menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Tiểu Mạnh

4 chiêu thức lừa đảo phòng trọ phổ biến

Các chiêu thức lừa đảo phòng trọ ngày càng tinh vi, không chỉ nhắm đến sinh viên năm nhất, người mới lên thành phố mà ngay cả những người có kinh nghiệm tìm phòng trọ cũng có thể sập bẫy.

Trong các hình thức lừa đảo phòng trọ dưới đây, các đối tượng xấu thường lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, tâm lý muốn tìm kiếm phòng trọ tốt với giá thấp nhất của người đi thuê để trục lợi.

1. Giả danh chủ nhà để lừa đảo cho thuê phòng trọ

Các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn sinh viên năm nhất lên thành phố học tập dễ trở thành “con mồi” của các đối tượng lừa đảo. Là người “chân ướt, chân ráo” đến một nơi hoàn toàn mới mẻ, các bạn sinh viên còn lạ lẫm với khu vực xung quanh nên thủ đoạn lừa đảo phòng trọ của kẻ xấu thường là đưa ra giá thuê rẻ và dẫn khách có ý định thuê đi xem những căn phòng trọ có vẻ ngoài tươm tất nhưng vắng chủ. Khi khách thuê ngỏ ý muốn vào xem bên trong phòng thì kẻ lừa đảo sẽ viện nhiều lý do để ngăn khách thuê kiểm tra phòng.

Thủ đoạn tiếp diễn bằng việc kẻ lừa đảo mồi chài người thuê đặt cọc với những lý do thuyết phục như “đang có nhiều người hỏi thuê phòng”, “không đặt cọc nhanh sẽ có người khác thuê mất”… Do thấy số tiền cọc không quá lớn, lại ưng ý căn phòng nên nhiều bạn sinh viên nhanh chóng đặt cọc. Tuy nhiên, họ lại không biết rằng mình vừa sập bẫy lừa đảo phòng trọ. Đến ngày chuẩn bị dọn đồ vào ở thì khách thuê không thể liên lạc được với "chủ trọ" dù đã tìm đủ mọi cách.

Đơn cử như trường hợp của bạn Thu Trang (sinh viên năm nhất Đại học Ngoại thương cơ sở phía Nam) đã đặt cọc 1 triệu đồng cho một người tự giới thiệu là chủ phòng trọ Bình Thạnh, nhưng khi đến dọn dẹp phòng để chuyển vào thì thấy phòng đó đã có người ở. Trang tìm gặp chủ phòng trọ thực sự là anh Thắng thì người đàn ông này cho biết người thuê hiện tại đã đặt cọc trước đó 2 tuần. Quá bức xúc, Trang đòi lại tiền cọc thì anh Thắng khẳng định không hề nhận tiền cọc của Trang. Lúc này, cô sinh viên năm nhất mới tá hoả biết rằng người mình gặp và nộp tiền cọc cách đây vài hôm chỉ là kẻ lừa đảo chứ không phải chủ nhà.

2. Lật lọng để ép khách thuê vào thế bí

Với phương thức này, kẻ lừa đảo không cần giả danh chủ nhà để lừa đảo cho thuê phòng trọ mà dùng chiêu trò lật lọng ép khách thuê vào thế bí. Khi khách thuê đến hỏi phòng, kẻ lừa đảo cho thuê phòng sẽ vẽ ra mọi điều kiện ưu đãi như phòng khang trang, giá thuê tốt, tiền điện nước rẻ như giá nhà nước… nhằm lôi kéo khách thuê cảm thấy ưng ý và xuống tiền cọc. Tuy nhiên, khi bạn đến làm hợp đồng thuê phòng trọ thì kẻ lừa đảo sẽ đưa ra những điều kiện hết sức “ngặt nghèo” từ trên trời rơi xuống, ép khách thuê vào thế thà chấp nhận bỏ cọc còn hơn tiếp tục thuê.

Bạn Ngân Anh (23 tuổi) mới lên TP.HCM thuê nhà và tìm việc thì đã gặp ngay chiêu trò lừa đảo phòng trọ. Theo lời kể của Ngân Anh, khi đọc được tin rao cho thuê phòng trọ Quận 7, giá thuê chỉ 3,3 triệu đồng/tháng. Xem trên tin rao thấy hình ảnh căn phòng sạch sẽ, lại mới xây nên cô rất ưng ý, liền gọi điện cho chủ nhà hẹn ngày xem phòng. Khi Ngân Anh đến xem phòng, chủ nhà cho biết tiền điện, nước, internet mỗi tháng chỉ khoảng 450.000 đồng/người và không phát sinh thêm chi phí. Chủ nhà còn thúc giục cô đặt cọc để giữ phòng vì đang có nhiều người hẹn đến xem phòng trong hôm đó. Nhẩm tính số tiền thuê trọ trong khả năng chi trả của gia đình, vì sợ người khác thuê mất nên Ngân Anh vội vàng đặt cọc trước nửa tháng tiền nhà. Chủ nhà cho biết sẽ trừ khoản tiền này vào tiền nhà khi cô chuyển đến ở nên Ngân Anh không mảy may nghi ngờ gì.

Đúng như đã hẹn, 7 ngày sau, Ngân Anh chuyển đồ đến và làm hợp đồng. Lúc này, chủ nhà đưa ra một bản hợp đồng thuê phòng trọ với những điều khoản khác hoàn toàn với thoả thuận ban đầu. Tiền điện, nước, internet bị đội lên 600.000 đồng/người mỗi tháng. Ngoài ra, khách thuê cũng phải trả thêm tiền giữ xe máy là 100.000 đồng/tháng và 100.000 tiền điện khu vực sinh hoạt chung, tiền camera an ninh, chưa tính đến tiền thu gom rác thải. Tổng giá thuê lúc này bị đội lên tới 4,1 triệu đồng/tháng khiến Ngân Anh tá hoả. Chưa kể, chủ nhà còn đưa ra bảng nội quy phòng trọ với nhiều quy định vô lý như không được dẫn bạn về nhà, đóng cửa dãy trọ lúc 11 giờ đêm… Quá bức xúc với kiểu phòng trọ lừa đảo như vậy, Ngân Anh quyết định không thuê nữa và đòi lại tiền cọc nhưng chủ nhà kiên quyết không trả lại tiền cọc vì không có bằng chứng gì.

3. “Cò” lừa đảo lấy tiền xem phòng

Chiêu thức lừa đảo lấy tiền xem phòng diễn ra khá phổ biến khiến không ít khách thuê phải ngán ngẩm. Cách thức lừa đảo không quá mới mẻ nhưng sinh viên năm nhất, người mới lên thành phố do ít kinh nghiệm nên vẫn dễ dàng mắc bẫy. Cụ thể, “cò nhà” sẽ đăng tin cho thuê phòng trọ lên mạng. Khi khách thuê tìm đến, “cò nhà” sẽ giở mánh khoé, nói chuyện lòng vòng và đòi khách thuê ứng trước một khoản tiền giới thiệu rồi mới dẫn đi xem phòng. Trong trường hợp bạn không đưa, chúng sẽ hăm doạ đủ điều. Thậm chí, ngay cả khi đã nhận được tiền cọc từ bạn, kẻ lừa đảo tiếp tục giở thủ đoạn và đưa bạn đến xem một phòng trọ khác hoàn toàn với căn phòng trên tin đăng, giá thuê thật cao nhưng điều kiện xập xệ, tồi tàn, thiếu tiện nghi. Chỉ sau vài lần thăm phòng như vậy, khách thuê sẽ nản lòng rồi bỏ luôn khoản tiền cọc xem nhà và tự tìm phòng nơi khác.

Bạn Linh Trang (sinh viên năm nhất trường Đại học Quốc gia Hà Nội) đã gặp phải trường hợp phòng trọ lừa đảo như vậy, không những mất tiền mà còn phải vất vả ngược xuôi tìm phòng khác. Trang cho biết: “Sau khi nộp khoản tiền 500.000 đồng cho nhân viên môi giới phòng trọ, mình và bạn cùng lớp nhận được tờ giấy ghi rất nhiều địa chỉ kèm theo số điện thoại. Chúng mình bắt xe buýt đi xem phòng, đến nơi thì các chủ nhà đều nói đã hết phòng. Gọi lại cho môi giới thì được cung cấp thêm 3 địa chỉ nhưng đều là địa chỉ ảo và số điện thoại không liên lạc được”.

4. Lừa đảo phòng trọ dưới danh nghĩa ở ghép

Nhiều người đi thuê trọ với tâm lý sợ tốn kém đã nhanh chóng trở thành mục tiêu của kẻ lừa đảo cho thuê phòng trọ. Trong trường hợp này, kẻ lừa đảo sẽ giả dạng thành người cần ở ghép, lập nick ảo rồi lên mạng xã hội, vào các nhóm, hội tìm người ở ghép, tiến hành nhắn tin, liên lạc với những ai đang có nhu cầu. Khi được đồng ý ở ghép, kẻ xấu có thể đưa ra danh tính giả hoặc trì hoãn cung cấp giấy tờ tuỳ thân để hạn chế để lộ thông tin cá nhân. Kẻ lừa đảo cũng hạn chế tiếp xúc với những người cùng thuê trọ và không mang theo đồ đạc gì có giá trị tới nhà thuê. Nhân lúc bạn cùng phòng sơ hở, kẻ gian sẽ nhanh tay cuỗm sạch tài sản và “lặn mất tăm”. Khi phát hiện ra mọi chuyện thì nạn nhân cũng không thể liên hệ được với “bạn ở ghép” nữa vì ngay từ đầu kẻ lừa đảo đã đưa danh tính giả hoặc không cung cấp giấy tờ tuỳ thân.

Đã có nhiều kinh nghiệm nhận diện danh sách các phòng trọ lừa đảo, Mạnh Hải (26 tuổi) nhanh chóng tìm được cho mình một phòng trọ Tân Bình với vị trí thuận tiện để tiện bề vừa đi làm, vừa tranh thủ học lên thạc sĩ. Tuy nhiên, vì căn phòng Hải thuê gần khu vực trung tâm, thuận tiện đi lại nên giá tương đối cao, cộng với chi phí học tập, chi phí sinh hoạt hàng ngày đắt đỏ khiến anh không kham nổi. Hải đã đăng tin tìm người ở ghép trên các nhóm hội Facebook với mong muốn tìm được một người chia sẻ tiền thuê trọ. Sau vài ngày, Hải nhận được cuộc gọi từ bạn nam đề nghị đến xem phòng. Hai bên gặp nhau, người này tự giới thiệu là Minh, đang là nhân viên văn phòng của một công ty X cách đó 6km. Với vẻ ngoài lịch sự, đứng đắn, ăn nói trôi chảy, Minh đã tạo được lòng tin từ Hải và được chấp nhận ở cùng.

Tuy nhiên, ngay buổi sáng hôm sau thức dậy, Hải đã không thấy bạn cùng phòng đâu, ví tiền và máy tính xách tay của anh cũng không cánh mà bay. Người thuê đối diện cho biết, sáng sớm đã thấy Minh mang theo balo đi đâu đó nhưng không nghi ngờ gì. Hải gọi cho Minh nhiều cuộc điện thoại thì không liên lạc được, đến công ty X hỏi thăm nhưng cũng không ai biết đến người tên Minh. Lúc này, Hải mới nhận ra mình đã bị lừa, vội vã đến trình báo công an về việc mất trộm tài sản nhưng có lẽ khả năng lấy lại ví tiền, laptop là rất mong manh bởi anh không có bất cứ thông tin gì về "bạn cùng phòng" ngoại trừ cái tên Minh

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại