5 công trình giao thông thủ đô hoàn thành cuối năm
Nhiều dự án sẽ hoàn thành cuối năm nay như metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao, hầm chui Lê Văn Lương... được kỳ vọng cải thiện giao thông thủ đô.
Chạy đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội
Tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội hồi đầu tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cuối năm 2022 phải hoàn thành đoạn trên cao.
Đoạn trên cao dài 8,5 km, từ depot Nhổn đến ga S8 trước Đại học Giao thông Vận tải. Hiện toàn bộ 10 đoàn tàu của dự án đã được đưa về tập kết tại depot và chạy thử, hiệu chỉnh.
Với đoạn đi ngầm 4 km (từ ga S9 Kim Mã đến S12 ga Hà Nội), Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, khởi công năm 2010, dự kiến hoàn thành 2015. Tuy chậm tiến độ 7 năm, đến nay dự án mới đạt 75%. Tổng vốn đầu tư tăng gấp đôi so với ban đầu, lên hơn 34.000 tỷ đồng.
Dự kiến, sau khi vận hành, tuyến đường có tốc độ khai thác thương mại 35 km/h; 8 đoàn tàu cùng hoạt động; một đoàn tàu dự bị phục vụ giờ cao điểm; một đoàn tàu cứu hộ.
Dự án được hỗ trợ bởi nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng trong nước.
Hầm chui Lê Văn Lương hoạt động vào tháng 10
Khởi công tháng 10/2020, dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương dự kiến hoàn thành sau 18 tháng, nhưng đã phải lùi thêm 6 tháng mới có thể thông xe.
Hiện 2 ống hầm kín nằm dưới ngã tư Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương đã được đục thông, dự kiến trong tháng 10 sẽ được đưa vào khai thác sử dụng.
Công trình có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng với kết cấu bê tông cốt thép, xây dựng trực thông theo hướng đường Lê Văn Lương. Tổng chiều dài hầm và gờ chắn 2 đầu là 475 m, trong đó hầm kín dài 95 m, hầm hở và gờ chắn dẫn vào hầm kín dài 380 m (mỗi bên 190 m).
Mặt cắt ngang gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm rộng 7,75 m, gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,5 m mỗi làn. Phần hầm hở mỗi chiều rộng 7,75 m, phân cách hai chiều bằng dải phân cách rộng một mét.
Đơn vị thi công cũng xén hè mở rộng đường Lê Văn Lương với chiều dài hơn 300 m; xén hè mở rộng đường Tố Hữu khoảng 400 m.
Nhà thầu thi công dự án là liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty cổ phần Fecon - Công ty cổ phần Thương mại, tư vấn và xây dựng Vĩnh Hưng.
Hoàn thành cầu vượt nút giao chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch
Tương tự hầm chui Lê Văn Lương, dự án cầu vượt nút giao chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch đã phải lùi tiến độ hoàn thành từ tháng 6 xuống cuối năm 2022.
Theo thiết kế, cầu vượt kết cấu thép lắp ghép, trực thông dạng chữ C theo hướng từ chùa Bộc đến Phạm Ngọc Thạch, tổ chức giao thông hai chiều cho hai làn xe hỗn hợp gồm ôtô và xe máy.
Hướng dọc đường Tôn Thất Tùng - Phạm Ngọc Thạch, đường Chùa Bộc - Đông Tác và các nhánh rẽ còn lại sẽ được tổ chức giao thông bằng đèn tín hiệu dưới cầu.
Khi mặt đường Tôn Thất Tùng được mở rộng, thành phố sẽ xây dựng bổ sung nhánh cầu trên đường Tôn Thất Tùng và khớp nối với nhánh Phạm Ngọc Thạch, tạo thành cầu vượt chữ Y hoàn chỉnh.
Tổng mức đầu tư cầu vượt thép lắp ghép chữ C tại nút giao chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch gần 150 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách TP Hà Nội.
Dự án mở rộng đường Âu Cơ về đích
Sau 4 lần thành phố phê duyệt và ra quyết định điều chỉnh, dự án cải tạo, mở rộng đường Âu Cơ đã được lùi thời gian hoàn thành đến quý IV/2022.
Dự án được phê duyệt bổ sung vào giai đoạn 2 của dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên để hạn chế ùn tắc giao thông.
Công trình có tổng chiều dài 3,7 km, chia thành 4 đoạn, được khởi công từ năm 2020. Trong đó, đoạn 1 từ khách sạn Thắng Lợi đến lối vào đường Xuân Diệu. Đoạn 2 từ lối vào đường Xuân Diệu đến ngõ 123 Âu Cơ. Đoạn 3 từ ngõ 123 Âu Cơ đến nút giao Lạc Long Quân và đoạn 4 từ nút giao Lạc Long Quân đến nút giao cầu Nhật Tân.
Thông xe kỹ thuật vành đai 2
Giữa tháng 7, nhịp cầu cuối vành đai 2 trên cao đã được hợp long, chủ đầu tư cam kết thông xe kỹ thuật toàn tuyến cuối năm 2022.
Đoạn tuyến vành đai 2 trên cao dài hơn 5 km, điểm đầu tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối giáp với nút giao Ngã Tư Sở, phía đường Trường Chinh. Mặt cắt ngang đường trên cao 19 m và cầu dẫn 7 m; các nhánh cầu dẫn kết nối với các tuyến đường bên dưới tại đầu cầu Vĩnh Tuy, nút Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở. Phần dưới mặt đất dài trên 3 km, điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường Minh Khai sẽ được mở rộng thành 53,5-63,5m với 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, vỉa hè mỗi bên rộng 4-6 m. Dải phân cách giữa rộng 4 m sẽ dùng làm nơi bố trí trụ vành đai 2 trên cao.
Dự án được khởi công tháng 4/2018, đến tháng 11/2020 đã thông xe gần 2 km đoạn trên cao (Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng); dự kiến thông xe kỹ thuật toàn tuyến năm 2022, hoàn thành đưa vào khai thác năm 2023.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề xuất thành phố nghiên cứu phương án đầu tư hoàn thiện tuyến đường vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy), trong đó có phương án đường trên cao thuộc đoạn tuyến này để làm cơ sở triển khai dự án trong giai đoạn 2026-2030.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận