là bà Lê Hồng Thủy Tiên và Tăng Thanh Hà, cũng từng là những nữ diễn viên nổi tiếng trên màn ảnh Việt.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn trong đám cưới con trai kết duyên cùng diễn viên Tăng Thanh Hà.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn có hai người chị gái cũng nắm trong tay những cơ nghiệp lớn trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị. Đó là bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - bà chủ siêu thị Citimart và bà Nguyễn Ánh Hồng - bà chủ siêu thị Maximark.
Chuỗi Maximark của bà Ánh Hồng không phát triển mạnh về số lượng (chỉ có 2 trung tâm ở Sài Gòn, 1 ở Cần Thơ, 1 ở Nha Trang và 1 ở Cam Ranh), nhưng với hướng đi khác biệt, khách hàng mục tiêu của Maximark hướng đến là tầng lớp tiêu dùng trung lưu.
Là người quản lý hơn 1.000 nhân viên cùng hơn 30.000 mặt hàng từ thực phẩm đến phi thực phẩm của Maximark, bà Ánh Hồng vẫn trực tiếp tuyển dụng và đích thân lựa chọn, đánh giá hàng hóa trên toàn hệ thống siêu thị này.
Nói về hướng đi trong tương lai, bà Hồng cho hay sẽ tiếp tục làm siêu thị và những gì liên quan đến siêu thị, đồng thời tiết lộ chỉ phát triển chuỗi Maximark từ Nha Trang trở vào miền Nam.
Khác với cô em gái Ánh Hồng, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ siêu thị Citimart lại có những cách đi táo bạo và mạnh mẽ hơn trong nghiệp kinh doanh siêu thị kéo dài ngót 20 năm của mình.
Kể từ khi mở ra siêu thị Citimart đầu tiên trên đường Nguyễn Văn Cừ (TP.HCM), đến nay, hệ thống của bà Hoa đã nhân rộng lên ngót 30 siêu thị thành viên gồm 1 trung tâm thương mại, 12 siêu thị lớn, 6 siêu thị trong Parkson và 8 cửa hàng tiện lợi B&B (Best & Buy), hoạt động tại nhiều tỉnh, thành như: Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Kiên Giang, Bình Dương với doanh thu 1200 tỷ/năm. Bà Hoa dự tính, hệ thống của mình sẽ có 100 siêu thị Citimart đến năm 2017.
Đỗ Gia - Đại gia đình nổi tiếng 3 đời làm doanh nhân
Cụ Đỗ Thế Sử (sinh năm 1923), vốn là tổng biên tập báo Sơn Tây những năm 1955-1958 nhưng hoàn cảnh gia đình đông con cùng với niềm đam mê kinh doanh khiến cụ nghỉ chức tổng biên tập ra thành lập hợp tác xã Tiến Hưng.
Cụ Đỗ Thế Sử có 11 người con là giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân, doanh nhân nổi tiếng. Con cả của cụ Sử là đại tá, kỹ sư Đỗ Thái Tùng. Con thứ 2 của cụ là giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân Đỗ Tất Cường, cựu phó giám đốc bệnh viện 103, phó TGĐ CTCP bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec. Con thứ 3 của cụ Sử là Đỗ Minh Phú, người gây dựng nên tập đoàn DOJI.
Những người con tiếp theo của cụ Sử có thể kể đến là Đỗ Anh Tú là em trai thứ 6 hiện là TGĐ Diana và Phó chủ tịch HĐQT của TPBank. Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội. Ông Đỗ Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Xây dựng Lò hơi và các thiết bị nhiệt; Ông Đỗ Khôi Nguyên - Tiến sĩ Luật, luật sư thuộc ngành sở hữu trí tuệ ở Mỹ. Bà Đỗ Xuân Mai - Điều hành công ty Green Global. Bà Đỗ Kim Dung - Giám đốc Công ty sản xuất ống nhựa cho các Công ty sữa.
Trong 11 người con, ông Phú được cụ Sử đánh giá là người thông minh nhất. Và ông cũng là người làm rạng danh nghiệp kinh doanh của gia đình nhất với việc thành lập Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI chuyên kinh doanh trang sức.
Trước đó, hai anh em ông Phú và ông Tú chính là người tạo dựng thành công thương hiệu Diana trước khi bán cho tập đoàn Unicharm (Nhật Bản) năm 2011.
Năm 1997, người Việt chưa có thói quen dùng băng vệ sinh cũng là lúc 2 anh em ông Phú thành lập công ty TNHH đầu tư và phát triển kỹ thuật Việt Ý (sau này đổi tên thành CTCP Diana) chuyên sản xuất kinh doanh băng vệ sinh. Đến năm 2003 công ty này sản xuất thêm tã trẻ em thương hiệu Bobby. Năm 2008, Diana sản xuất thành công tã giấy dành cho người già Caryn, xây dựng nhà máy sản xuất giấy Tissue Diana.
Năm 2011 khi Diana đang thành công, anh em ông Phú quyết định bán lại 95% CTCP Diana cho tập đoàn gia dụng Nhật Bản Unicharm. Theo một số nguồn tin thì thương vụ này có giá trị từ 180-200 triệu USD.
Ông Phú cho biết: “Unicharm là một tập đoàn đa quốc gia hoạt động rộng khắp thế giới lại cùng lĩnh vực kinh doanh mà Diana đang hoạt động kinh doanh nên sự hợp tác này sẽ như một “cánh tay nối dài” giúp Diana có thêm sức mạnh để phát triển sản phẩm”.
Với khoản tiền khổng lồ này, tập đoàn DOJI và những người có liên quan mua lại 20% cổ phần tại Tienphong Bank, sau đổi tên thành TPBank. Ông Phú và ông Tú hiện giữ chủ chức Chủ tịch và phó Chủ tịch HĐQT tại ngân hàng này.
Đầu năm 2012, DOJI cũng thông báo mua lại và nắm giữ 65% cổ phần CTCP Xuất nhập khẩu thủ công mỹ nghệ Sài Gòn (Artex Saigon), ông Phú được bầu vào ghế chủ HĐQT.
Về tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, vốn tiền thân là Công ty phát triển công nghệ và thương mại TTD, thành lập năm 1994 khi ông Phú quyết định bỏ công việc lương cao với chức vụ giám đốc công ty liên doanh. Bên cạnh hoạt động cốt lõi là sản xuất kinh doanh trang sức, DOJI còn tham gia vào bất động sản, tài chính ngân hàng và chuỗi dịch vụ cao cấp. Doanh thu của tập đoàn này năm 2014 đạt 40.000 tỷ đồng, gấp hơn 40 lần chỉ sau 7 năm.
Hiện tập đoàn DOJI có 7 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con và 6 công ty liên kết góp vốn.
Gia đình họ Đặng: Đặng Thị Hoàng Yến - Đặng Thành Tâm - Đặng Thị Hoàng Phượng
Gia đình họ Đặng là một “hiện tượng” của nền kinh tế Việt Nam, khi nằm trong top những gia đình sở hữu tài sản nhiều nhất và từng có hai phụ nữ dẫn đầu danh sách 30 phụ nữ giàu nhất nước.
Chị cả của gia đình họ Đặng là bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập đoàn Tân Tạo, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đại học Tân Tạo, Chủ tịch của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ.
Bà Đặng Thị Hoàng Yến đã được nhận nhiều giải thưởng và bằng khen như Giải thưởng nhân văn 2011 của Ủy ban hữu nghị thành phố San Francisco và TP.HCM, giải thưởng siêu sao kinh doanh, Giải thưởng bông hồng vàng và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Em trai bà Yến, ông Đặng Thành Tâm được xếp hạng là người giàu nhất ở Việt Nam năm 2007 và giàu thứ ba Việt Nam năm 2008, 2009 và 2010. Ông là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc của các công ty: Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Công ty Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo, Công ty Công nghệ Viễn thông Sài Gòn.
Ngoài ông việc kinh doanh, ông Đặng Thành Tâm còn là Đại biểu HĐND Huyện Bình Chánh Khóa VIII, và là Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhiệm kỳ 2011-2016. Ông là doanh nhân ngoài quốc doanh đầu tiên nhận Huân chương Lao động hạng nhất của Chủ tịch nước.
Ông còn được tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng nhì và hạng ba của Chủ tịch nước; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Ủy ban nhân dân thành phố; Bằng khen của Nhật hoàng; và nhiều bằng khen, giấy khen khác.
Em gái của ông Đặng Thành Tâm là bà Đặng Thị Hoàng Phượng, từng là chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc công ty Cổ phần Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn; thành viên hội đồng quản trị Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc.
Bà Trương Thị Thanh Thanh và em trai Trương Gia Bình
Nếu như 8/10 anh em nhà bầu Đức đều nắm giữ lượng cổ phần nhất định tại Hoàng Anh Gia Lai thì đối với gia đình 7 anh chị em của ông Trương Gia Bình sự "bành trướng" của nhà họ Trương ở FPT có phần thu hẹp hơn về quy mô.
Ông Trương Gia Bình là Thành viên sáng lập, Chủ tịch HĐQT của FPT. Ông được xem như là linh hồn, là người tập hợp lực lượng và là một chiến lược gia với những định hướng chiến lược quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển của FPT trong suốt 30 năm qua.
Ông Bình sinh năm 1956, là con trai út trong gia đình có 3 anh trai và 3 chị gái. Luận theo tử vi khoa học, những người sinh năm Bính Thân thường là những người có trí tuệ, đầu óc nhanh nhạy và cả sự hài hước. Họ luôn hào phóng, khéo léo và tinh tế trong tâm trí. Bên cạnh đó, họ còn là những người có những ý tưởng cao cả và thích phiêu lưu, vì vậy họ rất thích hợp làm chủ doanh nghiệp.
Khác với 10 anh em nhà bầu Đức khi phần lớn anh chị em đều sở hữu lượng lớn cổ phiếu HAG thì gia đình ông Bình, ngoài ông ra chỉ có 1 người chị gái là bà Trương Thị Thanh Thanh có cổ phần tại FPT.
Cụ thể, số liệu được công bố trên Báo cáo quản trị năm 2019, ông Bình đang sở hữu hơn 48 triệu cổ phiếu FPT. Tính theo giá đóng cửa phiên 21/02 của cổ phiếu FPT thì ông Bình đang sở hữu khối tài sản hơn 2.627 tỷ đồng.
Còn đối với bà Thanh, hiện tại bà đang sở hữu hơn 10,9 triệu cổ phiếu FPT, tương đương với khối tài sản hơn 600 tỷ đồng. Được biết, bà Thanh là cử nhân ngành Quản trị Kinh doanh cao cấp - Đại học Amos Tuck - Hoa Kỳ. Từ năm 1995-2012, bà Thanh đã giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT của FPT.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận