48% doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển sang các nền tảng số
Chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới cho biết các công nghệ số cho phép doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với cú sốc Covid -19. Tại Việt Nam, hơn nửa doanh nghiệp đã chuyển sang những nền tảng số để đáp ứng bối cảnh mới.
Doanh nghiệp Việt chuyển đổi số để thích ứng
Shawn Tan, Chuyên gia kinh tế cao cấp Ban Tài chính, Năng lực cạnh tranh và Đổi mới, sáng tạo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, nền kinh tế số đang ngày càng trở nên quan trọng hơn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19. “Các công nghệ kỹ thuật số cho phép doanh nghiệp thích ứng tốt hơn với cú sốc Covid-19”, Shawn Tan nói.
Sự chuyển đổi kinh tế của Việt Nam từ nền kinh tế có thu nhập trung bình sang thu nhập cao đòi hỏi phải tăng trưởng dựa trên năng suất lao động. Công nghệ kỹ thuật số sẽ là một công cụ để Việt Nam tăng tốc độ tăng năng suất doanh nghiệp, nâng cao khả năng thích ứng và phát triển hoạt động kinh doanh mới.
Theo các chuyên gia, công nghệ số mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: giảm chi phí thông tin và giao dịch; cung cấp hàng hóa, dịch vụ hiệu quả hơn, có chất lượng tốt hơn và có thể tiếp cận cơ sở khách hàng lớn hơn cùng nhiều thị trường mới.
“Việt Nam có nhiều tiềm năng để sử dụng quá trình phục hồi như một điểm uốn hướng tới một mô hình tăng trưởng cạnh tranh, bao trùm, thích ứng và xanh hơn, được thúc đẩy bởi đổi mới, sáng tạo”, Shawn Tan bình luận.
Báo cáo từ một cuộc khảo sát của World Bank tại Việt Nam cho thấy, năm 2020, có khoảng 48% doanh nghiệp Việt Nam đã chuyển sang các nền tảng số để đáp ứng với dịch bệnh Covid-19. Con số này tăng lên 59% vào tháng 10/2020. Trong khi đó, chỉ có 5% doanh nghiệp đầu tư vào giải pháp số và 7% sắp xếp lại các tổ hợp sản phẩm.
Khi khảo sát việc áp dụng công nghệ ở Việt Nam, các chỉ số của World Bank cho thấy: “việc sử dụng công nghệ 4.0 ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu”.
Trong khuôn khổ hội thảo đo lường kinh tế số do Tổng cục Thống kê và World Bank tổ chức chiều 15/4, bà Nguyễn Thu Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết việc đo lường, lượng hóa được nền kinh tế số có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam.
Theo ông Jaffar Al-Rikabi, Chuyên gia kinh tế của World Bank, việc đo lường quy mô của nền kinh tế kỹ thuật số đối mặt với nhiều thách thức: kinh tế số là khái niệm mới với nhiều định nghĩa khác nhau, vấn đề chất lượng dữ liệu, khó đo lường mức tiêu thụ những sản phẩm kỹ thuật số, giá trị của việc đầu tư vào dữ liệu trong nền kinh tế hiện đại khó được xác định, đo lường nền kinh tế chia sẻ và cả những thách thức trong việc tìm hiểu vị trí hoạt động của nền kinh tế khi các công ty thu lợi nhiều từ hoạt động xuyên biên giới.
Kinh nghiệm trên thế giới cho thấy nền kinh tế số có thể được đo lường từ phía sản xuất hoặc phía sử dụng (đo lường từ Cung – Cầu - PV). Khi muốn biết quy mô của nền kinh tế kỹ thuật số, chúng ta đo lường hoạt động sản xuất từ phía cung. Bên cung thường liên quan đến lĩnh vực sản xuất và thương mại kinh tế kỹ thuật số, chẳng hạn như giá trị của hoạt động đầu tư, việc làm, nghiên cứu và phát triển. Trong khi đó, muốn kiểm tra tác động kinh tế của số hóa đối với nền kinh tế và xã hội lớn hơn (ví dụ như đối với năng suất và tiền lương), phải kiểm tra việc ứng dụng nó trong nền kinh tế kỹ thuật số.
Sau khi trao đổi kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, đo lường kinh tế số là vấn đề kỹ thuật và rất phức tạp, nhất là khi việc nhận dạng, thu thập thông tin vẫn còn là điều mới mẻ.
Ở một số nước phát triển cũng như các quốc gia xác định chuyển đổi số là ngành mũi nhọn sẽ có sự đầu tư cho việc thu thập thông tin để đưa ra các quyết định cũng như định hướng đầu tư cho hạ tầng số, kinh tế số đối với phát triển kinh tế.
“Việt Nam đang lựa chọn kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu. Do đó, chúng tôi mong muốn có những lời khuyên để có thể đưa ra các quyết sách, đặc biệt là thống nhất về cách hiểu và cách nhận dạng đo lường kinh tế số hiện nay và hướng đến tương lai”, bà Hương nói thêm.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận