24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quang Sang
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

4 lưu ý để Việt Nam đi đúng lộ trình trở thành nền kinh tế có hiệu suất cao

Covid-19 đã làm gián đoạn hành trình của Việt Nam trên con đường trở thành một nền kinh tế có hiệu suất cao, nhưng một số điều chỉnh cơ cấu thích hợp có thể giúp Việt Nam trở lại đúng lộ trình đó.

Cho đến nay, với số ca nhiễm và ca tử vong do Covid-19 được ghi nhận tương đối ít, Việt Nam đang có cơ hội, cũng như bắt buộc phải cân nhắc những khát vọng kinh tế dài hạn, ngay cả khi đất nước đối phó với sự bùng phát trở lại của virus SARS-CoV-2. Để thành công lâu dài, Việt Nam cần phải tập trung vào các vấn đề và cơ hội đã tồn tại từ lâu trước đại dịch.

Theo một báo cáo thực hiện chung năm 2019 của Ngân hàng Thế giới và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, muốn thành công, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng hàng năm từ 7,0 đến 7,5% trong giai đoạn 2021 - 2030, cao hơn nhiều so với mức 6,3% trung bình của Việt Nam trong giai đoạn mười năm trước 2018.

Vào năm 2018, một nghiên cứu của McKinsey đã xác định, Việt Nam là một trong 11 quốc gia đạt hiệu suất vượt trội toàn cầu trong thời gian gần đây, nhờ ghi nhận mức tăng trưởng GDP bình quân đầu người hơn 5%/năm trong 20 năm, ngoài thành công trong việc nâng đáng kể tỷ lệ dân số thoát khỏi đói nghèo. Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để duy trì hiệu suất vượt trội, ví dụ như thu nhập khả dụng ngày càng tăng, tiếp tục đầu tư vào các dự án hạ tầng, và môi trường kinh doanh hấp dẫn. Những điều chỉnh trong 4 lĩnh vực lớn dưới đây có thể giúp Việt Nam đi vào quỹ đạo tăng trưởng cần thiết.

Định vị Việt Nam là một điểm đến quốc tế ưu việt

Trước Covid-19, Việt Nam đã là điểm đến hấp dẫn cho ngành sản xuất gia công và du lịch. Ngay cả khi Việt Nam phải chiến đấu với chủng virus mới, tổng số ca bệnh và số ca tử vong được ghi nhận ở mức thấp đã chứng minh năng lực hệ thống của quốc gia này trong truy dấu và quản lý ổ dịch một cách hiệu quả. Điều này tạo ra cho Việt Nam một định vị tốt khi du lịch quốc tế hoạt động trở lại.

Khi đó, Việt Nam có thể chú trọng các hoạt động quảng bá du lịch tại châu Á, nơi có những du khách sớm nhất khi các quốc gia mở cửa biên giới. Đồng thời, các đơn vị vận hành khách sạn và du lịch sẽ cần tận dụng cơ hội này để đa dạng hóa cả sản phẩm du lịch và phân khúc thị trường.

Việt Nam có thể đẩy mạnh du lịch nội địa để thử nghiệm các dịch vụ mới, nhưng cần giảm giá do sức chi tiêu nội địa tương đối thấp hơn. Tái thu hút và tăng tốc đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực sản xuất cũng rất quan trọng để thúc đẩy con đường tăng trưởng lên mức cao hơn của Việt Nam.

Đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng để nâng cao năng suất

Để duy trì tăng trưởng lâu dài hơn, cũng có thể xem xét một số thay đổi cơ cấu. Ba điều kiện hỗ trợ cần thiết là giáo dục, năng suất lực lượng lao động và cơ sở hạ tầng. Về giáo dục, Việt Nam có thể khai thác những thế mạnh nổi bật.

Theo nghiên cứu của McKinsey năm 2017 về động lực thúc đẩy thành tích của học sinh, Việt Nam là một trong những quốc gia châu Á có thành tích học tập cao.

Việt Nam đã tăng đáng kể tỷ lệ phổ cập giáo dục ở tất cả các cấp trong 20 năm qua. Tỷ lệ đi học tiểu học của Việt Nam gần như đã đạt phổ cập, chỉ xếp sau Nhật Bản, cao hơn Hàn Quốc và Hồng Kông trong số các quốc gia có thành tích cao ở châu Á. Các sáng kiến giáo dục tập trung vào phát triển các kỹ năng nhận thức, hành vi và thực hành, đẩy mạnh phát triển các trường dạy nghề cũng được Việt Nam chú trọng.

Việc đầu tư cho giáo dục trong phạm vi các sáng kiến tăng năng suất có thể nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động vốn dĩ bị tụt hậu, không mấy cải thiện mặc dù tăng trưởng kinh tế tích cực và vẫn duy trì chi phí lao động cạnh tranh.

Lực lượng lao động có trình độ cao hơn có thể là yếu tố hấp dẫn đối với các nhà sản xuất đang muốn khám phá các công nghệ của nền công nghiệp 4.0, giúp đất nước vươn lên trong chuỗi giá trị, tiến sang các lĩnh vực có năng suất và thu nhập cao hơn.

Một cuộc khảo sát gần đây của McKinsey cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam hào hứng với công nghiệp 4.0 nhất so với các doanh nghiệp ngang hàng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (khối ASEAN), nhưng tỷ lệ áp dụng vẫn còn thấp. Vì vậy, Việt Nam cần nỗ lực phối hợp từ các bên liên quan trong khu vực công, khu vực tư và giới học thuật để chuyển ý định này thành hành động triển khai cụ thể.

Ngoài ra, Việt Nam có thể mở rộng quy mô đầu tư vào việc tái phát triển cơ sở hạ tầng. Các cảng đang hoạt động ở mức quá tải. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội sẽ cần những khoản đầu tư đáng kể để xây dựng đường xá và sân bay. Tuy nhiên, nợ công chiếm khoảng 60% GDP, so với 52% ở Malaysia, 40% ở Philippines và khoảng 30% ở Indonesia và là rào cản tiềm năng đối với việc tái phát triển.

Khung hợp tác công - tư đã được đơn giản hóa vào năm 2020, nhưng cần tiếp tục nỗ lực triển khai để thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng.

Tiếp tục tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực phi chính thức

Bên cạnh sản xuất và du lịch, Việt Nam có thể tập trung tăng cường khả năng cạnh tranh của các lĩnh vực chiến lược khác trong nước, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) và các công ty khởi nghiệp, để tăng khả năng phục hồi của quốc gia.

Các DNVVN và khu vực phi chính thức cùng nhau tạo thành nguồn cầu nội địa quan trọng và cần được tiếp tục hỗ trợ, đặc biệt là trong ngắn hạn khi tốc độ tăng trưởng và thu nhập vẫn suy giảm. Có thể ưu tiên triển khai tài chính toàn diện và củng cố hệ thống ngân hàng với trọng tâm tăng số lượng ngân hàng tuân thủ Basel.

Việt Nam cũng không thể bỏ qua một cỗ máy tăng trưởng lớn nhưng chưa phát huy hết hiệu quả - các DNNN, hiện chiếm 1/3 GDP nhưng tăng trưởng chậm hơn nhiều so với các doanh nghiệp khác. Mặc dù Việt Nam đã giảm hơn 90% số lượng DNNN kể từ năm 2001, nhưng vẫn còn cách xa đích đến vì khu vực kinh tế này vẫn chưa tinh gọn hơn.

Các chương trình cổ phần hóa, thoái vốn đảm bảo sự bền vững và đổi mới có mục tiêu được coi là nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh của các DNNN trên sân nhà và thậm chí vươn xa hơn nữa ra toàn cầu. Ngoài ra, còn một tiềm năng đáng kể chưa được khai phá trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.

Năm 2019, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được 741 triệu USD đầu tư, so với 2,38 tỷ USD của Indonesia. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam chỉ tạo ra 1 kỳ lân so với 6 kỳ lân của Indonesia. Nỗ lực cho một hệ sinh thái bài bản hơn có thể loại bỏ các hạn chế về mặt cơ cấu đối với hoạt động kinh doanh tư nhân, cung cấp nguồn tài chính cho các dự án có tiềm năng lớn và cơ cấu ươm mầm hiệu quả cho các loại hình kinh doanh tăng trưởng cao.

Khám phá các nguồn năng lượng tái tạo để giảm khí thải carbon trong phát triển

Là một động lực thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu về các nguồn năng lượng mới và một quốc gia có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam có thể đẩy nhanh hành trình tiến tới một tương lai giảm lượng phát thải khí carbon.

Một kế hoạch quốc gia mới sẽ tạo động lực lớn cho bước chuyển đổi này. Theo đề xuất mới nhất, dự kiến than đá sẽ chiếm 37% sản lượng năng lượng tạo ra đến năm 2025 thay vì tỷ lệ bằng một nửa như kế hoạch trước đây. Năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 25%, thay vì 13% theo đề xuất cũ. Đề xuất mới này thể hiện sự thu hẹp đáng kể các kế hoạch phát triển các nhà máy than, vốn đang chịu nhiều áp lực và đối mặt với những thách thức về tài chính trong những năm gần đây.

Việt Nam có thể xem xét cơ hội khuyến khích vốn đầu tư mới vào năng lượng tái tạo thông qua các chính sách ưu đãi mạnh mẽ và tiến hành đánh giá chi tiết năng lực lưới điện cho các dự án sản xuất điện mới, để hiểu chính xác quốc gia này cần có những gì để tích hợp các loại năng lượng tái tạo.

Sắp tới, khi tình hình đại dịch Covid-19 được bình ổn và thương mại toàn cầu gia tăng, các điều chỉnh cơ cấu được đề xuất như trên có thể kích hoạt lại ngành xuất khẩu trọng yếu của Việt Nam và khiến mục tiêu chuyển đổi của đất nước trở lại trong tầm tay. Cùng với biện pháp ứng phó hợp lý sau Covid-19 mở đường cho sự phục hồi kinh tế, những điều chỉnh như vậy đối với nền kinh tế Việt Nam có thể khiến cho Việt Nam tương lai trở thành một quốc gia có hiệu suất cao.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả