5 đại diện Việt Nam lọt Top 2000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới có tài sản thế nào?
Theo công bố của Forbes, Việt Nam có tới 5 đại diện góp mặt trong Top 2000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới năm 2022.
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách Global 2000 năm 2022 bao gồm 2.000 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất thế giới theo 4 tiêu chí là doanh thu, lợi nhuận thuần, tổng tài sản và giá trị thị trường.
Forbes thu thập số liệu tài chính mới nhất tính đến ngày 22/4/2022 để xếp hạng các doanh nghiệp trên toàn cầu.
Forbes cho biết các doanh nghiệp trong danh sách Global 2000 năm nay có tổng doanh thu khoảng 47.600 tỷ USD, tổng lợi nhuận 5.000 tỷ USD, tổng tài sản 233.700 tỷ USD và tổng vốn hóa 76.500 tỷ USD.
Theo công bố của Forbes, Việt Nam có 5 đại diện lọt trong Top 2000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới năm 2022 gồm Vietcombank (xếp hạng 950), VietinBank (xếp hạng 1.560), Tập đoàn Hòa Phát (xếp hạng 1.564), BIDV (xếp hạng 1.605), và Techcombank (xếp hạng 1.854).
Công bố của Forbes cho biết 5 đại diện của Việt Nam trong Top 2000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới có tổng tài sản đạt 239,34 tỷ USD. Giá trị vốn hóa thị trường đạt 46,84 tỷ USD.
Việt Nam có 5 đại diện trong Top 2000 công ty niêm yết lớn nhất thế giới của Forbes
Cụ thể, tính đến thời điểm thống kê của Forbes, Vietcombank đạt doanh thu 3,91 tỷ USD, lợi nhuận 955 triệu USD, tổng tài sản là 62,07 tỷ USD và đứng đầu vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam với 16,94 tỷ USD.
Năm 2021, Vietcombank lãi trước thuế 27.389 tỷ đồng. Năm 2022, Vietcombank đặt kế hoạch lãi hợp nhất tăng tối thiểu 12%, tương đương gần 30.700 tỷ đồng. Nếu hoàn thành kế hoạch, Vietcombank sẽ là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam sở hữu lợi nhuận trên 30.000 tỷ.
Theo sau là Vietinbank với vị trí 1.560 thế giới, Forbes ghi nhận ngân hàng này đạt doanh thu 4,41 tỷ USD, lợi nhuận 612,4 triệu USD, tổng tài sản đạt 67,2 tỷ USD, vốn hóa đạt 6,2 tỷ USD.
Năm 2022, VietinBank lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 15%, với kế hoạch này VietinBank có thể đạt hơn 19.300 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2022.
Đứng ở vị trí 1.564 thế giới là Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long. Trong năm 2021 vừa qua, Hòa Phát ghi nhận doanh thu lẫn lợi nhuận trước thuế cao bứt phá lần lượt đạt 149,7 nghìn tỷ đồng và 37,1 nghìn tỷ đồng. Tăng trưởng lần lượt 65% và 55,6% so với cùng kỳ 2020, vượt 26% và 92% kế hoạch kinh doanh.
Theo Forbes, tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long có tỏng tài sản là 7,82 tỷ USD, giá trị vốn hóa thị trường đạt 8,53 tỷ USD.
Năm 2022, Hoà Phát đặt kế hoạch doanh thu dự kiến 160.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trong khoảng từ 25.000 – 30.000 tỷ đồng.
Được xếp hạng 1.605 thế giới, ngân hàng BIDV có tổng tài sản 77,3 tỷ USD, cao nhất toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. BIDV ghi nhận doanh thu 5,37 tỷ USD, lợi nhuận ghi nhận 463,2 tỷ USD và giá trị vốn hóa thị trường đạt 8,48 tỷ USD.
Hiện BIDV cũng đang là ngân hàng có thị phần cho vay lớn nhất hệ thống (trên 13% thị phần). Năm 2022, BIDV đặt kế hoạch lãi hợp nhất trên 20.000 tỷ đồng.
Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long là doanh nghiệp sản xuất duy nhất của Việt Nam lọt danh sách này
Nhà băng cuối cùng góp mặt ở danh sách Global 2000 của Việt Nam là Techcombank ở vị trí 1.874 thế giới. Theo Forbes, TCB có doanh thu đạt 2,07 tỷ USD, lợi nhuận 787,1 triệu USD, tổng tài sản đạt 24,95 tỷ USD và giá trị vốn hóa đạt 6,74 tỷ USD.
Techcombank cũng là ngân hàng thương mại tư nhân đầu tiên tại Việt Nam gia nhập “câu lạc bộ tỷ đô” năm 2021, với lợi nhuận trước thuế đạt 23,2 nghìn tỷ đồng, tăng 47,1% so với 2020.
Năm 2022, Techcombank đặt kế hoạch lãi trước thuế 27.000 tỷ, tăng 16,2% so với mức thực hiện năm 2021.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận