menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Cao Đức Giang

4 bẫy tâm lý đầu tư cần tránh

Nhà đầu tư nên chọn cho mình những chiến lược phù hợp và tuân theo nó để tránh việc mất tiền oan.

Có 4 bẫy tâm lý phổ biến cần tránh khi tham gia đầu tư đối với người mới, để có kết quả đầu tư tốt hơn.

Ngụy biện chi phí chìm

Ngụy biện chi phí chìm ( Sunk Cost Fallacy) là trạng thái cảm thấy tiếc nuối khi quyết định vứt bỏ một sự việc, khi ta đã dành nhiều thời gian và công sức cho nó.

Nó thôi thúc ta cứ đi theo quyết định ban đầu cho tới cùng. Mặc dù trong thâm tâm ta hiểu rõ, mọi việc sẽ chẳng đi tới đâu, và chỉ càng thêm tệ hại.

Cụm từ “sunk cost”, trong kinh tế học có nghĩa là “chi phí chìm”. Nó được hiểu như tiền bạc, công sức hoặc thời gian, mà bạn đã dành cho một công việc, một dự án, một mối quan hệ,…

Nói cách khác, chi phí chìm là khoản đầu tư không thể lấy lại được. Khi đã bỏ ra, bạn đã đánh mất nó vĩnh viễn. Chỉ khi nào bạn dừng lại, “chi phí chìm” mới ngừng tăng thêm.

Trong đầu tư, ngụy biện chi phí chìm xảy ra khi bạn không cắt lỗ tại điểm hợp lý, quyết định gồng lỗ để rồi chịu lỗ nặng nề hơn. Điều này đến từ tâm lý tiếc khoản vốn đầu tư ban đầu, hoặc tiếc thời gian, công sức nghiên cứu đối tượng đầu tư đó.

Cách nhận biết bẫy chi phí chìm

Những cổ phiếu đầu tiên bạn mua của Công ty X đem lại khoản lợi nhuận xuất sắc. Tuy nhiên, theo thời gian, các con số có xu hướng giảm.

Nhưng bởi vì trước đó nó đã mang lại cho bạn một đợt tăng giá đáng kinh ngạc. Bạn khó có thể chấp nhận cổ phiếu mà bạn đã lựa chọn cẩn thận, kiếm được lợi nhuận từ đó nay lại trượt giá. Do vậy bạn quyết định không bán cắt lỗ.

Hoặc bạn mua một căn hộ với mục đích đầu tư. Sau đó cho thuê và luôn giữ trong tình trạng tốt. Bạn đã nghĩ tới việc sẽ chuyển vào đó sống trong tương lai.

Một ngày, có người muốn mua lại căn hộ của bạn với giá cực hời. Nếu bán nó đi, bạn sẽ thu được một khoản lớn. Tuy nhiên, bạn chọn không bán bởi bạn đã dành quá nhiều thời gian, công sức cho căn nhà.

Cách thoát khỏi bẫy tâm lý

Bạn cần biết khi nào nên buông bỏ. Bất kỳ kết quả tích cực nào bạn có trong quá khứ sẽ không đảm bảo hiệu suất trong tương lai. Hãy đưa ra quyết định dựa trên thông tin bạn có trong hiện tại.

Tự xác định một điểm cắt lỗ. Ví dụ như 5% hoặc 7% của số vốn ban đầu cho mọi khoản đầu tư cũng là một cách giúp thoát khỏi bẫy tâm lý ngụy biện chi phí chìm.

Tự tin thái quá

Bạn đang trên đà thắng lợi trong các khoản đầu tư của mình? Mỗi đợt tăng giá của cổ phiếu đang nắm giữ càng khiến bạn tự hào hơn. Bạn đã trở nên quá tự tin? Bạn có chắc bản thân sẽ luôn đưa ra những lựa chọn đúng đắn và sắc nét không?

Cảm xúc dâng cao có thể khiến bạn chìm đắm trong thành công của mình và quên mất những sai sót đầu tư trước đó. Quá tự tin là khi bạn liên tục đánh giá cao quá mức các quyết định đầu tư của mình.

Cách nhận biết bẫy tự tin thái quá

Bạn chỉ mua một loại cổ phiếu. Vì bạn tin rằng bản thân hiểu rõ về nó, và không thấy cần phải đa dạng hóa. Bạn cho rằng đa dạng hóa chỉ dành cho những người không thể nhìn thấy tương lai.

Bạn tiếp tục mua một cổ phiếu ngay cả khi nhiều người khác coi đó là khoản đầu tư rủi ro. Bởi vì bạn không tin rằng mình có thể sai.

Cách thoát khỏi bẫy tâm lý tự tin thái quá

Bạn nên tham khảo các ý kiến từ người có chuyên môn với các khoản đầu tư lớn. Sau đó, kết hợp với ý kiến cá nhân để ra quyết định cuối cùng.

Ngoài ra, bạn có thể tự đặt một quy trình ra quyết định tuân theo một loạt các bước cẩn thận. Chẳng hạn như lên danh sách kiểm tra những gì cần tìm trong một khoản đầu tư và danh sách các kết quả có thể xảy ra.

Sự thiên vị mù quáng

Sự thiên vị mù quáng xảy ra khi bạn liên tục tìm kiếm thông tin để củng cố một suy nghĩ cá nhân. Sẵn sàng gạt bỏ, không để ý tới bất cứ một thông tin trái chiều nào.

Warren Buffett, nhà đầu tư nổi tiếng, đã từng nhận định: "Điều con người giỏi nhất là giải thích tất cả các thông tin mới nhằm chứng minh lập luận ban đầu". Nói cách khác, những gì bạn tìm kiếm chính là điều bạn mong muốn gặp được.

Trong đầu tư, sự thiên vị mù quáng xảy ra khi bạn tin vào lập luận của bản thân một cách thái quá. Bất chấp tất cả các sự thật trái chiều với lập luận đó. Điều này tiềm ẩn nguy cơ gây cho bạn một khoản lỗ lớn, thậm chí mất sạch vốn ban đầu.

Cách nhận biết bẫy thiên vị mù quáng

Nhà môi giới giới thiệu cho bạn một cổ phiếu. Bạn nghĩ rằng bản thân hiểu cổ phiếu đó và tin nó sẽ tăng trưởng. Nhưng bạn vẫn hỏi ý kiến ​​của người quen trước khi quyết định mua.

Bạn đồng ý với quan điểm của anh trai mình, vì trước đây anh ấy đã kiếm tiền được từ cổ phiếu của công ty đó. Trong khi đó, bạn không quan tâm đến ý kiến ​​được nghiên cứu kỹ lưỡng nhưng trái ngược của đối tác. Bạn loại bỏ ý kiến ​​đó vì nghĩ nó không có cơ sở, chỉ tin vào niềm tin của mình là công ty đó sẽ tăng trưởng rồi quyết định mua.

Cách thoát khỏi bẫy thiên vị mù quáng

Hãy kiểm tra xem bạn có thực sự nghiên cứu đầu tư với tư duy khách quan hay không. Bạn nên trung thực về bất kỳ thành kiến ​​cố hữu nào mà bạn có thể có.

Luôn tự hỏi bạn đang tìm kiếm thông tin để đưa ra quyết định đúng đắn nhất hay chỉ để củng cố quan điểm cá nhân.

Cuối cùng, hãy tránh đặt những câu hỏi khẳng định khi tìm kiếm lời khuyên từ người khác.

Tâm lý đóng khung

Đôi khi, chúng ta đóng khung các câu hỏi đầu tư để có được câu trả lời thuận lợi. Điều này hoàn toàn được thực hiện theo bản năng.

Ví dụ, có hai câu hỏi. Thứ nhất: "Suy nghĩ của bạn về công ty A như thế nào? Thứ hai: "Bạn có nghĩ rằng công ty A là một khoản đầu tư tốt khi giá cổ phiếu của họ đang tăng gần đây không? Tư duy khởi sinh để trả lời cho hai câu hỏi phía trên sẽ khác nhau.

Đóng khung câu hỏi đầu tư là một trong những cái bẫy nguy hiểm nhất. Bởi vì cách diễn đạt câu hỏi có thể ảnh hưởng đến câu trả lời và lời khuyên mà bạn nhận được.

Cách nhận biết bẫy đóng khung

Bạn thấy mình đặt ra những câu hỏi đầu tư chỉ mang lại câu trả lời có hoặc không. Mà không khiến người trả lời đưa ra những nhận định sâu hơn về khoản đầu tư được hỏi.

Bạn liên tục tìm kiếm "lợi nhuận cổ phiếu B" hoặc "cổ phiếu B tăng", thay vì "diễn biến cổ phiếu B".

Bạn bị mắc kẹt trong sự suy thoái của thị trường. Thay vì tìm các giải pháp thay thế, bạn liên tục tìm hiểu lý do tại sao khoản đầu tư lại thất bại.

Cách thoát khỏi bẫy đóng khung

Đặt lại các câu hỏi đầu tư cho chính mình và cả khi tham khảo ý kiến người khác theo hướng khách quan và mở hơn. Hãy luôn đặt câu hỏi tại sao và đừng chấp nhận những câu trả lời “Có - Không” hay “Tốt - Xấu”. Hãy tìm kiếm các lập luận hợp lý cho mọi câu trả lời.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
2 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại