48% doanh nghiệp vẫn phải xin giấy phép con
Đây là con số được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đưa ra tại Hội thảo công bố Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ.
Hôm nay (17/12), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo tình hình thựchiện Nghị quyết 02 năm 2019 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ.
Gần 350 nghìn doanh nghiệp vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khẳng định trong năm 2018, hầu hết các bộ đều đã ban hành được Nghị định về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mình quản lý. Các điều kiện đầu tư kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hoá của nhiều bộ vượt mức 50%.
Tại các văn bản pháp lý khác thì quá trình xây dựng, thẩm định cũng được chú trọng hơn vào yếu tố kiểm soát sự ban hành mới các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh.
Những nỗ lực này, theo ông Tuấn đã mang lại hiệu quả khá tích cực và được các doanh nghiệp phản ánh ngay qua các kết quả điều tra. Nếu như năm 2017 có 58% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện thì năm 2018 đã giảm xuống chỉ còn 48%. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn khi xin giấy phép cũng giảm từ 42% xuống còn 34%.
“Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận thì với 48% doanh nghiệp phải xin giấy phép kinh doanh vẫn ở mức cao. Vì nếu nhân con số này với hơn 714 nghìn doanh nghiệp hiện nay thì tức là có đến gần 350 nghìn doanh nghiệp vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đáng nói, trong năm 2019, một số bộ tiếp tục đưa ra Nghị định cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực do mình quản lý. Hiện nay, theo ghi nhận đã có Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra dự thảo Nghị định cắt giảm hoặc đang trong quá trình rà soát.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Tuấn, nhiều bộ ngành khác có vẻ như không muốn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này vì đã làm ở đợt cắt giảm năm 2018. Trong những bộ có tiếp tục rà soát thì mức độ cắt giảm cũng không được mạnh mẽ như năm trước.
Theo đánh giá của VCCI, hiện nay vẫn còn nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không minh bạch, không khả thi. Tuy nhiên, về mặt lập pháp thì việc tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hoá các quy định về điều kiện kinh doanh khó có thể tiếp tục được thực hiện ở cấp nghị định, mà phải ở cấp luật. Các đạo luật cần được điều chỉnh bao gồm cả phụ lục 4 của Luật Đầu tư và các đạo luật trong các lĩnh vực quản lý chuyên ngành.
Lý do bổ sung ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện không rõ ràng
Sau hơn ba năm, kể từ năm 2016, Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đang tiếp tục được tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung. Với tinh thần vừa thúc đẩy cải cách, tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp vừa đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước, Danh mục đã được kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng: bãi bỏ 12 ngành nghề; sửa đổi 19 ngành nghề, bổ sung thêm 06 ngành nghề, chuyển “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh.
“Như vậy, có thể thấy việc sửa đổi, bổ sung Danh mục lần này sẽ là một bước tiến nữa trong hoạt động thúc đẩy quyền tự do kinh doanh khi đã giảm thêm số ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Danh mục. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với các kiến nghị của doanh nghiệp trong suốt mấy năm qua thì việc sửa đổi lần này vẫn chưa đạt như kỳ vọng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Đáng nói, ông Tuấn cho biết nhiều ngành nghề không nên xác định là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vẫn tiếp tục được giữ lại. "Ví như ngành nghề “xuất khẩu gạo”; “Kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu biển”; “Kinh doanh dịch vụ sản xuất, phát hành và phổ biến phim; Kinh doanh dịch vụ lữ hành...”, ông Tuấn nói.
Các nghiên cứu của VCCI cũng chỉ ra rằng không có bằng chứng vững chắc về tác động đáng kể nào tới lợi ích công cộng để buộc Nhà nước phải kiểm soát bằng điều kiện của các chủ thể kinh doanh trước khi gia nhập thị trường của các ngành nghề kinh doanh trên.
Đáng chú ý, việc bổ sung các ngành, nghề kinh doanh mới với mối liên hệ với các mục tiêu quản lý nhà nước “vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” cũng chưa thực sự rõ ràng và thuyết phục.
Để hoạt động việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong Danh mục được thực hiện một cách thực chất, ông Tuấn cho rằng cần phải thống nhất quan điểm khi xác định ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải giải trình thuyết phục về sự phù hợp với mục tiêu quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư và cần có cơ quan soạn thảo quyết liệt thực hiện được quan điểm này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận