4 lãnh đạo một công ty có 51% vốn Nhà nước cùng xin từ chức trước thềm Đại hội cổ đông
CTCP Vận tải biển Sài Gòn (mã SGS) vừa nhận một loạt đơn từ nhiệm của các lãnh đạo công ty. Trong đó, ông Lê Minh - Chủ tịch HĐQT SGS nộp đơn từ nhiệm thành viên HĐQT với lý do nhằm giải quyết việc gia đình. Bà Huỳnh Như Ý - thành viên HĐQT công ty nộp đơn từ nhiệm với lý do vì công việc cá nhân và theo phân công của cổ đông đề cử.
Trước đó ít ngày, bà Dương Thị Kim Kiều - thành viên Ban Kiểm soát của công ty đã nộp đơn từ nhiệm với lý do vì hoàn cảnh gia đình và sức khỏe không còn được đảm bảo để đảm nhận công việc được phân công. Hiện, bà đã phải trở về quê để ổn định cuộc sống.
Đây là lần 3 bà Kiều nộp đơn từ nhiệm. Lần đầu vào ngày 25/5/2022, bà Kiều nộp đơn từ nhiệm để ĐHĐCĐ thường niên 2022 xem xét nhưng không được thông qua. Đến tháng 6/2022, bà tiếp tục gửi đơn từ nhiệm và được ĐHĐCĐ thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên Ban Kiểm soát. Tuy nhiên, tháng 9/2023, Tòa án tuyên hủy Nghị quyết ĐHĐCĐ tháng 7/2022 của SGS.
Một lãnh đạo khác của SGS là ông Phạm Văn Hưởng - Tổng Giám đốc công ty cũng đã nộp đơn từ nhiệm xin thôi giữ chức vụ kể từ ngày 20/6/2024 với lý do chuyển công ty. Ông Hưởng là đại diện của Tổng Công ty Cơ Khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (SAMCO) tham gia điều hành công ty.
Đơn từ nhiệm của các lãnh đạo SGS sẽ được ĐHĐCĐ thường niên 2024 dự kiến diễn ra ngày 10/7 xem xét thông qua. Đến thời điểm hiện tại, công ty chưa công bố tài liệu họp chi tiết.
Về tình hình kinh doanh quý 1/2024, SGS ghi nhận doanh thu thuần đạt 49 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 7,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 3,8% và 35% so với cùng kỳ 2023.
Trong năm 2023 trước đó, SGS ghi nhận doanh thu đạt hơn 222 tỷ đồng, giảm 13% so với năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại tăng gần 7% so với năm trước lên mức 49 tỷ đồng và là mức cao kỷ lục từ khi hoạt động.
SGS tiền thân là Công ty Vận tải biển Sài Gòn, được thành lập ngày 22/9/1981. Công ty hoạt động dưới hình thức CTCP theo quyết định ngày 9/12/2004 của UBND TP. Hồ Chí Minh. Ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng hóa bằng đường biển trong và ngoài nước; đại lý môi giới hàng hải cho các tàu trong và ngoài nước...
SGS hiện có vốn điều lệ hơn 144 tỷ đồng, trong đó SAMCO là công ty mẹ chi phối 51%. SAMCO là doanh nghiệp nhà nước kinh doanh đa ngành, trong đó ngành chính là sản xuất các sản phẩm cơ khí giao thông, vận tải và cung cấp dịch vụ về giao thông, vận tải chất lượng cao. Tổng công ty chuyên kinh doanh ô tô, xe buýt, xe khách; Cung cấp phụ tùng chính phẩm, thực hiện bảo trì sửa chữa ô tô các loại; Sản xuất, lắp ráp các loại xe buýt và xe chuyên dùng trên nền cơ sở,…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận