menu
4 rủi ro đe doạ triển vọng 'hạ cánh mềm' của nền kinh tế Mỹ
Nguyễn Phương Ly
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

4 rủi ro đe doạ triển vọng 'hạ cánh mềm' của nền kinh tế Mỹ

Trước khi các cuộc suy thoái năm 1990, 2001 và 2007 xảy ra, nhiều nhà kinh tế Phố Wall từng khẳng định rằng Mỹ sẽ thực hiện thành công một cuộc “hạ cánh mềm” - tức là việc tăng lãi suất sẽ giúp kiềm chế lạm phát mà không gây ra suy thoái.

Tương tự, việc lạm phát và thị trường lao động cùng hạ nhiệt trong mùa hè năm nay đã thúc đẩy tâm lý lạc quan của giới chuyên gia và các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) rằng nền kinh tế Mỹ có thể hạ cánh mềm.

Tuy nhiên, hạ cánh mềm là kỳ tích hiếm khi xảy ra, bởi các nhà hoạch định chính sách rất khó để căn chỉnh thành công. Antúlio Bomfim, cựu cố vấn của Chủ tịch Fed Jerome Powell, nhận xét: “Bạn sẽ cần rất nhiều may mắn”.

Fed được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tuần này, sau khi đã nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm qua, vì ngân hàng trung ương Mỹ không muốn thổi bay cơ hội hạ cánh mềm lần này.

Song, mục tiêu lớn nói trên đang đối mặt với 4 mối đe doạ.

Thứ nhất, rủi ro Fed giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian quá lâu, thứ hai là khả năng tăng trưởng kinh tế tăng tốc, thứ ba là nguy cơ giá năng lượng nhảy vọt và cuối cùng là xác suất xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính.

Chia sẻ với Wall Street Journal, Peter Berezin, chiến lược gia cấp cao của BCA Research, cho hay: “Fed có thể tạm thời hạ cánh mềm, nhưng tôi không chắc họ có thể duy trì trạng thái đó trong thời gian dài”.

Vị chiến lược gia dự đoán suy thoái sẽ xảy ra trong nửa cuối năm tới.

Theo các nhà kinh tế, kể từ Thế chiến thứ hai, Mỹ chỉ đạt được một cuộc hạ cánh mềm bền vững duy nhất vào năm 1995.

Chúng tôi đã lèo lái nền kinh tế rất nhuần nhuyễn, nhưng ngoài ra, chúng tôi còn rất may mắn. Không có sự kiện xấu nào diễn ra”, Alan Blinder, Phó Chủ tịch Fed trong giai đoạn 1994 – 1996 nhấn mạnh.

Đầu tiên, nếu Fed giữ lãi suất ở mức quá cao trong thời gian quá dài, có nguy cơ ngân hàng trung ương này sẽ đẩy nền kinh tế vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng một cách không cần thiết.

Cuộc hạ cánh mềm năm 1995 diễn ra sau khi các quan chức Fed nhanh chóng chuyển sang hạ lãi suất.

Sau khi tăng gấp đôi lãi suất quỹ liên bang lên 6% trong 12 tháng tính đến tháng 2 năm đó, họ nhận ra rằng có thể mình đã hành động quá mạnh tay.

Tăng trưởng chững lại và các xu hướng trên toàn cầu dường như đang giúp khống chế áp lực lạm phát. Do vậy, Fed đã hạ lãi suất ba lần, bắt đầu từ tháng 7 cùng năm, theo Wall Street Journal.

Ở thời điểm đó, lạm phát đang ở quanh mức 2% và Fed nâng lãi suất để ngăn giá cả đi lên. Hiện tại, lạm phát đang trên 3% và ngân hàng trung ương Mỹ đang cố gắng kéo giá cả đi xuống.

Giới chức Fed từng cho biết rằng họ sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến ban đầu để đảm bảo áp lực giá không phình to trở lại.

Theo chiến lược gia Berezin, sau khi Fed ngừng nâng lãi suất, ông lo ngại rằng “họ sẽ ‘tạm dừng’ lâu hơn mức cần thiết bởi Fed sẽ rất xấu hổ nếu bắt đầu hạ lãi suất không lâu sau khi vừa tăng” và vì họ sợ lặp lại sai lầm chính sách hai năm trước.

Ngoài ra, sau khi đã khống chế được lạm phát, để tránh được suy thoái kinh tế, Fed cần phải giữ lãi suất ở gần mức trung lập (không thúc đẩy hay làm chậm tăng trưởng). Tuy nhiên, rất khó để xác định đúng mức lãi suất này.

Thứ hai, chi tiêu tiêu dùng và hoạt động của doanh nghiệp đang có dấu hiệu tăng tốc trở lại sau khi chững lại vào năm ngoái.

Nếu xu hướng trên tiếp tục, Fed có thể đi đến kết luận là lạm phát sẽ không tiếp đà đi xuống nếu họ không tăng lãi suất lên cao hơn, và như vậy, rủi ro suy thoái cũng lớn hơn.

Để chống lạm phát, Fed sẽ nâng lãi suất nhằm làm chậm hoạt động kinh tế. Chi phí đi vay cao hơn và giá tài sản xuống thấp hơn sẽ khiến doanh nghiệp giảm chi tiêu và tuyển dụng.

Song, cho đến nay, nền kinh tế Mỹ vẫn bền bỉ một cách đáng kinh ngạc, bất chấp những động thái mạnh mẽ của Fed. Doanh nghiệp không có động lực để thực hiện những chính sách như đã nêu.

Steven Blitz, nhà kinh tế cấp cao của GlobalData TS Lombard, nhận định rằng trong những năm tới, nền kinh tế Mỹ có thể sẽ được hưởng lợi từ khoản tiền tiết kiệm mà người dân tích luỹ từ các gói cứu trợ Covid-19 của chính phủ.

Ông nói: “Nếu tôi là quan chức Fed, thứ khiến tôi phiền lòng nhất chính là nhu nhập của các doanh nghiệp phi tài chính vẫn tăng trong quý II và thị trường chứng khoán không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào rằng nhà đầu tư dự đoán lợi nhuận sẽ sụt giảm trong quý này”.

Theo vị chuyên gia, vào năm tới, Fed sẽ biết liệu họ đã tăng lãi suất cao hơn mức cần thiết hay nâng chưa đủ cao. Cơ hội hạ cánh mềm lúc này khá mong manh.

Thứ ba, việc giá dầu tăng có nguy cơ kéo lạm phát lên cao hơn, đồng thời hạn chế tăng trưởng kinh tế bằng cách tác động vào chi tiêu tuỳ ý của người tiêu dùng.

Blinder, hiện là giáo sư kinh tế tại Đại học Princeton, cho biết một cú sốc “lạm phát đình trệ” như vậy là trái ngược với những gì Fed muốn khi họ cố gắng thiết kế một cuộc hạ cánh mềm.

Động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã đưa giá dầu thô lên mức cao nhất trong 10 tháng. Giá dầu diesel, nhiên liệu máy bay và nhiên liệu hàng hải bật tăng có thể đảo ngược xu hướng thiểu phát hiện nay bằng cách làm gia tăng chi phí vận chuyển, kéo giá thực phẩm, chi phí xây dựng,... đi lên.

Giá dầu nhảy vọt sau khi Fed bắt đầu hạ lãi suất vào năm 1990 và 2008 khiến việc hạ cánh nền kinh tế Mỹ khó khăn hơn nhiều.

Kết phiên giao dịch ngày 15/9, giá dầu WTI đã vọt lên mức 91 USD/thùng, tăng gần 30% kể từ tháng 6. Berezin cảnh báo: “...nếu giá dầu lên trên 100 USD/thùng một lần nữa, tôi sẽ lo lắng hơn”.

Trong quá khứ, Fed chưa từng phải tăng lãi suất khi đối mặt với một cú sốc nguồn cung dầu thô. Tuy nhiên, sau hai năm rưỡi qua, các quan chức có lý do để lo ngại rằng một cú sốc giá dầu sẽ thúc đẩy lạm phát.

Theo các quan chức Fed, kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng và doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định lạm phát thực tế. Giá xăng đắt đỏ hơn có nguy cơ kéo kỳ vọng lạm phát tăng đáng kể.

Thứ tư, nền kinh tế Mỹ có thể bị ảnh hưởng bởi một cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính hoặc một xung đột địa chính trị.

Nhiều nhà phân tích coi sự đảo chiều nhanh chóng của chi phí đi vay trên toàn cầu và những tác động có độ trễ của chính sách tiền tệ thắt chặt là yếu tố dễ gây bất ổn.

Fed đã giữ lãi suất gần mức 0 trong 7 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 - 2009, sau đó nâng lãi suất lên một chút và cuối cùng phải đưa lãi suất về mức 0 khi đại dịch xuất hiện.

Kết quả, nhiều công ty tài chính và doanh nghiệp có thể đã vay nợ và thực hiện các khoản đầu tư khi lãi suất ở mức thấp đó.

Tại một sự kiện hồi tuần trước, CEO JPMorgan Chase là Jamie Dimon cảnh báo rằng nếu lãi suất tăng thêm 50 điểm cơ bản, lĩnh vực ngân hàng và bất động sản sẽ chịu nhiều căng thẳng hơn.

Ông cũng lưu ý về những rủi ro liên quan đến thâm hụt ngân sách ngày càng lớn của chính phủ Mỹ, ngay thời điểm Fed đang thu hẹp bảng cân đối kế toán.

Cả hai sự việc đều có thể gây áp lực cho thị trường, khi nhà đầu tư buộc phải tiếp nhận nguồn cung trái phiếu Kho bạc ngày càng lớn. Lợi suất của các chứng khoán nợ này có ảnh hưởng đáng kể đến lãi suất của các khoản vay thế chấp nhà ở và nợ vay doanh nghiệp.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả