31 triệu liều vắc xin Pfizer Việt Nam mua sẽ bảo quản thế nào?
Thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden 'chia sẻ với thế giới' 20 triệu liều vắc xin Pfizer, Moderna và Johnson&Johnson có sẵn đang khiến nhiều người hi vọng. 'Bảo quản siêu lạnh' hay 'bảo quản siêu khó' giờ chỉ là trở ngại của quá khứ.
Comirnaty - tên thương mại của vắc xin COVID-19 do Pfizer và BioNTech phát triển - là một trong hai loại vắc xin dựa trên công nghệ mRNA tiên tiến nhất thế giới. Với hiệu quả 90 - 95%, Comirnaty đã được cấp phép sử dụng tại Mỹ và được nhiều nước săn đón.
Theo kết quả đàm phán của Bộ Y tế Việt Nam, nhà sản xuất vắc xin Pfizer có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 31 triệu liều vắc xin, trong đó 15,5 triệu liều cung cấp trong quý 3-2021 và nửa còn lại cung cấp trong quý 4-2021.
Điều kiện bảo quản và vận chuyển từng là trở ngại lớn cho vắc xin Pfizer. Theo nhà sản xuất, Comirnaty nên được bảo quản nhiệt độ siêu lạnh từ -80ºC đến -60ºC. Vắc xin có thể để được đến 6 tháng ở nhiệt độ này.
Điều này ảnh hưởng đến việc phân phối vắc xin và khả năng tiếp cận của người dân, bởi không phải nước nào hay địa phương nào cũng có sẵn kho siêu lạnh. Ngay cả những nước tiên tiến như Mỹ và châu Âu thoạt đầu cũng thấy khó với điều kiện này.
Dưới áp lực từ cơ quan quản lý dược phẩm của nhiều nước (và nhu cầu mở rộng thị trường trước các đối thủ), Pfizer đã tăng nhiệt độ bảo quản Comirnaty.
Theo một thông cáo của Pfizer hồi tháng 2-2021, Comirnaty có thể được bảo quản ở nhiệt độ -25°C đến -15°C trong vòng 2 tuần mà vẫn phát huy hiệu quả và ổn định.
Sau thời gian này, nếu chưa bị mở nắp, vắc xin có thể để được đến 5 ngày ở nhiệt độ lạnh thường (từ 2⁰C đến 8⁰C).
Trong trường hợp các phòng khám không có thiết bị bảo quản ở nhiệt độ từ -25°C đến -15°C, Pfizer đề nghị sử dụng thùng đựng vắc xin được thiết kế đặc biệt như kho bảo quản tạm thời.
Mỗi thùng có thể chứa được số lượng vắc xin tương đương 5.000 liều trong thời gian 10 ngày. Nếu được để thêm đá khô (sau mỗi 5 ngày), thời gian bảo quản có thể lên tới 30 ngày.
Vắc xin hoàn toàn có thể được pha loãng và tiêm cho người ở nhiệt độ phòng bình thường, không cần những điều kiện đặc biệt.
Như vậy, sau khi rời kho Pfizer, có 3 cách bảo quản vắc xin ở điểm tiêm: (i) kho siêu lạnh, (ii) kho lạnh từ 2⁰C đến 8⁰C hoặc (iii) thùng chứa đặc biệt.
Theo khuyến cáo của Pfizer, không thể tái cấp đông vắc xin một khi đã rã đông và bảo quản ở nhiệt độ 2⁰C đến 8⁰C.
Điều này đã thuyết phục được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), và chấp thuận điều kiện bảo quản do Pfizer đề xuất ngay trong tháng 2. Kết quả là chương trình tiêm chủng vắc xin của Mỹ được đẩy nhanh vượt kỳ vọng.
Nhà cung cấp vắc xin Pfizer cho Việt Nam đã đưa ra một số điều khoản ràng buộc rất chặt chẽ như ký thỏa thuận khung trước, rồi mới ký thỏa thuận chi tiết theo mẫu được áp dụng với 70 quốc gia khác đã nhập khẩu vắc xin Pfizer; miễn trừ trách nhiệm khiếu nại phát sinh hoặc liên quan đến vắc xin, việc sử dụng vắc xin Pfizer; không giao hàng theo đúng số lượng, thời gian dự kiến trong thỏa thuận; không có bảo lãnh tạm ứng, bảo đảm thực hiện hợp đồng; không áp dụng kê khai, kê khai lại giá.
Liên minh châu Âu (EU) muốn Pfizer và BioNTech làm nhiều hơn nữa với Comirnaty. Cơ quan Quản lý dược phẩm EU (EMA) ngày 17-5 khẳng định Comirnaty có thể được bảo quản ở nhiệt độ từ 2⁰C đến 8⁰C trong vòng 31 ngày thay vì 5 ngày.
Theo EMA, BioNTech đã nộp các báo cáo bổ sung về mức độ ổn định của vắc xin nếu kéo dài thời gian bảo quản. Sau khi xem xét các tài liệu đánh giá, EMA đã chấp thuận kéo dài thời gian.
Như vậy, tính từ lúc lấy ra khỏi kho siêu lạnh (-80ºC đến -60ºC), tùy vào điều kiện ở điểm tiêm, vắc xin Comirnaty có thể được bảo quản tối đa 61 ngày, bao gồm 30 ngày trong thùng đựng đặc biệt và 31 ngày trong kho lạnh thường (2⁰C đến 8⁰C).
Quyết định của EMA vấp phải một số nghi ngại do EU đang ráo riết tìm nguồn cung vắc xin mới. Việc AstraZeneca chậm trễ trong việc giao vắc xin khiến kế hoạch tiêm chủng cho 70% người lớn trước mùa hè có nguy cơ phá sản.
Theo yêu cầu của EMA, khuyến nghị mới về cách bảo quản sẽ được BioNTech và Pfizer cập nhật trên nhãn dán vắc xin và tờ rơi đi kèm.
"Cải thiện tính linh hoạt trong vận chuyển và sử dụng được kỳ vọng sẽ có tác động lớn đến việc triển khai vắc xin cho toàn bộ thành viên EU", EMA khẳng định.
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết tính đến ngày 17-5, vắc xin của Pfizer là vắc xin được sử dụng nhiều nhất ở Mỹ. Đã có hơn 180 triệu liều vắc xin Comirnaty được phân phối, trong đó 147 triệu liều được tiêm cho người dân.
"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tạo ra một loại vắc xin hiệu quả và có thể tiếp cận được với hầu hết những người dễ tổn thương nhất thế giới. Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung chuyên môn, tìm ra những công thức mới giúp vắc xin dễ vận chuyển và sử dụng hơn nữa", giám đốc điều hành BioNTech Ugur Sahin cam kết hồi tháng 2.
Việt Nam có kho siêu lạnh, đủ sức chứa 3 triệu liều vắc xin Pfizer
Theo Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Việt Nam có 3 kho siêu lạnh đáp ứng đủ điều kiện bảo quản vắc xin ở nhiệt độ -80ºC. Mỗi kho gồm nhiều tủ bảo quản, với sức chứa gần 100.000 liều mỗi tủ.
Các kho siêu lạnh này đặt tại Hà Nội (7 tủ), Đà Nẵng (5 tủ) và TP.HCM (18 tủ). Trong trường hợp mua được vắc xin Pfizer, Việt Nam có thể tiếp nhận và bảo quản cùng lúc 3 triệu liều ở nhiệt độ -80ºC. Các kho siêu lạnh này do Hệ thống tiêm chủng VNVC vận hành.
Bộ Y tế Việt Nam hồi tháng 1-2021 cũng cấp giấy chứng nhận 51 kho lạnh thuộc Hệ thống tiêm chủng VNVC. Những kho này có thể bảo quản cùng lúc 167 triệu liều vắc xin ở nhiệt độ từ 2⁰C đến 8⁰C.
(Theo Tuổi trẻ)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận