4 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam
CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã có báo cáo triển vọng kinh tế Quý 2/
Dự báo tăng trưởng GDP 2022
Tăng trưởng 2022 dự báo đạt 6.3%
KBSV giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng năm 2022 đạt 6.3% và kỳ vọng tăng trưởng GDP so với cùng kỳ trong Quý 2/2022 sẽ duy trì đà tăng (6.0% YoY) khi nền kinh tế hoạt động bình thường với chiến dịch "sống chung với Covid". Các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng bao gồm:
1, Đầu tư công
2, Xuất khẩu tiếp tục được hưởng lợi nhờ lộ trình tham gia các hiệp định FTAs
3, Sự quay lại của dòng vốn FDI
4, Tiêu dùng nội địa hồi phục tích cực.
Ở chiều ngược lại, cuộc chiến tranh Nga - Ukraine, cùng với tình hình Covid ở Trung Quốc khi quốc gia này thực hiện chiến lược “Zero Covid” là 2 yếu tố rủi ro chính, ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, sản xuất và lạm phát trong nước, do đó chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, và cập nhật thường xuyên.
Đầu tư công được kì vọng là động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Một số tín hiệu tích cực về tiến độ giải ngân đầu tư công trong 3 tháng đầu năm đã xuất hiện với vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước ước đạt 76.3 nghìn tỷ đồng, bằng 14.4% kế hoạch năm và tăng 10.6%.
Đầu tư công được kì vọng sẽ tạo động lực phục hồi cho nền kinh tế (theo Tổng cục thống kê ước tính nếu đầu tư công tăng thêm 1% YoY thì GDP sẽ tăng thêm 0.058%), nên Chính Phủ đã có các phương án quyết liệt hiệu quả hơn nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân đầu tư công và kịp thời xử lý các điểm nghẽn với mục tiêu đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% theo kế hoạch được giao (cụ thể theo công điện 126, và chỉ thị 01 ngày 8/2/2022). Bên cạnh đó, KBNN cũng linh hoạt hơn trong công tác kiểm soát chi nguồn vốn đầu tư với 2 cơ chế:
1, Kiểm soát trước thanh toán sau
2, Thanh toán trước kiểm soát sau đồng thời rút ngắn thời gian thanh toán vốn, nhằm tạo điều kiện tối đa cho việc giải ngân để không lỡ nhịp trong tiến trình phục hồi kinh tế, và chấm dứt tình trạng dồn việc giải ngân vào cuối năm.
Xuất khẩu tiếp tục duy trì tăng trưởng cho năm 2022
Quý 1 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 88.579 tỷ USD (+12.9% YoY). Số liệu từ Tổng Cục Hải Quan cũng cho thấy hầu hết các mặt hàng xuất khẩu truyền thống đến các đối tác thương mại lớn đều ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021 (Biểu đồ 16). Động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 bao gồm:
Các nền kinh tế lớn mở cửa trở lại kéo theo đó là sự gia tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ.
Với việc các FTA được ký kết đang dần có hiệu lực (CPTPP, EVFTA, UKFTA, RCEP…), các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang dần nắm bắt được các lợi thế cạnh tranh khi được hưởng lợi từ các mức thuế quan ưu đãi.
Giá hàng hoá xuất khẩu, nhất là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam (sắt thép, nông lâm thuỷ sản, gạo…) đang có xu hướng tăng là động lực quan trọng để gia tăng giá trị xuất khẩu.
Sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất khi Việt Nam thực hiện chiến lược “sống chung với Covid”.
Kỳ vọng dòng vốn FDI tiếp tục vào Việt Nam nhờ
(1) Mở cửa hoàn toàn giao thương quốc tế
(2) Tận dụng tốt các lợi thế có sẵn
KBSV cho rằng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài được cải thiện và tích cực hơn trong năm 2022 nhờ: (1) Việt Nam mở cửa hoàn toàn giao thương quốc tế từ ngày 15/03/2022, tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia từ đối tác đến Việt Nam nghiên cứu và ký kết hợp đồng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã bị trì hoãn do ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách và đóng cửa đường bay quốc tế trong năm 2020-2021; và (2) Việt Nam vẫn đang là điểm đến lý tưởng nhờ các yếu tố thuận lợi nhờ số lượng lớn các hiệp định FDA đã ký kết, vị trí địa lý lý tưởng, lực lượng lao động dồi dào với chi phí nhân công thấp tương đối, cùng các chính sách hỗ trợ của Chính Phủ...
Xét riêng cho quý 1, giải ngân vốn FDI đạt 4,420 triệu USD (+7.8% YoY) và đăng kí FDI mới đạt 8,907 triệu USD (- 12.1% YoY), tuy nhiên sự sụt giảm ở đăng kí FDI mới là do được so sánh trên nền cao vì yếu tố đột biến của cùng kỳ năm ngoái với 2 dự án tỷ đô đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký đạt 4.41 tỷ USD, nếu loại trừ yếu tố đột biến thì đăng kí FDI vẫn ghi nhận sự tích cực (+ 14.2% YoY) với số dự án cấp mới tăng 37.6% YoY; số lượt dự án điều chỉnh tăng vốn tăng 41.6% YoY phản ánh nhà đầu tư nước ngoài lạc quan với môi trường kinh doanh và tiếp tục đa dạng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Tốc độ phục hồi tiêu dùng nội địa tích cực
KBSV cũng kỳ vọng ngành dịch vụ nhà hàng và du lịch sẽ phục hồi trở lại trong năm 2022. Lĩnh vực này mới đây cũng cho những tín hiệu tích cực hơn nhờ các yếu tố: (1) Mở cửa hoàn toàn giao thương quốc tế, du lịch từ ngày 15/3/2022;(2) Du lịch nội địa và quốc tế sôi động hơn (biểu đồ 18), tương ứng với chỉ số Google Mobility tăng rõ nét so với mức thấp cuối tháng 9 (Biểu đồ 19).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận