4 sai lầm phổ biến khi trả lời câu hỏi: "Điểm mạnh của bạn là gì?"
"Bạn có thực sự biết điểm mạnh của mình?" hay "Điểm mạnh của bạn là gì?". Nếu nhận được câu hỏi dạng này bạn mới tự đi tìm điểm mạnh của mình với một gương mặt "đầy dấu chấm hỏi" thì không cần nghĩ cũng biết "ấn tượng" bạn để lại cho nhà tuyển dụng là gì.
Đưa ra điểm mạnh chung chung
Vì không biết rõ điểm mạnh, nên khi nhận câu hỏi này, ứng viên thường sẽ rất mất tự tin, tỏ ra ấp úng, lúng túng và đưa ra những điểm mạnh mang tính chung chung. Ví dụ: Điểm mạnh của em là chăm chỉ, là cẩn thận, không thích thay đổi môi trường công việc…
Việc đưa phẩm chất này lại khiến nhà tuyển dụng nhận ra điểm yếu của bạn. Nó cho thấy, bạn không chỉ không hiểu bản thân mà càng chẳng hiểu yêu cầu công việc, vị trí ứng tuyển.
Thay vào đó, cần hiểu rõ điểm mạnh bản thân hoặc chí ít điểm từng giúp bạn hoàn thành tốt công việc trước đó. Sau đó, hãy mạnh dạn chia sẻ với nhà tuyển dụng.
Ví dụ: "Điểm mạnh của em là kỹ năng chốt sale. Nhờ chốt sale tốt, em đã từng mang về nhiều hợp đồng quan trọng, trở thành best seller của công ty trong nhiều năm" nếu bạn ứng tuyển vị trí liên quan đến kinh doanh, bán hàng. Hoặc "Nhờ có kỹ năng giao tiếp đa ngôn ngữ, em đã được chọn đi đàm phán những hợp đồng với người nước ngoài" nếu bạn ứng tuyển vị trí làm việc trong môi trường quốc tế.
Đưa ra điểm mạnh không liên quan
Thường sẽ có hai mục tiêu lớn khi nhà tuyển dụng đặt câu hỏi: "Điểm mạnh của bạn là gì". Đầu tiên, nhà tuyển dụng muốn thấy, bạn có lợi thế cạnh tranh nào so với ứng viên khác. Sau đó, thường khi đã "lọt vào mắt" nhà tuyển dụng, họ muốn hỏi câu này để cân nhắc sắp xếp bạn vào vị trí phù hợp nhất với điểm mạnh đó.
Với cả hai mục tiêu đó thì điều quan trọng bạn phải đưa ra điểm phù hợp với môi trường làm việc, liên quan tới vị trí ứng tuyển. Tuy nhiên, ứng tuyển vào vị trí kế toán, nhưng bạn lại nói điểm mạnh là viết văn giỏi. Hay ứng tuyển vị trí nhân viên truyền thông nhưng bạn lại nói điểm mạnh là biết lên kế hoạch tài chính…
Việc đưa điểm mạnh không liên quan đến công việc, chẳng những không ghi được điểm mà thậm chí sẽ khiến nhà tuyển dụng đưa bạn ra khỏi danh sách ứng viên tiềm năng trước đó.
Nói "quá" về điểm mạnh
Có ứng viên lúng túng không dám nói ra điểm mạnh của bản thân thì cũng có ứng viên tự tin "thái quá" khi nói: Tôi có tất cả những kỹ năng mà công việc cần.
Thường không có một nhân sự nào toàn diện như vậy. Do đó, câu trả lời sẽ khiến nhà tuyển dụng nghi ngờ, thậm chí ngay lập tức đánh giá, ứng viên không biết "lượng sức", thiếu trung thực. Họ sẽ dùng một số kỹ thuật, câu hỏi để chỉ ra bạn đã nói dối. Kể cả khi "qua mặt" được nhà tuyển dụng nhưng điểm mạnh không thực sự đúng thì khi bước chân vào công ty, bạn sẽ rất mệt mỏi. Thường thì với áp lực, khó khăn phải đối diện, bạn khó mà trụ hết thời gian thử việc chưa nói tới việc gắn bó được bao lâu.
Điều đó khiến bạn vừa mất uy tín, vừa mất thời gian thậm chí bỏ lỡ cơ hội việc làm khác khi phải bắt đầu lại hành trình tìm việc.
Điểm mạnh thiếu sức thuyết phục
Có thể bạn hiểu và nắm rõ điểm mạnh bản thân. Khi được hỏi "Điểm mạnh của bạn là gì?", bạn ngay lập tức liệt kê chúng nhưng chỉ dừng lại ở đó khiến câu trả lời không có tính thuyết phục. Bởi điều quan trọng thông qua câu hỏi, bạn và doanh nghiệp tìm ra điểm chung.
Do đó, cách để ghi điểm "cực mạnh" với nhà tuyển dụng là lựa chọn một vài điểm mạnh đủ sức nặng. Sau đó, đưa ra dẫn chứng, căn cứ cụ thể chứng minh, nhờ điểm mạnh đó, bạn đã mang lại giá trị gì cho công ty, đạt thành tích gì trong công việc. Thậm chí, để thuyết phục hơn nữa, bạn đưa ra một trường hợp cụ thể chứng tỏ giá trị mà điểm mạnh đó mang lại cho công việc liên quan tới vị trí ứng tuyển.
Với cách này, nhà tuyển dụng sẽ bị thuyết phục và có ấn tượng với bạn hơn. Thậm chí họ ngay lập tức biết nên đặt bạn vào vị trí nào để khai thác tối đa điểm mạnh đó. Hoặc chí ít có kế hoạch giúp bạn phát triển hơn nữa trong công việc mới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận