5 bài học đầu tư rút ra từ thư gửi cổ đông của huyền thoại Warren Buffett
Theo tờ Bloomberg, không chỉ nhà đầu tư mà các giám đốc cấp cao và thành viên hội đồng quả trị cũng nên nghe theo lời khuyên của Warren Buffett.
Dưới đây là những bài học lớn rút ra từ lá thư năm 2024:
Nói chuyện với cổ đông như với em gái
Khi Warren Buffett nghĩ về cách truyền đạt suy nghĩ cho các cổ đông Berkshire, ông nhớ đến Bertie, người em gái đã 90 tuổi của mình.
Ông giải thích: “Giống như hầu hết các bạn, Bertie hiểu nhiều thuật ngữ kế toán, nhưng em ấy sẽ không qua nổi kỳ thi CPA. Em ấy theo dõi tin tức kinh doanh - đọc 4 tờ báo mỗi ngày - nhưng không tự nhận mình là chuyên gia kinh tế”.
Trên thực tế, nhiều cổ đông của Berkshire có lẽ còn không chăm đọc tin tức hay đầu tư khôn ngoan như bà Bertie.
Song, hầu hết các công ty nên dùng lá thư của Buffett làm bài học rằng họ nên cố gắng trao đổi với cổ đông bằng lối nói chuyện rõ ràng, dễ hiểu. Điều đó sẽ giúp doanh nghiệp tránh được “mớ đường mật vô nghĩa” mà Buffett nói là căn bệnh cố hữu của các nhà cố vấn truyền thông và quan hệ nhà đầu tư.
Và nếu doanh nghiệp không thể giải thích mô hình kinh doanh rõ ràng và ngắn gọn, nhà đầu tư nên coi đó là dấu hiệu cảnh báo để tránh xa.
Bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền từ việc không làm gì
“Ngồi yên” không phải bài học mới mà Warren Buffett đúc kết được, mà là nguyên tắc cốt lõi của đầu tư giá trị. Nhưng ông nêu bật chủ đề này trong năm nay, nhắc tới vài lần về lợi ích của việc ngồi yên.
Buffett đề cập đến ngày đầu tiên ông đầu tư vào Dow Jones. Đó là một ngày của năm 1942, khi chỉ số này giảm xuống dưới 100. Còn hiện tại, chỉ số này đang dao động quanh ngưỡng 39.000 điểm.
Nhà đầu tư huyền thoại viết: “Mỹ là đất nước tuyệt vời đối với nhà đầu tư. Việc họ cần làm chỉ là ngồi yên, không nghe ai nói gì”.
Về Bertie, Buffett nói rằng em gái mình đã trở nên rất giàu có bằng việc không thực hiện bất kỳ giao dịch nào trong 43 năm mà chỉ nắm giữ cổ phiếu Berkshire.
Phần thưởng hậu hĩnh không phải lúc nào cũng đến từ rủi ro lớn
Văn hóa startup của Thung lũng Silicon khiến nhiều doanh nhân tin rằng họ không thể kiếm được lợi nhuận lớn trừ khi đặt cược tất cả mọi thứ. Berkshire hoàn toàn trái ngược.
Buffett cho biết Berkshire luôn chuẩn bị cho “thời kỳ nền kinh tế bị tê liệt” và cam kết sẽ luôn thận trọng với tình trạng tài chính của tập đoàn “đến mức cực đoan”.
Cách tiếp cận này nghe có vẻ không hấp dẫn, nhưng nó đã góp phần giúp Berkshire trở thành công ty có giá trị ròng lớn nhất nước Mỹ theo chuẩn mực kế toán GAAP.
Công bố tên người kế nhiệm sau khi ra quyết định
Rất nhiều doanh nghiệp coi việc chọn người kế nhiệm như bí mật quốc gia. Nhưng do tuổi tác, Warren Buffett đã giải quyết vấn đề triệt để và chỉ định Greg Abel làm người kế nhiệm mình vào năm 2021.
Trong lá thư, Buffett nhắc các nhà đầu tư rằng ông Abel “sẵn sàng làm CEO Berkshire ngay ngày mai”.
Việc ông Abel chính thức tiếp quản lại Berkshire chắc chắn sẽ là thông tin lớn, nhưng Buffett đã loại bỏ phần nào xôn xao trong quá trình chuyển tiếp, dập tắt lo ngại của cổ đông.
Tránh những kẻ gian dối
Trước khi xuống tiền đầu tư, ngoài đánh giá những yếu tố cơ bản của doanh nghiệp, Warren Buffett còn xem xét thêm ban lãnh đạo của công ty đó. Ông muốn có các “nhà quản lý đáng tin cậy và đầy năng lực”. Ông lưu ý rằng điều này không dễ nhận biết và không phải lúc nào ông cũng đưa ra đánh giá đúng.
Trong lá thư, ông trích dẫn lời của Hugh McCulloch, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ. McCulloch từng cảnh báo các ngân hàng “đừng bao giờ làm việc với kẻ dối trá với hy vọng bạn có thể ngăn hắn lừa mình”.
Warren Buffett viết: “Nhiều banker từng tưởng rằng họ có thể đương đầu với những kẻ gian dối nhưng sau cùng cũng đã hiểu được sự thông thái trong lời khuyên của ông McCulloch - và tôi cũng vậy. Con người không dễ hiểu như bạn tưởng. Sự chân thành và đồng cảm rất dễ bị giả mạo”.
Đây là lời khuyên tốt không chỉ trong kinh doanh mà còn trong cuộc sống.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận