menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khánh Hưng

4 dự án trọng điểm khai thông đường thủy

4 dự án, công trình trọng điểm trong lĩnh vực đường thuỷ nội địa, được kỳ vọng khơi thông “yết hầu”, phát huy tối đa lợi thế của hệ thống đường thủy đến năm 2030

Bộ Kế hoạch và đầu tư vừa ban hành dự thảo Đề án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021-2030 thực hiện đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012.

Trong đó, các dự án, công trình đường thủy nội địa trọng điểm được chú trọng đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 bao gồm dự án nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn II; dự án nâng cấp hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; dự án nâng cấp tĩnh không cầu Đuống; nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia.

TẬP TRUNG NÂNG CẤP CÁC TUYẾN CHÍNH

Nghị quyết 13 đã đề ra mục tiêu phát triển cho lĩnh vực đường thủy nội địa là: "nâng cấp các tuyến đường thuỷ nội địa chính; tăng chiều dài các đoạn tuyến sông được quản lý khai thác. Nâng cấp và xây dựng mới một số cảng đầu mối, bến hàng hoá và hành khách ở đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Sông Hồng. Ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến ở đồng bằng sông Cửu Long kết nối với Tp. HCM; các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng, sông Thái Bình".

Thời gian qua, kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa đã được khai thác phục vụ cho hoạt động vận tải hàng hóa nội địa nhờ các hệ thống đường thủy chính tại hai vùng đông dân cư nhất, kinh tế phát triển nhất và được kết nối trực tiếp với các cảng biển lớn.

Theo đó, hệ thống đường thủy nội địa khu vực phía Bắc nằm ở đồng bằng sông Hồng, tập trung vào trung tâm tăng trưởng kinh tế là Hà Nội và kết nối với cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Hệ thống đường thủy nội địa khu vực phía Nam tập trung tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối với trung tâm tăng trưởng kinh tế Tp. HCM và các cảng biển lớn của khu vực Đông Nam Bộ.

Cụ thể hơn, về luồng tuyến, tuyến vận tải đường thủy nội địa hiện có 45 tuyến. Trong đó, miền Bắc có 17 tuyến, miền Trung có 10 tuyến và miền Nam có 18 tuyến. Tuyến ven biển có 21 tuyến, trong đó khu vực miền Bắc có 6 tuyến, miền Trung có 4 tuyến, miền Nam có 11 tuyến.

Việc đầu tư nâng cấp thời gian vừa qua, tại khu vực phía Bắc đã cải tạo, nâng cấp được 7/17 tuyến với chiều dài tương ứng là 949,5/2.265,5 km, đạt 41%. Miền Trung, đã cải tạo, nâng cấp được 1/10 tuyến với chiều dài tương ứng là 63,5 km/480,5 km, đạt 13%. Khu vực phía Nam, đã cải tạo, nâng cấp được 9/18 tuyến với chiều dài tương ứng là 2.303,9 km/3.426,4 km, đạt 67%. Hiện có 2.098 phao báo hiệu, 7.675 báo hiệu bờ, 203 báo hiệu cầu, 118 trạm đo mực nước.

Các cảng, bến thủy nội địa chủ yếu do các doanh nghiệp đầu tư khai thác. Cả nước hiện có 7.257 cảng, bến, trong đó, có 4.746 cảng, bến do trung ương quản lý, 2.511 cảng, bến do địa phương quản lý. Số cảng bến do trung ương quản lý hiện có 3.492 cảng, bến được cấp phép, 1.217 cảng, bến chưa được cấp phép. Số cảng bến do địa phương quản lý hiện có 2.201 cảng, bến đã được cấp phép, 310 cảng, bến chưa được cấp phép.

Tổng số cảng thủy nội địa là 306 cảng, trong đó có 254 cảng do trung ương quản lý, 52 cảng do địa phương quản lý. Tổng lượng hàng qua cảng do trung ương quản lý chiếm khoảng 20% tổng lượng hàng vận tải đường thủy nội địa.

Trong giai đoạn 2011-2020, đường thủy nội địa được đầu tư 73.157 tỷ đồng, chiếm 7,46% tổng vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, gồm 13.157 tỷ đồng vốn ngân sách, 60.000 tỷ đồng ngoài ngân sách. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 là 32.053 tỷ đồng, chiếm 5,82%, gồm 8.053 tỷ đồng vốn ngân sách và 24.000 tỷ đồng ngoài ngân sách. Đối với giai đoạn 2016-2020, được đầu tư 41.104 tỷ đồng, chiếm 9,57%, gồm 5.104 tỷ đồng vốn ngân sách, 36.000 tỷ đồng ngoài ngân sách.

TĂNG KẾT NỐI, ĐẢM BẢO ĐỒNG BỘ

So với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết 13, việc nâng cấp các tuyến vận tải thủy ở đồng bằng sông Cửu Long kết nối với Tp. HCM, các tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Hồng làm giảm năng lực vận tải đường thủy ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, chưa ưu tiên hoàn thành.

Về các công trình, dự án phát triển kết cấu hạ tầng chưa đạt được mục tiêu, hiện tại còn có 251/532 cầu và công trình vượt sông nằm trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia do trung ương quản lý có tĩnh không thông thuyền thấp hơn thông số kỹ thuật theo cấp quy hoạch đã được phê duyệt.

"Các trục kết nối với các cảng, bến thủy nội địa chủ yếu là các đường tỉnh, khả năng kết nối giữa hệ thống đường tỉnh với hệ thống quốc lộ còn hạn chế, khả năng kết nối trực tiếp hệ thống quốc lộ với cảng, bến thủy nội địa chưa phát huy hết năng lực. Các tuyến luồng thủy nội địa chưa được đầu tư nâng cấp, đặc biệt các tuyến luồng khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên hạn chế khả năng khai thác vận tải đường thủy nội địa vốn là tiềm năng của Việt Nam", dự thảo nhấn mạnh.

Đặc biệt, công tác bố trí vốn còn dàn trải, chưa tập trung cho các công trình trọng điểm. Công tác thi công, quản lý dự án còn nhiều yếu kém, bất cập. Hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, quản lý vận tải… chưa đồng bộ, đầy đủ. Việc huy động vốn xã hội hóa cho lĩnh vực đường thủy nội địa còn nhiều khó khăn do không hấp dẫn nhà đầu tư.

Theo Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa Việt Nam Bùi Thiên Thu, năm 2020, vận tải hành khách ĐTNĐ đạt hơn 191 triệu lượt khách, chỉ chiếm 6% toàn ngành và 3,4 tỷ lượt khách.km, chiếm 2% toàn ngành. Vận tải hàng hóa đạt gần 309 triệu tấn, chiếm 19% toàn ngành và gần 62 tỷ tấn.km, chiếm 20% toàn ngành. So với năm trước, sản lượng vận tải khách và hàng hoá lần lượt giảm hơn 8% và hơn 10%.

Với lợi thế có hệ thống sông kênh dày đặc, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển vận tải thủy nội địa tuy nhiên lĩnh vực này chưa phát huy hết tiềm năng sẵn có. Với chi phí chỉ bằng 1/4 vận tải đường bộ, ½ đường sắt, tuy nhiên, tỷ trọng vận tải hàng hoá và hành khách chỉ chiếm lần lượt 6% và 2% toàn ngành, cho thấy sự mất cân bằng giữa phát triển các hình thức giao thông vận tải.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả