39 doanh nghiệp chỉ gom được 70% số gạo xuất khẩu
Cạnh tranh khốc liệt trong “cuộc chiến” mở tờ khai lúc 0 giờ, nhưng cuối cùng đến hết tháng 4, 39 doanh nghiệp chỉ gom xuất khẩu được gần 280.000 tấn gạo, tương ứng 70% số gạo được xuất và tờ khai đã được mở.
Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, đến cuối chiều 1/5, 39 doanh nghiệp (DN) mở được tờ khai đăng ký xuất khẩu gạo hạn ngạch 400.000 tấn tháng 4, mới chỉ gom được 279.186 tấn gạo xuất khẩu. Như vậy, số gạo thực xuất chỉ đạt 70% hạn ngạch 400.000 tấn.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Tổng cục Hải quan cũng đã thông báo chính thức kể từ 0 giờ 00 phút ngày 1/5, việc xuất khẩu gạo trở lại bình thường theo quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với gạo xuất khẩu thực hiện theo quy định của Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Trước đó, ngày 28/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ trực tuyến về vấn đề xuất khẩu gạo với sự tham dự của lãnh đạo 13 tỉnh ĐBSCL, vựa lúa của cả nước, các tập đoàn, tổng công ty lương thực lớn, một số bộ, ngành.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Công Thương cho biết, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Riêng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, vụ Đông Xuân tới nay về cơ bản đã thu hoạch xong 1,54 triệu ha gieo trồng, sản lượng ước đạt 10,8 triệu tấn thóc. Sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu trong năm nay là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đến cuối tháng 4/2020, các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3 đã có sự thay đổi đáng kể, theo hướng tốt lên. Căn cứ bối cảnh trong nước và ngoài nước, xét mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm khó khăn nhất đã đạt được, Bộ Công Thương và các bộ, ngành thống nhất kiến nghị Thủ tướng kể từ ngày 1/5/2020, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường.
Thủ tướng cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, thời tiết bất thường, cần phải bảo đảm an ninh lương thực, không để đầu cơ, nâng giá, thiếu thốn lương thực. Bên cạnh đó, bảo đảm xuất khẩu lương thực để bảo đảm quyền lợi của người trồng lúa.
Cho rằng đạt nhiều thành tích, song còn có một số trục trặc trong điều hành, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan cần nâng cao trách nhiệm, chủ trì các cân đối lớn, phối hợp tốt với nhau để bảo đảm an ninh lương thực, xuất khẩu lương thực tốt hơn, thuận lợi hơn.
Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về phương án điều hành xuất khẩu gạo từ tháng 5/2020. Theo đó, từ 1/5/2020 cho hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường, tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo. Đồng thời tiếp tục thực hiện nghiêm việc chỉ xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế (đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy, đường hàng không).
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận