menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Xuân Lộc

4 nguyên nhân NHNN rút ròng mạnh

Theo VDSC, động thái NHNN rút ròng mạnh trong tháng 2 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chuẩn bị nguồn thanh khoản ứng phó với rủi ro áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng mạnh từ sau tháng 5.

4 nguyên nhân NHNN rút ròng mạnh
Theo VDSC, điểm rơi của áp lực trả nợ sẽ rơi vào giai đoạn tháng 5-9 và tháng 12/2023

Báo cáo vĩ mô tháng 3 của CTCK Rồng Việt (VDSC) đề cập, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có động thái rút ròng khá mạnh trong tháng 2 với quy mô hút ròng xấp xỉ 198.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 83.200 tỷ đồng tín phiếu đang lưu hành có kỳ hạn 91 ngày, đồng nghĩa với việc một lượng tiền lớn được rút ra khỏi hệ thống ngân hàng và kỳ vọng sẽ được bơm trở lại vào nửa cuối tháng 5/2023.

Theo VDSC, động thái điều hành cung tiền trong tháng qua của NHNN xuất phát từ một số nguyên nhân gồm: 1) tăng trưởng tín dụng thấp vào đầu năm, 2) lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng giảm mạnh và 3) NHNN tích cực điều tiết để ứng phó với biến động tăng lãi suất của Fed, và cũng có thể là 4) một sự chuẩn bị nguồn thanh khoản để ứng phó với rủi ro áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ tăng mạnh từ sau tháng 5/2023.

Theo ước tính của công ty chứng khoán này, quy mô TPDN trong năm 2023 khoảng 290.000 tỷ đồng, điểm rơi của áp lực trả nợ sẽ rơi vào giai đoạn tháng 5-9 và tháng 12/2023. Riêng đối với lĩnh vực bất động sản và xây dựng, quy mô TPDN đáo hạn trong năm 2023 là khoảng 145.000 tỷ đồng, trong đó áp lực trả nợ là khoảng 85.000 tỷ đồng trong giai đoạn đỉnh điểm từ tháng 5-9/2023.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, việc phát hành TPDN khá ảm đạm, chỉ có Sơn Kim Land và CTCP Đầu tư Phan Vũ là hai doanh nghiệp phát hành thành công với tổng giá trị phát hành tương ứng là 500 tỷ đồng và 110 tỷ đồng, với mức lãi suất lần lượt là 13,5%/năm và 10,5%/năm.

4 nguyên nhân NHNN rút ròng mạnh

Quy mô mua lại trước hạn TPDN trong 2 tháng đầu năm là khoảng 15.000 tỷ đồng, tăng khoảng 56% so với cùng kỳ. Dù vậy, việc mua lại trước hạn của các tổ chức phát hành TPDN có phần chững lại so với giai đoạn nửa cuối năm 2022. Tổng giá trị TPDN mua lại trước hạn từ đầu năm 2022 đến nay là 235.000 tỷ đồng, trong đó, 48% quy mô mua lại thuộc nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, dịch vụ tài chính, gần 112.000 tỷ đồng) và 30% thuộc nhóm bất động sản và xây dựng (gần 70.000 tỷ đồng).

Rủi ro không thanh toán được nợ gốc và lãi TPDN của các tổ chức phát hành đã bộc lộ rõ hơn trong thời gian gần đây. Trong 2 tháng đầu năm 2023, có khoảng 22.800 tỷ đồng TPDN đáo hạn, tuy nhiên, thống kê của HNX cho thấy có khoảng 13 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu với quy mô phát hành khoảng 3.800 tỷ đồng.

Luỹ kế từ tháng 9/2022 đến nay, có khoảng hơn 60 doanh nghiệp công bố chậm trả lãi và nợ gốc trái phiếu, phần lớn tập trung vào nhóm doanh nghiệp bất động sản và xây dựng. Trong bối cảnh năng lực tài chính và tình hình kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này chưa có cửa sáng để cải thiện, VDSC cho rằng vấn đề vi phạm trong nghĩa vụ trả nợ đối với trái chủ có thể sẽ gia tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, rủi ro này sẽ tập trung ở lĩnh vực bất động sản và xây dựng.

Nhìn chung, vấn đề khó khăn của thị trường TPDN đối với nhà đầu tư hiện nay đã không còn mới, VDSC cho rằng việc có thêm những tổ chức phát hành không hoàn thành nghĩa vụ với trái chủ là diễn biến có thể lường trước.

Ngoài ra, mặc dù bản chất khó khăn của thị trường TPDN chưa được tháo gỡ nhưng kỳ vọng rủi ro này sẽ không bị thổi phồng lên trong thời gian tới khi doanh nghiệp có những giải pháp đàm phán và thu xếp với trái chủ sau khi Nghị định 65 được sửa đổi.

Cùng với đó, quy mô TPDN đáo hạn đã giảm mạnh nhờ hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn, rủi ro mất khả năng thanh toán đang được tích luỹ và bộc lộ dần nhưng ở mức dự báo được khi xét về quy mô, TDPN đáo hạn của nhóm bất động sản, xây dựng chiếm khoảng 1,2% quy mô tín dụng toàn hệ thống.

Rủi ro mất khả năng thanh toán lây lan sang các khoản nợ vay ngân hàng của doanh nghiệp bất động sản, xây dựng nói riêng và các lĩnh vực khác cũng là một vấn đề cần lưu tâm. Dù vậy, VDSC cho rằng xác suất xảy ra và tác động của rủi ro này chưa thực sự rõ ràng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
3 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại