5 bài học mà các nhà đầu tư đã rút ra từ TTCK trong năm nay
Trái với nỗi sợ của nhiều người, nền kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ đã phục hồi tốt hơn trong năm 2023.
Nhà kinh tế nổi danh Paul Samuelson từng châm biếm rằng thị trường chứng khoán đã đoán trúng 9 trong 5 cuộc suy thoái gần nhất. Có vẻ câu nói của ông cũng mô tả chính xác những gì đang xảy ra.
Năm 2022, các sàn giao dịch trên thế giới chìm trong sự bi quan, giá tài sản lao dốc, người tiêu dùng kêu than và suy thoái có vẻ như là điều không thể tránh khỏi. Nhưng cho đến nay, Đức là nền kinh tế lớn duy nhất thực sự phải trải qua một cuộc suy thoái nhẹ.
Tại ngày càng nhiều nước, kịch bản nền kinh tế hạ cánh mềm giờ có vẻ khả dĩ hơn nhiều so với suy thoái. Kết quả là thị trường đã hoan hỉ mở tiệc trong suốt nhiều tháng qua. Dưới đây là những điều các nhà đầu tư học được từ thị trường chứng khoán Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2023.
1. Fed nói là làm
Trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khẩn trương thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1980.
Nhưng bước sang năm 2023, các nhà đầu tư vẫn không chịu tin vào lập trường “diều hâu” của Fed. Khi năm 2023 bắt đầu, thị trường dự báo rằng lãi suất sẽ đạt đỉnh trong nửa đầu năm, ở mức dưới 5% và sau đó Fed sẽ hạ lãi suất.
Ngược lại, các quan chức Fed đã làm đúng như những gì họ tuyên bố là đưa lãi suất lên trên 5% trước năm 2024 và thậm chí không ngừng tay khi đối mặt với cuộc khủng hoảng ngân hàng cấp khu vực.
2. Nhưng người đi vay vẫn sống khỏe mặc cho lãi suất cao
Trong thời kỳ tiền rẻ, kịch bản lãi suất tăng cao giống như một cơn ác mộng. Giờ đây, lãi suất đã thực sự tăng nhưng lại không tồi tệ như nhiều người tưởng.
Kể từ đầu năm 2022, lãi suất trung bình của các trái phiếu rủi ro nhất nước Mỹ đã đi từ 4,4% lên 8,1%. Nhưng số lượng công ty vỡ nợ lại khá ít.
Tỷ lệ vỡ nợ trong nhóm doanh nghiệp đi vay với lãi suất cao đã tăng trong 12 tháng qua, nhưng chỉ ở mức 3%. Con số này thấp hơn nhiều so với những giai đoạn căng thẳng trước đây. Chẳng hạn, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, tỷ lệ vỡ nợ từng vượt 14%, tờ Economist cho biết.
Tỷ lệ thanh toán lãi vay của các doanh nghiệp phát hành trái phiêu “rác” đang ở gần với mức cao nhất trong vòng 20 năm. Lãi suất gia tăng khiến những người đi vay trở nên vất vả hơn, nhưng chưa đến mức gây nguy hiểm.
3. Không phải vụ sụp đổ ngân hàng nào cũng khủng khiếp như 2008
Sau khi Silicon Valley Bank (SVB) sụp đổ vào ngày 10/3, các sự kiện diễn ra trong khoảng thời gian ngắn sau đó khiến nhiều người lầm tưởng chuyện cũ đang tái diễn.
Signature Bank, First Republic Bank mau chóng nối gót SVB. Credit Suisse, ngân hàng 167 tuổi của Thụy Sỹ, bị sáp nhập vào đối thủ lâu năm là UBS. Có lúc, đến cả Deutsche Bank của Đức cũng tưởng chừng như sắp sụp đổ.
May mắn là Mỹ và thế giới đã tránh được một cuộc khủng hoảng toàn diện. Nhưng kết thúc có hậu này đi kèm với cái giá đắt.
Fed đã tung ra các gói giải cứu lớn để ngăn khủng hoảng lan rộng. Điều này cho thấy ngay cả những nhà băng tầm trung giờ cũng có thể được coi là “quá lớn để sụp đổ”, và sự can thiệp của chính phủ có thể khuyến khích các ngân hàng như vậy mạo hiểm quá mức vì họ tin rằng mình sẽ được giải cứu.
4. Nhà đầu tư lại đặt cược lớn vào cổ phiếu công nghệ
Trong năm 2022, vốn hóa của 5 công ty công nghệ lớn nhất nước Mỹ bao gồm Alphabet, Amazon, Apple, Microsoft và Tesla lao dốc 38%, còn những cổ phiếu còn lại trong chỉ số S&P 500 thì rớt 15%.
Giờ đây, những gã khổng lồ đã quay trở lại. Cùng với Meta và Nvidia, “bộ bảy lộng lẫy” đã thống trị lợi nhuận của thị trường chứng khoán Mỹ trong nửa đầu năm 2023.
Giá tăng mạnh đến mức vào tháng trước, 7 cổ phiếu này chiếm đến 60% giá trị chỉ số Nasdaq 100, buộc Nasdaq phải giảm bớt tỷ trọng của chúng trong chỉ số.
Cuộc phục hồi ngoạn mục này phản ánh tâm lý lạc quan của các nhà đầu tư về trí tuệ nhân tạo (AI) và niềm tin rằng các công ty lớn nhất sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ AI.
5. Đường cong lợi suất đảo ngược không phải tận thế
Lợi suất trái phiếu dài hạn thường cao hơn loại ngắn hạn để bù đắp cho rủi ro lớn hơn mà các trái chủ phải chịu. Nhưng từ tháng 10/2022, đường cong lợi suất đã bị đảo ngược: lợi suất dài hạn thấp hơn lợi suất ngắn hạn. Đây là tín hiệu chắc chắn nhất của thị trường tài chính về nguy cơ suy thoái.
Ý nghĩa của hiện tượng này được diễn giải như sau: lợi suất ngắn hạn cao hơn là vì Fed thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm tốc nền kinh tế và hạ nhiệt lạm phát ; còn lợi suất dài hạn thấp cho thấy Fed sẽ gây ra suy thoái và buộc các nhà hoạch định chính sách phải giảm lãi suất trong tương lai xa hơn.
Trước đó, sự đảo ngược này mới chỉ xảy ra 8 lần trong vòng 50 năm qua, và sau mỗi lần suy thoái đều ập đến. Khi đường cong lợi suất đảo ngược vào tháng 10 năm ngoái, không lâu sau chỉ số S&P 500 đã lập đáy mới.
Nhưng kể từ đó, cả nền kinh tế lẫn thị trường chứng khoán Mỹ có vẻ đều đã cất cánh. Ngày càng có nhiều khả năng rằng chỉ báo chắc chắn nhất của Phố Wall đã sai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận